Với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/năm/đội, huyện cũng đã thành lập và duy trì hoạt động của 9 đội văn nghệ bản sắc tại 9/14 xã, thị trấn; 2 bản múa khèn tại xã Khao Mang, Mồ Dề; 2 đội hát dân ca Mông tại xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình; 2 đội làm nhạc cụ dân tộc tại xã Mồ Dề, Chế Cu Nha; 1 đội múa Mông tại Chế Cu Nha.
Các đội văn hóa, văn nghệ ấy ngày càng phát triển không chỉ giữ lại cái "hồn" cho bản mà còn giúp tiếng khèn, tiếng hát của người Mông ngân xa khi tham gia các chương trình, hội diễn văn nghệ của huyện, của tỉnh.
Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp, huyện Mù Cang Chải còn tích cực chỉ đạo, vận động nhân dân các xã thực hiện việc củng cố, phát huy nghề truyền thống như: làm nhạc cụ, dụng cụ lao động sản xuất các ngành nghề, đồ dùng sinh hoạt, văn hóa ẩm thực; khảo sát quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng từ Nậm Có đến Hồ Bốn, song đến nay mới chỉ tập trung tại xã La Pán Tẩn, bản Thái (thị trấn Mù Cang Chải); bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, danh thắng quốc gia, trong đó đặc biệt là các xã: Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn - nơi có ruộng bậc thang được công nhận Danh thắng cấp quốc gia và xã Cao Phạ - nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ, Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Anh Hảng A Cở - người dân xã La Pán Tẩn chia sẻ: "Từ nhiều năm trước, cán bộ xã đã trực tiếp tuyên truyền pháp luật cho tôi và bà con trong bản để bảo vệ, tôn tạo ruộng bậc thang. Từ đó, gia đình tôi đã nâng cao nhận thức, không xây dựng lán trại, nhà ở và các công trình cá nhân trên đồng ruộng. Gia đình tôi cũng tích cực sản xuất lúa xuân để vừa có gạo ăn vừa làm đẹp cảnh quan, bảo vệ danh thắng, thu hút khách du lịch".
Chính sự thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân mà 6 năm nay, huyện đều tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đặc sắc, thể hiện bản sắc dân tộc, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.
Hơn 5 năm qua, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Mông Mù Cang Chải đã có nhiều khởi sắc; ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc được nâng cao.
Ông Phạm Việt Cường - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: "Đến nay, việc hiếu, hỷ được nhân dân trong huyện tổ chức cơ bản theo nếp sống văn hóa mới, tiết kiệm. Tình trạng thách cưới cao giảm đáng kể; đám tang từng bước được đơn giản hóa, bà con không để người chết trong nhà quá 3 ngày và được để trong áo quan rồi mới tổ chức đám tang, không mổ nhiều trâu, bò, lợn. Số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; bản, tổ dân phố văn hóa tăng theo từng năm".
Nếu như năm 2013, toàn huyện có 3.969 hộ gia đình, chiếm 44,2% được công nhận gia đình văn hóa, 15/126 bản, tổ dân phố, chiếm 18,9% được công nhận làng, bản, tổ dân phố văn hóa thì đến hết năm 2017, con số ấy đã nâng lên lần lượt là 61,4%, 63,5%.
Cùng với đó, việc thực hiện mặc trang phục dân tộc vào những dịp quan trọng cơ bản đã được thực hiện. Mỗi thành viên trong gia đình đồng bào Mông đã có ít nhất 1 bộ trang phục truyền thống nguyên bản; các trường học cũng đã thực hiện việc mặc trang phục dân tộc mình trong các hoạt động lớn của nhà trường.
Có thể thấy, các nội dung điều chỉnh của Đề án đã có tác động tích cực đến nhận thức của đồng bào. Họ đã biết tự hào, trân trọng và phát huy những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của dân tộc mình, từ đó dần xóa bỏ các hủ tục, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
H.A