Đối với người Mông, trang phục còn là của cải gia truyền cần phải bảo tồn và gìn giữ qua nhiều thế hệ, do đó, trang phục hàng ngày của phụ nữ Mông nói chung và trang phục trong ngày cưới nói riêng được làm khá cầu kỳ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo của người phụ nữ.
Phụ nữ Mông thường dệt trang phục bằng sợi lanh. Cây lanh sau khi cắt về, phơi qua một nắng cho héo rồi được tách lấy vỏ, cho vào cối giã mềm, tước nhỏ, bện chặt thành dây dài.
Sau đó, đặt trên phiến đá lăn đi lăn lại cho bong hết lớp bột chỉ bên ngoài, đến khi nào sợi lanh trở nên mềm, dài, bắt ánh sáng óng ánh sẽ được cuộn lại thành những cuộn lớn rồi đem dệt.
Sau khi dệt thành vải, phụ nữ Mông sẽ vẽ sáp ong lên vải hoa văn theo ý muốn và đem nhuộm chàm. Khi thêu những hoa văn trên trang phục, phần lớn các phụ nữ Mông đều không cần mẫu. Chỉ thêu thường là sợi tơ tằm có độ bền cao và giữ được màu.
Hoa văn trong trang phục cưới của phụ nữ Mông chủ yếu là hoa văn hình học như: hình chữ nhật, hình thoi, hình xoáy ốc. Màu sắc chủ đạo là xanh, trắng, đen.
Trang phục cưới của cô dâu gồm áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía trước váy, thắt lưng và xà cạp. Áo có cổ hình chữ V. Hai ống tay áo là những hoa văn đường vằn ngang với đủ màu sắc trên nền chàm. Váy cưới có nhiều nếp gấp, mềm mại, khi xòe ra như cánh hoa. Trong trang phục cưới của phụ nữ Mông còn có xà cạp quấn quanh chân và xà cạp trước váy. Đồng bào Mông quan niệm, đeo tấm xà cạp trước váy là thể hiện ý tứ và kín đáo của người con gái.
Trang phục của cô dâu về cơ bản cũng gồm những họa tiết như trang phục truyền thống của phụ nữ Mông, song số lượng các hoa văn, họa tiết nhiều hơn, phần diềm váy là màu đỏ thể hiện khát khao hạnh phúc của người phụ nữ.
Cùng với váy áo, trang phục cưới của cô dâu còn có các phụ kiện như: mũ đội đầu, vòng cổ cùng những đồ vật mới, được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thường vào độ tuổi 15, 16, các cô gái Mông đã được các bà, các mẹ truyền dạy kỹ thuật thêu hoa văn trên váy áo và tranh thủ lúc rảnh hay bất cứ ở đâu, trên nương rẫy hay khi đi trên đường, lúc nào rảnh rỗi là lại tranh thủ thêu thùa, se lanh.
Đây là công việc không những thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ mà còn là tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm chất và cách làm ăn của phụ nữ. Mỗi bộ trang phục cưới thường phải làm trong vòng một năm mới xong, bởi thế phụ nữ Mông rất trân trọng và giữ gìn cẩn thận.
Khác với trang phục của cô dâu, trang phục của chú rể trong đám cưới người Mông thường không quá rực rỡ. Chú rể thường mặc bên trong một áo màu trắng, bên ngoài là áo màu tối có hình hoa văn ở tay, quần màu đen, ống rộng.
Trang phục đàn ông Mông cũng do đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ làm nên. Bởi thế, người phụ nữ Mông được ví như người nghệ sỹ, góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hồng Oanh