Vang mãi “Bản hùng ca Tây Bắc”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/10/2019 | 8:37:24 AM

YênBái - Sau tiểu thuyết "Xóm chợ" và các tập truyện, ký: "Miền rừng thuở ấy", "Người về sau cuộc chiến", "Lung linh Mường Lò", Nguyễn Hiền Lương vừa cho ra mắt bạn đọc tập truyện ký "Bản hùng ca Tây Bắc" - Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân năm 2019. Đây là kết quả của quá trình tiếp nhận tư liệu từ việc đọc, nghe kể và trải nghiệm thực tế chiến đấu của tác giả.

Với 14 truyện ký viết về những sự kiện cùng con người Tây Bắc, chủ yếu là tỉnh Yên Bái trong cách mạng giải phóng dân tộc tháng 8 năm 1945, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Hiền Lương đã góp phần làm sống dậy chặng đường lịch sử oai hùng của dân tộc. 

Đọc tập sách, ta thấy hiện lên các địa danh quen thuộc Bảo Hà, Đại Lịch, Âu Lâu, Mù Cang Chải tới Trị Thiên - Huế, Trường Sơn, Sê băng hiêng; những con người bình thường qua cuộc chiến đã trở thành anh hùng như Hoan, Hoàng Văn Thọ, Nguyễn Văn Hứ, Vũ Đức Danh, Soi, Xuân... và họ đã viết nên bản hùng ca Tây Bắc.

Trong văn học Việt Nam hiện đại có không ít tác phẩm viết về vai trò của người cán bộ bám dân nhen nhóm ngọn lửa cách mạng. 

Ở Nguyễn Hiền Lương, yếu tố dân vận được tác giả khai thác và miêu tả khá thành công. Thời kỳ trứng nước, Hoan được giao nhiệm vụ tìm người đặt rèn mã tấu chuẩn bị cho việc thành lập đội du kích Pú Gia Lan. Bao gian nan, nào phải thuyết phục lão Cúc lò rèn, rồi lão Xá, cô đồng The để có nơi cất giấu kín đáo. 

Chính cái tên Việt Minh đã giúp họ giác ngộ và "Không chỉ có thế, Hoan còn nhóm lên được ngọn lửa cách mạng đầu tiên trên đất Bảo Hà. Đầu óc, trái tim của những con người bé mọn, tưởng như cuộc sống cùng cực, dưới đáy khiến họ chỉ quanh quẩn với những lo toan miếng cơm manh áo đã có một luồng ánh sáng soi rọi để thành ngọn lửa. Lửa đã cháy. Nhất định nó sẽ bùng lên thành một đám cháy lớn để thiêu sạch bọn Tây đồn ác bá" (Lửa đã cháy). 

Nhân vật Nguyễn Văn Hứ trong "Bản hùng ca Tây Bắc" lại có cách riêng để tiếp cận nhân dân. Giữa lúc giặc Pháp tung nhiều toán gián điệp, biệt kích vào vùng giải phóng, lừa phỉnh đồng bào dân tộc thiểu số, lập các toán phỉ nhằm gây bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng thì nhiệm vụ quan trọng là phải diệt phỉ, an dân. Đại đội 96 bộ đội địa phương Yên Bái gặp không ít khó khăn khi người dân cố tình xa lánh. 

Thực hiện phương châm ba cùng, Hứ nhận thấy "Thì ra mấu chốt của vấn đề là dân sợ bộ đội giết phỉ, tức là giết con em, chồng, cháu của họ chứ không phải dân chống đối cách mạng. Vậy phải nói cho dân hiểu mục đích tiễu phỉ là tiêu diệt bọn đầu sỏ, phá tan âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của chúng chứ không giết người theo phỉ". Bằng sự quả cảm và mưu trí, anh tay không vào tận hang ổ phỉ để thuyết phục, gọi hàng thành công. "Cuộc đời người lính Nguyễn Văn Hứ đã trở thành một phần của Mù Cang Chải, hòa vào bản hùng ca Tây Bắc oai hùng, còn mãi với thời gian". 

Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn người con của Yên Bái đã lên đường theo tiếng gọi non sông. Các tiểu đoàn Yên Ninh được thành lập nhằm chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. "Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa biết mình" trở thành nơi rèn luyện và thử thách bao trái tim quả cảm. 

Một thế hệ chiến sỹ mới: Vũ Đức Danh, Nguyễn Văn Đức, Hoàng Văn Đáp, Sa Minh Phóng, Hùng, Dũng, Hương, Lan... lại kế tục sự nghiệp của bậc cha anh dấn thân vào cuộc trường chinh vĩ đại. Kể sao hết khó khăn gian khổ phải vượt qua. Những dốc "Chín quai", "Năm thang", "Hết hơi", "Tắc thở"... trải dài theo đường hành quân. Hãy nghe bộc bạch của người trong cuộc "Mấy bữa ở sườn Đông còn hành quân hùng dũng giờ đã đến lúc cúi đầu mà lết từng bước. Chân như muốn rời, cơ thể khô mà lại nhão ra, chỉ cần đứng lại là đổ gục ngay xuống, thiếp vào giấc ngủ ngay được. Nhưng vẫn phải cắn răng mà đi, cố bám nhau. Lính ta gọi là đi bằng đầu. Chỉ cần chậm vài bước chân, không bám được nhau là lạc ngay" (Xẻ dọc Trường Sơn). 

Rồi bom đạn địch, mưa rừng, bệnh tật, đói rét và cái chết rình rập song không ngăn nổi bước chân ngàn dặm. Sa Minh Phóng (Xẻ dọc Trường Sơn) bị thương và lạc giữa rừng vẫn không bỏ đồng đội; Vũ Đức Danh (Bức tranh) bình tĩnh, dũng cảm lái xe vượt trọng điểm bắn phá của máy bay địch: "Một loạt đạn nổ rèn rẹt cày đất ngay trước mũi xe. 

Bụi đất chưa tan, Danh cho xe chồm qua hố đất. Rồi cứ thế xe lúc đột ngột đi nhanh vọt lên, lúc lại đột ngột khựng lại ngoặt trái, ngoặt phải liên tục như làm xiếc để tránh các miệng hố bom to nhỏ đủ cỡ trên đường"; Hùng cùng Đại đội I đặc công (Tết lính) chiến đấu dũng cảm ở nội đô Huế trong Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; Hương cất cao lời ca quan họ trước lúc hy sinh vào "Khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh"... Chính họ, những con người bình thường nhưng vĩ đại ấy đã viết tiếp "Bản hùng ca Tây Bắc" và làm nên kỳ tích vẻ vang đại thắng mùa Xuân 1975. 

Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất. Về với cuộc sống đời thường, dù phải gánh tiếp hậu quả của chiến tranh như thương tật, nhiễm chất độc da cam cùng nhiều hệ lụy khác, vượt lên hoàn cảnh, thương binh hạng 1/4 Lê Ngọc Châu tâm niệm: "Không lúc nào tôi quên lời Bác dạy "thương binh tàn nhưng không phế", phải phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn, không để cho cái đói, cái nghèo vượt lên mình" (Có một dòng Sê băng hiêng vẫn chảy trong tim). 

Anh nhận đất trồng rừng, vay vốn phát triển chăn nuôi và trở thành ông chủ trang trại lớn. Giàu mà không quên giúp đỡ đồng đội cùng bà con thôn xóm có hoàn cảnh khó khăn, lại tích cực tham gia công tác xã hội. Và "có một dòng Sê băng hiêng thời bom đạn lại dạt dào chảy trong tim những người lính Trường Sơn". 

Anh hùng mà lãng mạn, hùng ca song rất đỗi trữ tình. Những anh bộ đội, những tự vệ, thanh niên xung phong chiến đấu dũng cảm cũng là những người giàu tình cảm yêu thương. Đó là tình quân dân như cá với nước, tình làng xóm thắm thiết, nghĩa đồng bào sâu nặng. 

Và làm sao không cảm động với mối tình của Nguyễn Văn Hứ với cô gái Mông Cứ Thị Mỷ; những lời tỏ tình và kỷ vật đơn sơ trao vội của Đằng và Soi (Bến đợi), Xuân và Tôi (Đêm thị xã), Hùng và Lan (Tết lính), Dũng và Hương (Khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh)... Cao hơn nỗi khát khao nhục thể, tình yêu của những chàng trai, cô gái "đẹp hơn hoa hồng và cứng hơn sắt thép" luôn thơm như hoa đồng nội, tỏa sáng như ánh trăng giữa đại ngàn. Hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, hầu hết các mối tình đều dang dở do có sự hy sinh, song nó sống mãi trong lòng bạn đọc và làm nên bản tình ca bất diệt. 

Viết về chiến tranh, tác giả Nguyễn Hiền  Lương cũng tỉnh táo để nhận ra sự phũ phàng của nó. Đã có nhiều tác phẩm kinh điển trên thế giới và ở Việt Nam khẳng định "Nỗi buồn chiến tranh", "Chiến tranh không phải trò đùa". Kẻ thù xâm lược, chiến tranh của chúng ta là chiến tranh vệ quốc nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy khôn lường. 

Suy ngẫm về vấn đề này, tác giả viết "Chiến tranh ư, mi là gì mà lại tàn ác đến thế" hay "Tôi bắt đầu nhận ra những khoảng khắc trong chiến tranh. Khoảng khắc có thể bằng cả bao năm tháng, thậm chí là cả một đời. Khoảnh khắc có thể làm con người trở thành anh hùng, cũng có thể trở thành kẻ phản bội thì khoảnh khắc cũng có thể nảy sinh một tình yêu chân chính". Thì anh hùng đấy, tình yêu đấy mà cũng đầy rủi ro, "Chiến tranh đã làm cho bao hò hẹn thành lỡ hẹn, bao dự định thành vô định, bao mơ ước mãi mãi chỉ là mơ ước".  

Cuộc chiến lùi xa mấy chục năm trời, thời gian đã xóa đi những "vòng trấng", "sẹo đất", chỉ còn nỗi đau lòng người âm ỉ. Ta càng thông cảm với ước vọng của những bà mẹ, người vợ liệt sỹ như mẹ của Hồng (Tìm lại tên cho cha) khắc khoải chờ đón hài cốt người thân về lại quê hương. Và không khỏi xót xa cho hoàn cảnh của chị Làn khát khao được yêu, khát khao có một đứa con, ước vọng đời thường chưa trọn "Người như chị nếu không có chiến tranh, nếu anh Độ không phải ra chiến trường, chắc chắn sẽ có một gia đình hạnh phúc. Biết đâu chị còn thăng tiến làm đến chức này chức nọ" (Chị Làn). Tủi cực nữa là người thầy giáo khả kính - thầy giáo Thái, chỉ vì một phút lỡ làng thành kẻ đào ngũ đành mang theo nỗi ân hận suốt đời (Những khoảnh khắc đời người).

Qua mấy tập sách, đến "Bản hùng ca Tây Bắc" bạn đọc dễ dàng cảm nhận thấy văn Nguyễn Hiền Lương giàu chất ký. Cuộc sống của những ngày dạy học, làm văn nghệ và nhất là thực tế chiến đấu đầy ắp trong tác phẩm. Dù đã có sự gia công nghệ thuật của người viết, song ở vài tác phẩm chưa chú ý tiết chế tư liệu dẫn đến việc lựa chọn chi tiết đắt giá làm nổi bật chủ đề còn hạn chế. 

Điều đáng quý là vốn văn hóa dân gian tích lũy trong quá trình học và đọc như phong tục và ẩm thực người Thái Mường Lò, tục lấy vợ của người Mông, các sự tích về hoa Tầm xuân, dòng Sê băng hiêng, đèo Mụ Giạ... luôn được tác giả vận dụng đưa vào tác phẩm không chỉ làm phong phú mà còn giúp làm vơi đi cái không khí nặng nề, ngột ngạt của chiến tranh. 

Và sự thăng hoa của người cầm bút cũng tạo được nhiều trường đoạn đậm chất thơ: "Đúng là trăng đang ngoi lên từ tán cây rừng khộp, ánh trăng luồn lách len lỏi qua những khe lá đổ những đốm vàng to nhỏ lỗ chỗ xuống thảm cỏ quanh những gốc cây, biến rừng khộp thành tấm thảm hai màu nâu thẫm và vàng tươi trải rộng" (Bức tranh); hoặc "Thật may, Hùng vừa đến nơi thì có nắng, sương đột ngột tan. Cảnh vật gần xa dần dần hiện ra. 

Những cánh rừng mấy hôm trước còn xác xơ vì bom pháo, vì chất độc hóa học, sớm nay bỗng biêng biếc một màu xanh non tơ. Phía dưới thung, hai bên bờ suối trải dài một màu vàng dịu của hoa mai rừng đang bừng nở. 

Nhìn ra xa, dòng Sê băng hiêng bắt nguồn từ phía Tây dãy Trường Sơn như một sợi khói lam chiều ngoằn ngoèo uốn lượn đang bay lên từ cái cái nền xanh non tơ ấy" (Tết lính). Dù là truyện ký, yêu cầu phản ánh chân thực con người và sự kiện "tự nhiên như nhiên" song những truyện có thêm phần hư cấu của tác giả vẫn hấp dẫn và tạo hiệu ứng nghệ thuật tốt. 

Đặc biệt, thời gian gần đây, anh đầu tư nhiều cho xây dựng tình huống truyện. Những truyện "Đêm thị xã", "Bức tranh", Khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh", "Chị Làn" đã tạo dấu ấn của sự sáng tạo. Tuy vậy, có mấy truyện dường như còn lặp lại cấu trúc khiến người đọc có cảm giác sáo, cũ. Và tôi hoàn toàn đồng tình với nhà phê bình Văn Giá khi nhận định về văn phong cách văn chương Nguyễn Hiền Lương: "Văn Nguyễn Hiền Lương thực chất là văn của nghĩa tình. Nhờ nghĩa tình mà có hậu”. 

Thế Quynh

Tags Vang mãi “Bản hùng ca Tây Bắc” "Miền rừng thuở ấy" "Người về sau cuộc chiến" "Lung linh Mường Lò" Nguyễn Hiền Lương

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục