Cũng vì vậy Mường Lò không chỉ để lại ấn tượng với du khách bởi hương vị của đặc sản địa phương mà còn mê hoặc lòng người bởi âm điệu dặt dìu trong những đêm hội khèn bè xốn xang, mời gọi.
Nếu như người Kinh có đàn bầu, người Tày có đàn tính, người Dao có kèn pí lè... thì người Thái lại có khèn bè, thân thương trong đời sống tâm hồn và trở thành biểu tượng của văn hóa Thái. Mỗi độ tết đến xuân về hay trong các lễ hội cộng đồng của người Thái nơi thung lũng Mường Lò đều có sự xuất hiện của khèn bè.
Tiếng khèn bè như tiếng đồng vọng của núi rừng, khe suối hòa cùng với nhịp sống của người dân nơi mường bản. Khi da diết, lúc lắng sâu, âm điệu mênh mang, dìu dặt của khèn bè quện hòa trong từng câu khắp "Hăn nê”, trong mỗi lời ca "Inh lả” khiến lòng người cũng mê mải, đắm say.
Khèn bắt nhịp cho rộn rã vòng xòe nồng nàn và bất tận; cho tay trong tay, lung linh ánh mắt "noọng xao”; cho cả đất trời cũng nghiêng say trong đêm hội đất Mường. Tiếng khèn bè khi tấu lên lúc rộn ràng, rạo rực, khi lại da diết, lắng sâu làm thổn thức bao trái tim chàng trai, cô gái. Chiếc khèn bè vì vậy mà trở thành sản phẩm nghệ thuật kết tinh tâm hồn, trí tuệ và tình yêu đôi lứa. Là khúc dạo đầu không thể thiếu cho các pì, các noọng trao gửi tâm tình. Khèn bè chính là linh hồn của dân ca, dân vũ Thái.
"...Tiếng khèn làm đẹp bản Mường
Như nắng dệt gấm trên quê hương
Như núi lam xanh sương đêm vừa gội
Như suối hát tình ca
Như tiếng người yêu gọi...”.
Người Thái ở Mường Lò quan niệm rằng con trai muốn lấy vợ đẹp, giỏi giang thì phải biết thổi khèn bè. Âm thanh của khèn bè đã trở thành men say của tình yêu đôi lứa và là sợi dây vô hình kết nối cộng đồng người Thái đã bao đời quần tụ ở đất này. Cũng bởi vậy, việc chế tác khèn bè giờ đây vẫn được các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ con cháu, để mạch nguồn văn hóa Thái luôn được tiếp nối nơi mảnh đất Mường Lò như dòng Nậm Thia chảy mãi cùng năm tháng.
Để chế tác được một chiếc khèn bè phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo và một khả năng thẩm âm tinh tường. Sau khi 14 ống nứa tép được ghép lại thành từng đôi trên một bầu bằng gỗ và gắn kín bằng sáp ong, người nghệ nhân tiến hành dùi 12 lỗ bấm đối xứng và khoét các lỗ thoát hơi trên các ống nứa với các kích cỡ khác nhau ở những vị trí thích hợp.
Với 5 cung và một quãng 8, hòa tấu khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các vũ điệu truyền thống của dân tộc Thái. Làm khèn bè vốn đã rất công phu, song thổi khèn bè cũng là cả một nghệ thuật.
Tiếng khèn là tiếng lòng, là tâm hồn, tình cảm của người nghệ sĩ nơi mường bản và hơn nữa đó còn là tiếng nói của niềm tự hào về truyền thống văn hóa và là tình yêu với quê hương, đất mường yêu dấu. Như một lẽ tự nhiên, các thế hệ người Thái từ đời này qua đời khác ở đất này luôn tâm huyết truyền cho nhau cách thổi và biểu diễn khèn bè như truyền nguồn cội yêu thương và khát vọng về cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.
Cây khèn bè thực sự là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh giá trị văn hóa, tình yêu quê hương và ước vọng cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái. Nó là sản phẩm minh chứng cho sự phát triển trong lĩnh vực âm nhạc, là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo của người Thái ở Mường Lò.
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Thái, trong đó có nhạc cụ truyền thống độc đáo này, những năm qua, cùng với tâm huyết của các nghệ nhân truyền dạy cách chế tác và thổi khèn bè, một số câu lạc bộ khèn bè ở Mường Lò - Nghĩa Lộ đã hình thành và hoạt động thường xuyên. Đây cũng chính là những hạt nhân trong phong trào nghệ thuật quần chúng ở các xã phường của thị xã miền Tây.
Sự ra đời và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ khèn bè không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật khèn bè trong đời sống cộng đồng mà còn góp thêm những sản phẩm du lịch mới, tạo ấn tượng văn hóa thu hút du khách đến với Nghĩa Lộ - Mường Lò. Bên ánh lửa bập bùng, hòa cùng tiếng khèn, tiếng trống, vui trong nhịp điệu xòe hoa, chắc hẳn sẽ để lại ấn tượng khó phai mờ với du khách khi lên với đất này.
"...Em gái Thái, đôi tay ngà thon thả
Áo cỏm, khăn piêu lung linh giữa vòng xòe
Tiếng khèn, tiếng pí xốn xang câu ing lả
Cả đất trời như say cùng đêm hội mường em....”.
Thanh Tửu