Người Thái quan niệm năm nào có rồng xuất hiện thì mưa thuận, gió hòa, người người mạnh khỏe, vạn vật tốt tươi, mùa màng bội thu, bản làng yên vui. Chính vì vậy, người Thái đã làm ra quả còn với tấm lòng thành kính, trân trọng và sự kết hợp khéo léo theo trí tưởng tượng của mình.
Quả còn được làm bằng những miếng vải đủ màu sắc xanh, đỏ, đen, vàng, khâu thành hình vuông to bằng nắm tay, bên trong nhồi hạt bông, thóc giống, muối ăn và một ít trấu, mang ý nghĩa của sự no đủ.
Quả còn được đính năm tua mầu, bốn tua ở bốn góc và dây đáy, dây còn được làm bằng dây vải đính nhiều chùm vải tua rua nhiều màu sắc. Dây còn như thân rồng với chín tia nắng, tám tia mưa là tín hiệu mọi điều may mắn, tốt lành cho một năm mới.
Người Thái còn thể hiện sự trân trọng với quả còn bằng lễ cúng còn, được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm. Dịp này, lễ cúng còn thường được tổ chức vào giữa trưa hoặc đầu giờ chiều trước khi diễn ra hội thi ném còn.
Địa điểm được tổ chức tại chỗ dựng cây còn; lễ vật được dân làng chuẩn bị thịnh soạn gồm: một bộ lục, phủ, ngũ, tạng lợn; vải sải; vải thổ cẩm; vòng tay; vòng cổ; rượu; cơm; canh và 4 quả còn. Ông chủ mường hoặc thầy mo sẽ báo cáo với tổ tiên và các đấng thần linh rồi đọc bài cầu khấn:
"…Phù hộ cho con cháu
Tung còn lên phía trời cao cho phát đạt
Quăng còn lên phía cao xanh được tốt lành
Được cái tốt đẹp hơn năm ngoái
Được cái giàu, cái sang hơn ngày năm kia
Cho bản mường làm gì được nấy
Nhờ cái gì cũng được như ước, như mong
Đón còn đón lấy khỏe mạnh về bản
Đón lấy điều tốt lành vào thân
Có nhiều gia súc, gia cầm sinh sôi, nảy nở
Có nhiều thóc lúa về chật nhà…”.
Sau nghi lễ cúng còn là hội thi ném còn. Cây còn được dựng lên bằng cây tre hoặc hóp cao từ 10 m - 20 m, đầu trên ngọn cây làm một vòng tròn rộng từ 30 cm – 50 cm được gắn vải đỏ hoặc dán giấy mầu có đánh dấu tâm vòng tròn để người thi dễ xác định điểm ném.
Hội còn ngày xuân.
Quả còn được lấy từ trong lễ vật cúng ra để thi, chiêng trống nổi lên, các nam thanh niên khỏe mạnh cường tráng bắt đầu hội thi ném còn. Ai ném quả còn thủng được vòng tròn là người chiến thắng đem lại may mắn cho bản thân mình và cho cả bản làng trong năm đó. Vì vậy, người chiến thắng rất vinh dự và được tặng thưởng. Nếu hội thi không có ai ném còn thủng vòng tròn thì năm đó sẽ không có nhiều may mắn đến với bản làng.
Cùng với hội thi ném còn là trò chơi tung còn với 2 cách chơi phổ biến là còn xai (người chơi chia làm hai hàng bên tung, bên đón) và còn xổm (người chơi đứng thành vòng tròn, tung còn theo thứ tự vòng tròn, ai cũng được chơi bình đẳng).
Có rất nhiều cách chơi còn nhưng đều mang một ý nghĩa chung đó là khi quả còn tung lên sẽ mang đi cái úa vàng, vận hạn rủi ro; khi quả còn được đón lấy là bắt lấy cái tốt đẹp, may mắn về mình. Trò chơi tung còn không chỉ là sợi dây gắn kết tình cảm cộng đồng mà còn là dịp để nam nữ gặp gỡ tìm hiểu nhau và nên duyên vợ chồng.
Ngày nay lễ cúng còn luôn được tổ chức trang trọng và là nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội rằm tháng Giêng. Hội thi ném còn và trò chơi tung còn không thể thiếu trong các lễ hội của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó là chuyên chở ước mơ, khát vọng về cuộc sống thanh bình, thuận theo lẽ tự nhiên của trời, đất để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hoài Anh