Với khẩu hiệu "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập" Liên hoan Phim (LHP) nhằm mục tiêu biểu dương và giới thiệu đến công chúng các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo.
Để vinh danh các nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật từ 2017 đến nay, các hoạt động diễn ra trong LHP gồm: Phim dự thi; Phim toàn cảnh; Triển lãm; 2 Hội thảo: Bối cảnh quay phim tại Việt Nam, Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế; Lễ khai mạc và Lễ bế mạc - Trao giải LHP Việt Nam lần thứ 21.
Hệ thống giải thưởng chính gồm giải thưởng dành cho phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và giải thưởng dành cho cá nhân (đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên, họa sĩ, âm nhạc, âm thanh).
Ngoài ra, còn có giải bình chọn của khán giả, giải thưởng của các cơ quan, đoàn thể và tổ chức xã hội.
Quy chế LHP Việt Nam lần thứ 21 vẫn cho phim làm lại (remake) dự thi tất cả các chương trình, tuy nhiên trong trường hợp phim được tuyển chọn vào vòng dự thi sẽ được xét các giải thưởng dành cho cá nhân về đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ, âm thanh, âm nhạc (trừ giải thưởng cho phim và tác giả kịch bản).
14 bộ phim trong Chương trình Toàn cảnh LHP Việt Nam lần thứ XXI gồm: Giấc mơ Mỹ; Trạng Quỳnh; 798 Mười; Thật tuyệt vời khi ở bên em; Chị Mười Ba; Tìm chồng cho mẹ; Chú ơi, đừng lấy mẹ con; Hồn Papa da con gái; Giã từ cô đơn; Tháng 5 để dành; Truyện ngắn; Ước hẹn mùa thu; Vô gian đạo và Vu quy đại náo.
Trong só 14 phim này, nhiều phim có doanh thu phòng vé khá tốt như 798 Mười, Trạng Quỳnh, Vu quy đại náo…
16 bộ phim truyện dự thi gồm: Thạch Thảo, Hợp đồng bán mình, Hạnh phúc của mẹ, Truyện ngắn, 11 niềm hy vọng, Khi con là nhà, Thưa mẹ con đi, Anh thấy ngôi sao, Người bất tử, Song Lang, 100 ngày bên em, Truyền thuyết về Quán Tiên. Hai Phượng,Nơi ta không thuộc về, Lật mặt: Nhà có khách, Tháng năm rực rỡ… sẽ tranh các giải Bông sen Vàng, Bông sen Bạc và các giải thưởng khác.
Ngoài 30 phim truyện, còn có 29 phim tài liệu tham gia tranh giải và 16 phim tài liệu trong Chương trình Toàn cảnh.
16 phim tài liệu được chọn trình chiếu trong Chương trình Toàn cảnh gồm: Chuyện làng Nôm; Kvey tới vùng Bạc Rây; Nét văn hóa đặc sắc dân tộc Mông tỉnh Điện Biên: Cuốn nhật ký định mệnh;Người xưa khởi nghiệp; Di sản của thầy; Được và mất;
Người nghệ nhân giữ hồn cho núi; Người truyền cảm hứng; Nhà đày Buôn Ma Thuột - Chứng tích tội ác chiến tranh; Tuổi thác ghềnh và Vị chính ủy đường Trường Sơn huyền thoại; Những người đưa phim về bản; Nỗi niềm tứ nữ; Sông Gianh thương nhớ; Tìm..
Được chú trọng về "chất”, LHP 2019 không bằng mọi giá phải có Bông sen vàng. Tinh thần này đã được Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: "Làm sao để chất lượng phim phải đảm bảo, giải phải có tính thuyết phục. Ban giám khảo, ban chỉ đạo thống nhất, điều đầu tiên là uy tín của LHP, không gượng ép phải trao Bông sen vàng nếu mặt bằng ít phim tốt”.
Sự kiện mở màn chuỗi sự kiện trước thềm LHP - Tuần phim chào mừng LHP diễn ra từ ngày 6-12/11 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tạo cơ hội cho khán giả được thưởng thức 30 bộ phim truyện điện ảnh đặc sắc.
Bộ phim truyện điện ảnh "Hạnh phúc của mẹ” của đạo diễn Phạm Huỳnh Đông được trình chiếu tại Lễ khai mạc Tuần phim. Bộ phim kể về câu chuyện cảm động của người mẹ đơn thân nghèo khó, nhiều bệnh tật giúp người con trai mắc hội chứng tự kỷ mạnh dạn theo đuổi ước mơ của cuộc đời mình.
(Theo GD&TĐ)