Dẫn chúng tôi đi tham quan công trình đang dần hoàn thiện, đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh hồ hởi giới thiệu: "Nhà bảo tàng được đầu tư xây dựng thiết kế hiện đại, bố cục hình khối và đường nét khoáng đạt khoẻ khoắn. Không gian bên trong gồm các phòng chức năng được tổ chức theo hướng đăng đối, thoáng rộng với trần cao và nhiều hàng cột lớn. Khu vực tiền sảnh rộng rãi, cho phép hướng nhìn mở lên cao thông tầng sẽ là vị trí rất đắc địa cho việc giới thiệu và tạo ấn tượng với du khách khi họ vừa bước chân vào Bảo tàng. Phần khoảng không phía trên cũng sẽ là một lợi thế lớn để thi triển các thủ pháp nghệ thuật bằng cách khai thác nguồn ánh sáng tự nhiên”.
Với 2 tầng nổi và 1 tầng hầm, diện tích sàn là hơn 2.700 m2, hệ thống cầu thang máy và đường đi dành cho người khuyết tật, công trình nhà bảo tàng sẽ có 3 phần trưng bày và 2 khu hoạt động phụ trợ gồm: trưng bày trong nhà, trưng bày ngoài trời, trưng bày chuyên đề, phòng hoạt động khoa học và khu vực hoạt động văn hóa, dịch vụ.
Là một thiết chế văn hóa, Bảo tàng tỉnh Yên Bái có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các di sản văn hóa, tài liệu, hiện vật về lịch sử của Yên Bái. Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức của công chúng, năm 2007, Bảo tàng tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng nhà bảo tàng.
Thời gian qua, để chuẩn bị cho công tác trưng bày, quảng bá một cách đầy đủ, sâu sắc và khái quát nhất về đất nước, con người Yên Bái khi nhà bảo tàng đi vào hoạt động, cùng với hàng chục nghìn hiện vật cũ, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tổ chức sưu tầm, xây dựng và hình thành thêm các bộ sưu tập hiện vật mới.
Từ năm 2009, Bảo tàng tỉnh đã từng bước nghiên cứu, phân loại, giám định khoa học và xây dựng các bộ sưu tập hiện vật quý hiếm hiện đang lưu trữ. Trong đó, nổi bật là các sưu tập hiện vật như trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái (2009); rìu đồng Đông Sơn (2010); thạp đồng Đông Sơn (2011); trống đồng Đông Sơn (2012); sưu tập tiền cổ (2013); sưu tập sắc phong (2014)… và nhiều hiện vật lớn như tháp Hắc y; máy bay Mic 21 của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân; nhà sàn dân tộc Thái…
Đặc biệt, Bảo tàng đang lưu giữ và bảo quản 1 bảo vật quốc gia thạp đồng Hợp Minh, đây là hiện vật rất có giá trị mang dấu ấn đậm nét của một giai đoạn lịch sử phát triển rực rỡ ở Yên Bái - thời kỳ văn hóa Đông Sơn.
Chia sẻ về công tác sưu tầm hiện vật mới chuẩn bị cho công tác trưng bày nhà Bảo tàng, đồng chí Nguyễn Tiến Hòa - cán bộ Bảo tàng tỉnh tham gia trực tiếp vào công tác sưu tầm hiện vật cho biết: "Mong muốn đáp ứng đầy đủ nhất nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của công chúng, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tiến hành sưu tập mới, phục hồi, tu sửa thêm 551 hiện vật.
Quá trình sưu tầm, chúng tôi cũng gặp nhiều trở ngại, nhất là vấn đề thời tiết khi các tháng 6, 7, 8 thường mưa nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình sưu tập, vận chuyển hiện vật. Còn nhớ thời gian chúng tôi đào thám sắt cắt một lò nung thuộc Di chỉ Đồng Tanh, xã Phúc An, huyện Yên Bình. Di chỉ này thuộc vùng ngập nước của hồ Thác Bà, vì vậy, chúng tôi đã phải tính toán kỹ lưỡng thời gian để tránh mưa, bão lớn nước hồ dâng. Hay khi sưu tầm trang phục dân tộc Xa Phó ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên dù người dân ở đây rất hợp tác nhưng với sự phát triển của xã hội nhiều nét đặc sắc đã bị mai một, nghề dệt truyền thống cũng không còn”.
Được biết, nhà bảo tàng tỉnh Yên Bái dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 4/2020. Khi đi vào hoạt động, đây hứa hẹn sẽ là một địa điểm hấp dẫn công chúng và du khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Với sự nỗ lực hết mình, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Thời gian tới, để Bảo tàng tỉnh phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình vẫn rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, nhất là trong công tác sưu tầm, bổ sung thêm tư liệu, hiện vật gốc. Có như vậy, việc xây dựng, bổ sung hệ thống trưng bày, giới thiệu phục vụ công chúng mới ngày càng đầy đủ và đa dạng hơn.
Lê Thương