Mù Cang Chải: Mái trường bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho học trò vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/11/2019 | 8:07:07 AM

YênBái - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở (PTDTNT THCS) huyện Mù Cang Chải trong những năm gần đây không chỉ chú trọng vào việc dạy con chữ cho học sinh mà còn trực tiếp giảng dạy cho các em về lịch sử, văn hóa, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm về văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của các dân tộc trên địa bàn, nhất là dân tộc Mông.

Các trò chơi dân gian được tổ chức sôi nổi trong Trường PTDTNT THCS huyện Mù Cang Chải.
Các trò chơi dân gian được tổ chức sôi nổi trong Trường PTDTNT THCS huyện Mù Cang Chải.

Chúng tôi có dịp đến thăm và trải nghiệm một buổi ngoại khóa của Trường PTDTNT THCS huyện Mù Cang Chải. Trước mắt chúng tôi là hơn 300 em học sinh với đầy đủ các sắc phục của các dân tộc trên địa bàn đang sổi nổi trong các trò chơi dân gian. Có em đang đi cà kheo, có em đang đi xe gỗ, lại có bạn đang đánh yến hay ném pao và chơi quay. Và đây đã trở thành hoạt động thường niên vào các ngày cuối tuần cho các em. Không chỉ vậy, hàng loạt những hoạt động trong buổi ngoại khóa đã diễn ra trước sự bất ngờ của chúng tôi. 

Trước mắt chúng tôi là sự nghiêm trang, hàng lối chỉnh tề của các em học sinh tham gia các hoạt động. Đầu tiên là màn múa tập thể với các tốp múa khác nhau, mỗi tốp thể hiện một điệu múa của một dân tộc trên địa bàn huyện, tiếp theo là các đợt múa theo khối thể hiện các điệu múa khèn Mông, múa khăn Thái, múa ô, múa đôi, múa nhóm được các em thể hiện rất thuần thục. 

Em Sùng Bích Ngọc - học sinh lớp 8 chia sẻ: "Là người Mông nhưng trước đây bản thân em cũng chưa biết được nhiều nét văn hóa của dân tộc mình. Khi nhà trường tổ chức các hoạt động này, em đã được trực tiếp tham gia, được thầy cô truyền dạy những điệu múa, những nét văn hóa của dân tộc mình một cách khá đầy đủ, giúp em có thêm vốn kiến thức về văn hóa, văn nghệ của dân tộc mình, thêm yêu mến và tự hào về nó”. 

Còn Lò Thị Thảo - dân tộc Thái, trước đây là hạt nhân văn nghệ trong nhà trường nhưng em chưa được tiếp cận với các điệu múa truyền thống của các dân tộc khác, đặc biệt là dân tộc Mông. Giờ đây, Thảo và các bạn đã được các thầy cô giáo truyền dạy những điệu múa của chính dân tộc Thái và dân tộc Mông cũng như các điệu nhảy hiện đại khiến em thật sự thích thú, hào hứng tìm hiểu, luyện tập. Thảo bày tỏ: "Khi nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa như thế này đã giúp em có thêm kiến thức về văn hóa của dân tộc mình và đặc biệt là các nét văn hóa của người Mông trên địa bàn huyện, từ đó em nhận thấy các dân tộc khác trên địa bàn cũng có rất nhiều nét văn hóa mà chúng em muốn tìm hiểu và sẽ chung tay gìn giữ”.

Để các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các buổi ngoại khóa của nhà trường thiết thực đi vào đời sống, giúp các em học sinh có cơ hội được học tập, tìm hiểu và tham gia, tạo cho các buổi ngoại khóa ngày một thêm thú vị, nhà trường đã cử những giáo viên tâm huyết và am hiểu về vốn văn hóa của các dân tộc trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn cho các em trong các buổi ngoại khóa. 

Bên cạnh đó, bản thân giáo viên cũng tự tìm hiểu và tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ liên quan đến âm nhạc dân gian, dân tộc, nhất là dân tộc Mông, đồng thời phối hợp nghiên cứu, sáng tác, kết hợp giữa các điệu múa truyền thống với hiện đại mà không làm mất đi bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Từ những nỗ lực đó mà những điệu múa, những trò chơi dân gian đã được các em học sinh của nhà trường thể hiện một cách thuần thục qua từng động tác, tạo cho người xem như đang lạc vào một không gian văn hóa ở vùng cao.

Thầy Nguyễn Sinh Thọ - giáo viên phụ trách Đội của nhà trường cho biết: "Tôi thấy mình khá may mắn khi được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Mù Cang Chải, ngay từ bé đã được tìm hiểu văn hóa các dân tộc ở đây, nhất là dân tộc Mông. Vì vậy, sau khi được nhà trường giao nhiệm vụ truyền đạt cho các em học sinh về vốn văn hóa, các trò chơi dân gian của dân tộc Mông, tôi đã rất tích cực tham gia giảng dạy và thường xuyên trau dồi, học hỏi kiến thức về văn hóa dân tộc Mông để làm sao truyền đạt cho các em những cái tốt nhất, đẹp nhất, góp phần gìn giữ được các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông cũng như các dân tộc khác trên địa bàn huyện và tạo cho học sinh có những buổi ngoại khóa hướng về cội nguồn đầy hấp dẫn, giúp các em trở thành những người trực tiếp tham gia gìn giữ văn hóa dân tộc mình”.

Trường PTDTNT THCS huyện là một trong những đơn vị trường có tỷ lệ con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số. Bởi vậy, các hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa trong các buổi ngoại khóa đã được đơn vị trường tổ chức nhiều năm nay, nhất là sau khi huyện có Đề án gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, các hoạt động này ngày một nhiều, giúp các em học sinh trở thành những hạt nhân tích cực đóng góp vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc khác trên địa bàn huyện nói chung, góp phần xây dựng một môi trường không chỉ có kiến thức phổ thông mà còn mang đậm bản sắc văn hóa. 

Ngoài tổ chức các hoạt động như các trò chơi dân gian, điệu múa truyền thống, lễ hội của các dân tộc, nhà trường còn thành lập các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ khèn, đàn môi, sáo, nhị và tổ chức thi tìm hiểu văn hóa dân tộc cho các em, đồng thời thường xuyên cử các đoàn văn nghệ tham gia các lễ hội lớn của huyện và được đánh giá cao. 

Thầy Giàng A Của - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS huyện cho biết thêm: "Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và sẽ tiếp tục đưa văn hóa dân tộc đến với các em học sinh. Trong hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân tới đây, nhà trường sẽ tổ chức một đêm múa khèn, múa khăn quanh lửa trại với chủ đề sắc màu quê hương, đồng thời tổ chức cho các em học sinh và các bậc phụ huynh thi nấu các món ăn truyền thống của người Mông, người Thái để chính các bậc phụ huynh cùng có ý thức tham gia gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi mong muốn trau dồi kiến thức và bồi đắp tình yêu văn hóa để chính các em trở thành những người tích cực trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa ngay từ bây giờ”.           

A Lù  

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục