Sắc xuân trong “Gầu plềnh” của Mai Oanh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/1/2020 | 7:58:38 AM

YênBái - Khép lại thi phẩm, gấp lại tập thơ nhưng tôi đã nhìn thấy sự trở lại của chính mình với những suy cảm còn đang được nén chứa để ngẫm trải ở lần đặt bút tiếp theo. Bởi tác giả trẻ ấy làm cho mình mệt quá với con chữ và cũng làm cho mình phục quá về bút lực dồi dào với những thi liệu phong phú.

"Lời thơ không để trong túi áo” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2018 hiện hữu rõ những điều này. 
Giăng mắc cảm xúc và nán lại với "Gầu Plềnh” - bài thơ nằm ở trang 16 trong tập thơ này, tôi cảm nhận được một mùa xuân dâng trào như "lời hát không biết kết thúc, như khóm ngải tàn lại tiếp khóm ngải xanh”; cứ thế từng chữ trong bài thơ nâng tôi lên với sự nồng nàn, đắm say như hoa tớ dày mơ sắc cả triền núi cao trên 1.000 m.

Gầu Plềnh là lễ hội gầu tào - một lễ hội lớn của người đồng bào dân tộc Mông để cầu phúc, cầu mệnh và được tổ chức thường niên từ mùng 1 Tết đến ngày 15 tháng Giêng. Tác giả không kể cho chúng ta nghe câu chuyện của ngày lễ theo thủ pháp liệt kê nhàm chán mà tinh tế diễn tả trạng thái hân hoan, tột cùng đắm say của những người trong cuộc. 

Mở đầu là tiếng hát trong đêm tình mùa xuân: "Anh ném pao/Em không bắt/Em không yêu/Quả pao rơi rồi”. Nó là một ngữ liệu quen thuộc gợi nhớ về nhân vật Mị trong "Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. 

Sau khi nghe được tiếng hát, tiếng sáo gọi bạn tình ấy, sức sống tiềm tàng trong cô gái trẻ dân tộc Mông đã trỗi dậy, đã vượt ra khỏi cái mặc định tự giam hãm mình trước đó của phận "con rùa lũi lũi nuôi trong xó cửa” để tìm về với chân trời cuộc sống mới giàu khát vọng tự do và hạnh phúc. 

Quay trở lại với bài thơ của Mai Oanh, mượn tiếng hát ấy, mượn làn điệu đã trở thành hồn cốt, thấm vào tầng sâu văn hóa của người Mông, tác giả đã gọi dậy cả một vùng tín hiệu vùng cao tiêu biểu: "Váy em phơi bờ suối/Hoa rừng bung nở/Lấp lánh suối Nậm Kim/ Vàng đôi cánh đàn ong Chế tạo/Leng keng thắt lưng đồng bạc trắng/Hương táo mèo Nậm Có/Hoa tớ dày nở theo tay em…”. 

Xôn xao cả một vùng không gian, rực rỡ cả một góc trời Tây Bắc, hương quấn riết lấy tâm hồn người! Hình ảnh thơ Mai Oanh khiến cho người ta như được thưởng thức hương rượu ngọt táo mèo, chưa cần uống mà đã say ngây ngất!

Trong số 9 khổ, 56 câu thơ, hình ảnh được láy đi láy lại nhiều lần nâng lên thành hình tượng văn học mang ý nghĩa biểu đạt tư tưởng, chủ đề sức sống rạo rực của mùa xuân qua thi phẩm đó chính là chiếc váy xếp ly sắc màu của người phụ nữ Mông. Ở khổ thứ 2, tác giả viết: 

"Váy em phơi bờ suối
Suối về gọi đàn cá đùa vui
Quẫy sắc màu
Bắn tung lên trời
Cầu vồng bắc về núi Púng Luông
Hoa rừng bung nở”

Chiếc váy xòe hoa xếp ly được đánh giá là cầu kì nhất trong họa tiết thêu trang trí. Hoa văn trên váy chủ yếu là chấm tròn xen lẫn đường kẻ thẳng hoặc hình xoắn ốc cùng với hoa lá, hình vết chân trâu, hình chú chó nằm ngủ hay đường sọc dọc, hình chữ nhật… biểu thị sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Do vậy, chúng ta cũng thấy cả thế giới trời mây, non núi, con người hiện lên qua vốn từ vựng mà Mai Oanh mô tả. 

Khi cô gái ngồi bên bờ suối, chân váy xòe rộng ôm tràn lên mỏm đá; làm cho những đàn cá cũng không còn vô tri mà rạo rực "quẫy lên” đánh động đến cả cầu vồng cũng xốn xang, buông trải dài cánh tay mềm mại của mình vắt lên ngọn núi Púng Luông làm cho bao hoa rừng cùng đua nhau mà bung nở chào đón sắc xuân. 

Cái tài tình, cái độc đáo của Mai Oanh đó là tạo cú huých dây chuyền khiến hiệu ứng lan tỏa hô ứng cũng đồng thời bừng sáng lên từ hình ảnh khởi phát chiếc váy bên mỏm đá.
Từ gọi từ, tứ gọi tứ, dòng thơ của Mai Oanh cứ thế mà tự nhiên như dòng suối nóng, ấm ran cả xúc cảm:

"Váy em mây ngũ sắc
Gọi nhau tầng tầng lớp lớp
Sà xuống La Pán tẩn, Chế Cu Nha
Ông trời mở cửa trời ngó xuống
Đánh rơi túi chỉ
Lấp lánh suối Nậm Kim
Rì rầm trôi về xuôi”

Một loạt động từ: "gọi nhau", "sà xuống", "mở cửa", "ngó xuống", "đánh rơi", "rì rầm trôi" cho thấy những hành động nối nhau liên tiếp đúng như ý nghĩa từ láy mà tác giả sử dụng "tầng tầng lớp lớp” của những niềm rạo rực đón xuân qua tín hiệu "váy em mây ngũ sắc”. 

Tôi cảm giác, tâm trạng rạo rực ấy như được ủ men cất thành vò rượu ngon từ cảm giác chếnh choáng khi nhìn thấy người con gái đẹp bên bờ suối ấy. Cái đẹp đủ sức gây lóng ngóng và vụng về đến độ ông mặt trời phải mở cửa ngó xuống ngắm nhìn, để rồi bỏ quên túi chỉ nhiều màu cho cô gái thêu lên chân váy. Bởi khả năng thêu, dệt là một trong những yếu tố căn bản để đánh giá tài năng, độ khéo léo của người con gái Mông. 

Cho nên, với hình ảnh "váy em phơi bờ suối”, "Váy em mây ngũ sắc” đã choán đầy cái cảm giác "lấp lánh suối” như điệu ngân trôi theo làn mượt dân ca Mông, để trai gái tìm đến nhau trong sắc xuân trù mật.

"Váy em chưa xuống chợ 
Nắng trèo lên núi
Vàng đôi cánh đàn ong Chế Tạo
 Anh cõng mật về
Lời sáo ngọt theo về
Em có theo anh xuống chợ cùng chơi?”

Mai Oanh sử dụng cặp từ đối lập ngay ở 2 câu đầu khổ 4 cho thấy cái đẹp, cái thanh xuân của cô gái đã được cảm từ rất xa và trực cảm yêu thương nảy nở trên lồng ngực chàng trai từ rất sớm: "Váy em chưa xuống chợ” nhưng "Nắng đã trèo lên núi”. Để từ đó, hy vọng được nhen, men tình được thắp qua những ấp ủ si tình "cõng mật về”, "sáo ngọt theo về” qua lời ướm hỏi người con gái có theo mình xuống chợ cùng chơi. Cái chữ "cùng” ấy nó mới táo bạo, mới khao khát làm sao?

Dù người con gái có e lệ, có ngượng ngùng mà dùng dằng viện cớ: bận đi hái quả, bận mang gió về, bận mang lù cở nhưng dường như được khúc nồng say của làn điệu Gầu Plềnh tiếp thêm sức mạnh, bị hình ảnh rực rỡ của váy em bay vào quả pao khiến chàng trai thêm phần mạnh dạn. Bởi thế, sau những phần hỏi đáp ở khổ 5, 6, 7, đến khổ thơ thứ 8, chàng trai đã hạ cuộc đối thoại bằng lời chắc nịch của bản lĩnh đàn ông: 

"Em ơi!
 Quả pao anh đón rồi
Anh ném lại đừng để rơi em nhé
Tay em thêu đường nào khéo thế
Thêu về đường nhà anh
Anh bắt em về”

Sự khéo léo của chàng trai gợi nhắc đến cái cớ "bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen” của nhân vật trữ tình trong "Bài ca tát nước đầu đình” để cuối cùng xin được trả công bằng một sính lễ "quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”. 

Sự "bắt về” của chàng trai Mông cũng thật đáng yêu, ngọt ngào, lãng mạn như câu dân ca nồng đượm: "Suối Nậm Kim chảy theo tiếng khèn anh/ Rừng Púng Luông/ Hoa tớ dày nở theo tay em”. Như vậy, họ đến với nhau, họ say nhau trong tiếng khèn đa tình của chàng trai, trong sự xinh đẹp, hạnh phúc dâng tràn trong thổ cẩm rừng - loài hoa tớ dày của cô gái. Cho nên, cái cách mà chàng trai tha thiết giục gọi ở cuối bài thơ:

"Về theo anh
Về theo anh 
Mùa xuân rồi!
Em ơi!”

Vừa cho thấy sự chân thành nồng nhiệt trong tình yêu, vừa cho thấy mùa xuân của thiên nhiên nơi vùng cao đã bung nở bừng sáng chân trời và phơi phới những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc.

Một bài thơ được khởi tứ từ khúc dân ca trong lễ hội Gầu Plềnh được tác giả đem đến thật sắc màu. Các vị từ được khai thác triệt để, đặt xếp hàng và dồn toa đúng lúc, đúng chỗ để cất lên nhịp say đắm của khèn Mông, của những phút tung hứng rạo rực men tình khi chơi pao ngày lễ. Và điểm nhìn nghệ thuật được tập trung vào chiếc váy rực rỡ sắc màu của cô gái Mông nên nó không phải vô tình được nhắc đến 5 lần trực tiếp mà đó chính là thấu kính vạn hoa, là bữa tiệc carnaval trong hệ thống ngôn từ của tác giả. 

Trong phạm vi bài viết này, tôi chưa có cơ hội đề cập đến yếu tố siêu thực, đến sự "hỗn loạn của diễn ngôn” theo chiều hướng hậu hiện đại khá dày đậm trong bài thơ "Gầu Plềnh” nói riêng và toàn tập nói chung. Nhưng, cái cảm xúc dâng trào hiện tại, tôi nhận thấy rõ nhất sự yêu mến bản sắc văn hóa và con người vùng cao của Mai Oanh như thấm vào từng thớ thịt. Tác giả từng tự bạch: "Tôi cũ như một câu dân ca luôn khát khao dâng hiến ngàn năm tâm hồn Tây Bắc”. 

Chính khát khao cuộn xiết cũ để mới cho mỗi hành trình sống, mỗi hành trình sáng tạo nghệ thuật nên thơ Mai Oanh luôn có ước vọng dâng hiến đến cái tận cùng. Có lẽ chính cái màu thơ không thỏa hiệp ở sự tương đối nên nó thử thách với thị hiếu và kén độc giả. Nhưng, những độc giả nào đã tìm được chìa khóa để đến với cây bút nữ trẻ ấy thì lại say mê, quên cả lối về. 

Phải vậy chăng mà các nhạc sĩ Vũ Thiết, Dương Nhâm, Phùng Chiến, Lê Mây đều đã phổ nhạc từ một cho đến bốn bài thơ của Mai Oanh. Riêng Nguyễn Cường - nhạc sĩ nổi tiếng với ca khúc về Tây Nguyên cũng đắm đuối sắc màu Tây Bắc khi đã phổ nhạc cho 6 thi phẩm của cô. Tất cả các bài thơ được phổ nhạc ấy đều đã đi vào đời sống âm nhạc địa phương, hòa vào dòng nhạc Việt một sự sắc sảo, đa chiều, giàu chất dân gian và văn hóa vùng miền.

Khép lại thi phẩm, gấp lại tập thơ nhưng tôi đã nhìn thấy sự trở lại của chính mình với những suy cảm còn đang được nén chứa để ngẫm trải ở lần đặt bút tiếp theo. Bởi tác giả trẻ ấy làm cho mình mệt quá với con chữ và cũng làm cho mình phục quá về bút lực dồi dào với những thi liệu phong phú. Riêng với "Gầu Plềnh”, cô ấy đã hòa lên cây đào rừng một cầu vồng mang bản sắc Mai Oanh, để lòng người được phơi phới mở ra trong tâm thế chuẩn bị du xuân vùng cao với bao điều độc đáo, hồn nhiên và mênh mang tình nồng ấm.

Lưu Khánh Linh (Trường THPT Trần Nhật Duật, Yên Bình)

Tags Púng Luông cầu phúc cầu mệnh dân tộc Mông gầu tào

Các tin khác
Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà các lưu học sinh Lào đang học tập tại Yên Bái.

Trường Cao đẳng Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Văn nghệ Trường Sơn tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh vừa tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Lào và ra mắt Câu lạc bộ “Kết nối thế hệ”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thông tin tại chương trình

Chương trình Nghệ thuật tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng có sự tham gia, trình diễn của các nghệ sĩ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố. Dự kiến gồm NSND Thanh Lam, Thu Phương, Tùng Dương, NSND Khánh Hòa, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik, cùng gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên...

Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại thôn Nà Khà, xã Minh Xuân.

Thiết thực kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 138 năm Ngày Quốc tế lao động và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), từ ngày 22 đến 26/4, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Lục Yên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các xã Khánh Thiện, Minh Xuân, Khánh Hòa, Phúc Lợi và thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên.

Các mẫu tem trong bộ tem

Ngày 26-4-2024, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ phát hành bộ tem chủ đề “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục