Trải qua hàng trăm năm khai phá, theo thống kê hiện nay, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có khoảng 7.000 ha ruộng bậc thang, diện tích quy đông đặc khi trừ bờ ruộng là 4.398 ha. Không chỉ là nơi cung cấp nguồn lương thực quý giá cho đồng bào vùng cao, ruộng bậc thang Mù Cang Chải còn là kiệt tác nhân tạo về vẻ đẹp, được đánh giá là 1 trong 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.
Mới đây, hãng tin CNBC của Mỹ đã bầu chọn Mù Cang Chải là điểm đến hàng đầu của năm 2020 cho khách du lịch quốc tế. Trong đó, CNBC đã miêu tả "…Mù Cang Chải như một viên ngọc nằm sâu trong các thung lũng... với nhiều ngôi làng trên núi hòa mình cùng những cánh đồng ruộng bậc thang. Những thửa ruộng bậc thang dài như những cung đàn, nốt nhạc, đan khắc các sườn núi, được ví như vân tay của trời, Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông sinh sống trên núi cao...”.
Từ vẻ đẹp của mình, cùng với hệ thống thác nước, hang động, sinh vật cảnh phong phú và các giá trị văn hóa lâu đời, đặc sắc về tập quán, đời sống tâm linh, văn hóa ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, văn hóa nghệ thuật truyền thống của người dân vùng cao, đặc biệt là hệ thống cơ sở du lịch ngày càng hoàn thiện, những hoạt động văn hóa được tổ chức, Mù Cang Chải đã là điểm đến trong hành trình khám phá Tây Bắc của du khách trong và ngoài nước.
Năm 2015, Mù Cang Chải đón 20.000 lượt du khách, đến năm 2018 tăng lên là 90.000 lượt và năm 2019, ước trên 253.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 37.000 lượt. Điều này đã góp phần vào thành công ấn tượng của du lịch tỉnh Yên Bái trong năm 2019, đón 727.000 lượt du khách, khách quốc tế 150.000 lượt, doanh thu từ du lịch là 438 tỷ đồng.
Là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, là một trong 113 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước thực sự là điều đáng tự hào. Tuy nhiên, để khai thác và phát huy hết các giá trị đặc biệt của ruộng bậc thang trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo, đưa vùng cao phát triển tiếp tục cần nhiều việc phải làm của cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân.
Theo đó, trước hết, cần tiếp tục xác định mục tiêu phát triển du lịch là trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương từ đó tiếp tục đề ra chủ trương, biện pháp quản lý, những định hướng mới về du lịch nói chung và ruộng bậc thang nói riêng.
Trong đó, bên cạnh tiếp tục quảng bá hình ảnh ruộng bậc thang ra trong nước và quốc tế, cần đẩy mạnh tuyên truyền xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đặc biệt là người dân vùng cao - những chủ thể trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị Danh thắng.
Để phát huy giá trị của ruộng bậc thang, trước hết chúng ta cần làm tốt bảo tồn, không để những hoạt động khác xâm lấn làm hư hỏng diện tích ruộng bậc thang, phải tôn trọng và giữ gìn các thành tố nguyên gốc của Danh thắng, hạn chế tối đa mọi sự thay thế các chất liệu mới, nhất là trong khu vực Danh thắng, nhất là ở xã 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình.
Qua quá trình khai thác, do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, khí hậu một số ruộng bậc thang đẹp nhưng hiện nay đang bị xuống cấp, cần vận động người dân cũng như cần có sự đầu tư từ nguồn ngân sách, xã hội hóa để sửa chữa, tu bổ, tôn tạo.
Nghiên cứu cho thấy, ruộng bậc thang gắn liền với đồng bào Mông, phản ánh lịch sử di cư, gắn liền với nhiều giá trị như: giá trị lao động, giá trị văn hóa trong đó có tâm linh, giá trị kinh tế và hôm nay là giá trị về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của người vùng cao.
Du khách trải nghiệm Di tích quốc gia đặc biệt.
Đến với Mù Cang Chải, không chỉ ngắm vẻ đẹp của kiệt tác nhân tạo, du khách còn muốn được trải nghiệm những giá trị văn hóa. Vì vậy, cần tiếp tục có những giải pháp tạo điều kiện để du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng có điều kiện phát triển hoàn thiện, mặc dù những loại hình này đã xuất hiện nhưng chưa đồng bộ, chưa thực sự bài bản, hấp dẫn.
Do đó, cùng tiếp tục vận động bà con vùng cao đẩy mạnh lao động sản xuất làm ra nhiều ruộng bậc thang, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc trong lao động và đời sống. Đó là việc khôi phục nghề truyền thống như: se lanh dệt vải làm thổ cẩm, các nghề rèn đúc… để tạo ra những sản phẩm không chỉ phục vụ đời sống mà còn là hàng hóa, là đồ lưu niệm phục vụ du khách.
Là việc vận động bà con giữ gìn vệ sinh làng bản, bảo vệ môi trường, đầu tư làm dịch vụ homestay cho du khách nghỉ ngơi; mở thêm những dịch vụ như: xây dựng không gian chụp ảnh, cho thuê trang phục, cho thuê phương tiện…; khôi phục và phát triển loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống để du khách giao lưu và trải nghiệm.
Đó là việc tập trung chỉ đạo quy hoạch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng, hiệu quả cao, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm có thế mạnh của huyện góp phần phát triển du lịch.
Thời gian qua, việc trồng hoa, cải dầu… trên một số diện tích ruộng bậc thang phục vụ kinh tế và du lịch đã phát huy kết quả, điều này gợi mở những sáng tạo cho thời gian tiếp theo.
Từ giá trị và quảng bá, hình ảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải giờ không chỉ hạn hẹp trong nước mà đã mang tầm quốc tế. Do đó, cần gắn kết Danh thắng này với các điểm đến nổi tiếng khác, để tạo thành tour không chỉ trong nước và quốc tế. Và để phát huy giá trị của danh thắng này, cùng tiếp tục đầu tư hạ tầng, nhất là đường giao thông, cần tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng phát triển bền vững.
Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo để phát triển nguồn nhân lực. Khi mỗi người dân vùng cao Mù Cang Chải trở thành một "đại sứ du lịch” với đầy bản sắc văn hóa bản địa đặc sắc, sự mến khách và thân thiện, sự hiểu biết, đặc biệt là ngoại ngữ để có thể giao lưu với tất cả du khách trên thế giới chắc chắn Danh thắng sẽ đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người vùng cao, giá trị đặc biệt được suy tôn và công nhận của nó mới thật sự ý nghĩa.
Đình Tứ