Chuyện người đàn bà bán rau viết sách

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/2/2020 | 7:55:31 AM

YênBái - Ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình có một người đàn bà hàng ngày, mặc nắng mưa, sương giá, cần mẫn ngồi bán rau. Nhưng khác với những người bán rau thông thường, bên mớ rau, quả cà, người đàn bà này say mê ngồi viết sách. Ngòi bút giản dị, chân thực đã khắc họa lên những cảnh đời, số phận từng nhân vật. Từ đây, những truyện ngắn, tiểu thuyết thấm đẫm tình người đã ra đời!

Chị Trần Thị Hợp say mê viết sách bên sạp rau bán vỉa hè.
Chị Trần Thị Hợp say mê viết sách bên sạp rau bán vỉa hè.

Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ nằm trên hẻm nhỏ cách điểm bán rau không xa, chị Trần Thị Hợp hồ hởi rót nước mời tôi với nụ cười tươi luôn nở trên môi và nguồn năng lượng tràn đầy. Ngược dòng thời gian, chị Hợp kể cho tôi nghe về những tháng ngày nhọc nhằn lam lũ, mãi không quên, khi còn ấu thơ ở vùng quê Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Chị kể: "Dù đói khổ, lam lũ nhưng từ khi học lớp 3 tôi đã tìm tới tiểu thuyết "Đến bờ bến mới”, "Thép đã tôi thế đấy”, "Cánh cửa mở rộng” hay "Hoa mai nở hai lần” của những nhà văn nổi tiếng trên thế giới đọc và nghiền ngẫm mỗi khi ngơi việc”. 

Ngày ấy, ở xã hiếm giáo viên, khi học lên lớp 6, thấy chị có khiếu, trường xã đã mời chị giảng văn cho học sinh lớp 6. Cơ hội đến, xã chọn chị đi học sư phạm; năm 12 tuổi, Đoàn Chèo Nam Hà tuyển và đón đi, nhưng do chiến tranh và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị đành bỏ lỡ. 

Những tháng năm ấy làm trong trại chăn nuôi lợn của hợp tác xã, cùng những tập truyện ngắn, tiểu thuyết chị luôn gối đầu giường và mang ra nghiền ngẫm khi việc ngơi tay. 

Từ những tiểu thuyết đã đọc, chị yêu quý người lính, biết bao lần xin đi bộ đội không được do thiếu cân. Có lần định chui vào hòm đạn để được ra chiến trường, nhưng bị xã đội trưởng phát hiện. Có lẽ vì thế mà sau này, nhiều truyện ngắn của chị đều dành tình cảm cho bộ đội, trong đó "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” là điển hình.

Năm 1978, được coi là bước ngoặt cuộc đời, theo tiếng gọi của Đảng, chị đi khai hoang làm việc tại Lâm trường Thác Bà. Nhưng ít ai biết, trong số 11 người ở xã cùng đi, có tới 10 người bỏ về, chỉ còn lại mình chị bám trụ và coi nơi đây là quê hương thứ hai. 

Chính khoảng thời gian này, chị "thai nghén” những đứa con tinh thần, lần lượt những tiểu thuyết, truyện ngắn trong đó có "Hoa cỏ may” gắn kết thằng Ten vừa câm vừa điếc với cái Tẹt hở hàm ếch đến với nhau nhân văn chốn rừng hoang. Suốt 18 năm làm ở Lâm trường Thác Bà, thì có 15 năm chị làm tổ trưởng sản xuất. Rồi chị cũng hé lộ những chuyện đời tư đầy trắc trở của mình. 

Chị tâm sự: "Ngày ấy, có rất nhiều người đến với tôi, nhưng duyên số lại gặp anh Phương đi bộ đội về làm công nhân rồi làm thủ kho Lâm trường. Sau anh không ở Lâm trường nữa mà vào Nam làm ăn. Mấy lần, anh bảo vào Nam sinh sống nhưng ở đây đã quen nên tôi không muốn rời xa”.  

Nói đến đây, giọng chị như chùng xuống, khi nhớ về tháng ngày khó khăn nhất. Nghỉ mất sức năm 1993, sống trong túng bấn, chị chỉ còn biết chăm bẵm đàn lợn, gom góp mua được con bò nái, có 7 con bò bán được 6,5 triệu đồng. 

Cùng với số tiền bán bò, chị vay mượn thêm mới mua được mảnh đất 13 triệu đồng, xây căn nhà cấp bốn đang ở bây giờ. Khi ấy Khương - con trai chị còn rất nhỏ, hay quấy khóc ban đêm. Chiếc đài nhỏ chị mua với giá 45 nghìn đồng từ tiền thai sản đã giúp chị trở thành thính giả thân quen của chương trình đọc truyện đêm khuya trên Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Có ai ngờ, những đêm mất ngủ ấy đã đưa chị đến với nghiệp viết văn. Một truyện ngắn đầu tay không có tên của chị, sau bao thai nghén ra đời được gửi tới chương trình qua giọng đọc của biên tập viên Kim Cúc là động lực thôi thúc chị. Sau đó, chị gửi tiếp ba bốn truyện ngắn nữa, đều được phát sóng. 

Chị xúc động: "Tôi mãi không quên được ngày chị Kim Cúc nhắn tin cho tôi về Hà Nội gặp để nhận 70 nghìn đồng nhuận bút truyện ngắn đầu tiên ấy, chính chị đã động viên rất nhiều để mình gắn bó với nghiệp viết. Sau đấy, chị Kim Cúc còn viết thư khuyên nên tìm Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái để in sách sẽ tiếp cận được bạn đọc và lưu giữ được tác phẩm, còn phát thanh chỉ phục vụ người nghe thôi. Nhiều lần nhờ người cùng nghề viết ở thị trấn dẫn đi không thành, tôi quyết định giao cho cậu con trai 6 tuổi chăn 6 con bò, còn mình đạp xe ra Hội”. Vậy là từ đó, các tác phẩm của chị có bến đỗ, nghiệp viết được phát huy.

Tưởng mọi chuyện suôn sẻ, ai ngờ nhiều năm sau đó, chị không được kết nạp vào Hội bởi lý do chỉ học hết lớp 6. Rất buồn, nhưng duyên nghề vẫn đến, vào dịp Lâm trường Thác Bà kỷ niệm ngày thành lập, chị viết truyện ngắn "Đứa con của rừng” đăng vào tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Có người đọc thấy cảm động nói với ông Hoàng Hữu Sang ngày ấy là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái kết nạp chị. 

Năm 2004, chị chính thức được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Nhưng yêu nghề viết văn đâu phải dễ, nghe tâm sự thật của chị ai chẳng chạnh lòng: "Bằng đồng lương mất sức 2 triệu 6 trăm nghìn đồng, ngoài ra, nuôi một đàn gà, thú thực là có lúc trông vào đàn chó bán đi để in sách mà chúng lại ốm chết. Còn tôi trông vào mẹt rau quả bán vỉa hè kiếm sống qua ngày”. Đúng như nhận xét của Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái Nguyễn Đình Thi: "Văn của chị cũng mộc mạc, giản dị như chính con người chị”. 

Đam mê với nghiệp viết, đau đáu với đời, những tập truyện ngắn, tiểu thuyết văn phong mộc mạc, hồn hậu chứa chất nỗi niềm, tình người quê núi của chị lần lượt ra đời. Chị kể: "Cuốn tiểu thuyết "Vòng đời tẻ nhạt”, tôi viết quên ăn, quên ngủ suốt 36 ngày đêm, có lúc như bị mộng du”. Và đến giờ, nghề viết đã đem lại cho người phụ nữ nhỏ bé ấy những trái ngọt. 

Tập truyện ngắn "Hoa cỏ may” đạt Giải Khuyến khích năm 2017 và "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” đạt Giải C năm 2018 của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Tiếp đó, năm 2019, cuốn tiểu thuyết "Vòng đời tẻ nhạt” của chị xuất bản. 

Chỉ riêng với cuốn tiểu thuyết "Vòng đời tẻ nhạt”, chi phí bỏ ra là 13,5 triệu đồng in ấn xuất bản. Tôi thầm cảm phục chị người đàn bà đam mê viết truyện, yêu văn chương thơ ca, viết nên những tác phẩm với lời văn giản dị, mộc mạc, giàu tình cảm chủ yếu về hình ảnh người lính chiến đấu năm xưa.

Với sạp rau bán vỉa hè và đàn gà thả vườn để mưu sinh, không để "Vòng đời tẻ nhạt”, chị Hợp vẫn cần mẫn, chắt chiu khát khao ra đời những áng văn chương thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Chúc cho chị tiếp tục ra đời thêm nhiều truyện ngắn, nhiều tiểu thuyết có giá trị để nuôi dưỡng tâm hồn, phục vụ nhu cầu của độc giả!

Bùi Minh

Tags bán rau viết sách Trần Thị Hợp thị trấn Thác Bà huyện Yên Bình

Các tin khác
Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, dàn dựng công phu, mang đậm giá trị truyền thống, tôn vinh Hát Xoan Phú Thọ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tối 14/4 (tức mùng 6/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản”.

Lễ khai hội Bạch Đằng 2024 và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Khúc tráng ca Bạch Đằng”.

Tối 14/4, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2024 chính thức diễn ra tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Nhà báo Thái Duy.

Nhà báo Thái Duy, tác giả của cuốn sách 'Sống như Anh' và 'Đổi mới ở Việt Nam - nhớ lại và suy ngẫm, Khoán chui hay là chết...' đã qua đời ở tuổi 99.

Phong trào thể dục thể thao luôn được các đoàn viên Công đoàn thị trấn Cổ Phúc tham gia nhiệt tình, sôi nổi.

Những năm gần đây, Công đoàn cơ sở (CĐCS) thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã tập trung đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (VHVN-TDTT) trong đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục