Từ đất sinh ra con người và vạn vật. Như vậy, cây si trong quan niệm dân gian của người Mường thì đó là cây thiêng, cây vũ trụ - loại cây kết nối giữa 3 thế giới, đó là các mường: thân cây là hình ảnh mường trần, tán cây là hình ảnh mường trời, rễ cây kết nối mường pưa tịn (trong mường pưa tịn có hai mường là mường vua khú "Diêm Vương” và mường ma).
Cũng theo quan niệm cây si là cây thiêng, nên trong tín ngưỡng dân gian, người Mường cho rằng, mỗi con người được sinh ra sẽ tương ứng với một cành của cây si trên mường trời. Cành si này cũng tuân theo quy luật tự nhiên có nảy lộc, có xanh tươi phát triển rồi già cỗi. Bởi thế, khi cành si thiêng ứng với ai đó mà già cỗi thì cũng có nghĩa là mệnh của người đó đã cạn, hay đau ốm rồi chết.
Do đó, muốn cha mẹ già sống được lâu hơn nữa, con cháu thường tổ chức nghi lễ kéo si. Nghi lễ này cũng giống như lễ kỳ yên của người Kinh; nghi lễ nối số của người Tày, tục cúng vía, buộc chỉ cổ tay… của nhiều dân tộc khác.
Để thực hiện nghi lễ kéo si, người Mường nhờ thầy mo xem cho ngày đẹp, không kỵ với tuổi của người già được tổ chức lễ kéo si. Lễ vật có 5 mâm gồm xôi, thịt lợn, gà, cá nướng, rượu, bánh, trái cây, vải thổ cẩm, vàng mã và một chiếc cuốc cùn, chiếc nón cũ tượng trưng cho sự cần mẫn, hiếu thuận của con cháu luôn vun đắp cho cây si tươi tốt.
Trong số 5 mâm cỗ được bày ra gồm có mâm dành cho Ngọc Hoàng coi giữ mường trời; mâm dành cho ông cun Khay (Nam Tào) coi giữ sổ sinh; mâm bà mụ coi giữ cành si của người già đang phải làm lễ kéo si; mâm si (mâm vía) của người già được làm lễ kéo si; mâm chàng Lồi - người khỏe mạnh vun đắp gốc si trên trời.
Riêng với mâm vía, có hai cành si, một cành tươi tốt, một cành xác xơ cắm vào mâm xôi ngũ sắc trong tư thế cả hai cành cùng rạp xuống. Cành tươi tốt có buộc mấy dây sợi vải hoặc dải vải màu để kéo si. Cùng với những lễ vật trên, bên cửa sổ nhà sàn - nơi lập đàn cúng còn có một chiếc thang làm bằng cây sậy vắt một dải vải dọc các nấc thang dựng từ sàn nhà chống lên mái để cho các vị thần trên trời bước xuống nơi làm lễ.
Khi mọi lễ vật chuẩn bị xong, con cháu ngồi quây quần bên đàn tế để thầy mo tiến hành nghi lễ. Thầy xướng tên chủ lễ và nêu lý do cần phải làm lễ kéo si là vì trong nhà có bố hoặc mẹ trở phương về già đau yếu đã lâu khiến cho: Mặt xanh như tàu lá/ Da vàng như củ nghệ/ Thấy cơm chẳng nhá/ Thấy cá chẳng ăn…
Nay con cháu trong này làm lễ này xin bà mụ trực si và các thần trông nom, vun đắp cho cành si của bố hoặc mẹ gia chủ được tốt cành xanh lá; để cho bố hoặc mẹ già sẽ khỏe mạnh sống đời ở kiếp với cháu con. Thầy mo thỉnh cầu ý nguyện của gia chủ với các vị thần linh xong, con cháu cùng xúm lại theo lệnh thầy mo cầm những sợi vải hoặc dải vải làm động tác khom mình kéo cho cành si xanh tốt đứng thẳng lên và cành si xác xơ thì nhổ bỏ đi. Sau đó, con cháu lại ngồi bên mâm vía để vê những cục xôi nhỏ, xé thịt, cá vun vào gốc cành si như thể chăm bón cho cây tươi tốt.
Thầy mo lại khấn: Từ nay trở đi/ Cây si này sống xa, già lâu/ Tốt lá, ra cành/ Dứt đau, dứt ốm/ Sống lâu như mặt trời… Cùng đó, thầy khấn ông cun Khay cầm sổ không gạch xóa tên người ốm, cứ để nguyên tên kéo dài mệnh số tuổi thọ cho cha mẹ mình.
Sau khi nghi lễ kéo si đã hoàn thành, mâm vía được con cháu đưa vào chiếc quang, hoặc làm giá đặt lên cao trong lòng nhà qua một đêm để cây si được hưởng thức ăn do con cháu chăm bón. Đến khi mặt trời ló rạng, mâm vía được hạ xuống để con cháu cùng thụ lộc. Cành si được cài vào đòn tay nhà trong 7 ngày nếu là kéo si cho bố và 9 ngày đối với mẹ.
Trong thời gian ấy, nếu cành si vẫn xanh tươi, có nghĩa là cha mẹ sẽ được sống lâu hơn. Ngược lại, nếu cành lá héo úa thì coi như số mệnh của cha mẹ đã mãn. Người già thấy thế cũng tự an bài với số mệnh của mình và cảm thấy phấn khởi, an lòng vì đã được con cháu tận tâm, tận lực phụng dưỡng.
Sơn Nam