Quan niệm của người Mông, đã là con gái thì ai cũng phải biết trồng lanh, dệt vải, se lanh in sáp, rồi làm thổ cẩm. Truyền thống đó đã đi vào câu hát: "Lux hlub cur lơưr nav shuv ua taz/ Lơưr nav lâus traul gangx, changz nthu taz yaz/ Nxeis jông gâux tsi txơưx ua mangx tưb zos fêv/ Nxeis jông tsi pauz tuôr côngz tưb zos tsi caz...” (nghĩa là "Lớn lên em theo mẹ tập thêu/Theo chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới/Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Gái xinh chưa biết cầm kim là hư...”).
Bởi vậy, vẽ họa tiết lên vải lanh bằng sáp ong từ bao đời nay vẫn được phụ nữ Mông gìn giữ và phát huy. Một tấm vải lanh vẽ họa tiết sáp ong hoàn thiện cần trải qua 2 giai đoạn: vẽ họa tiết và nhuộm chàm. Công cụ gồm: chảo sắt nhỏ, bút vẽ, vải lanh, sáp ong, nước chàm.
Khi vẽ, người phụ nữ Mông đặt vải lên một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ, vẽ đến đâu quấn đến đấy. Khi vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong nóng đặt trên than hồng rồi từ sự sáng tạo của mỗi người mà trên vải hiện lên những hoa văn với các họa tiết phù hợp, thể hiện ước muốn ấm no, hạnh phúc.
Chị Lý Thị Nhung ở xã Chế Cu Nha cho hay: "Người Mông dùng sáp ong để vẽ là bởi sau khi hoàn thành, cả tấm vải sẽ đem đi nhuộm chàm. Chỗ vải trắng không có sáp ong sẽ nhuộm thành màu chàm. Còn chỗ có sáp ong, chàm không thấm vào được sẽ trở thành màu trắng xanh. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ”.
Để tạo nên những họa tiết ấn tượng, chiếc bút vẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Là người đã từng có hơn 20 năm chế tác ra các sản phẩm bút vẽ, ông Lý Pàng Chua ở bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn cho biết: "Cây bút vẽ sáp ong được thiết kế bởi một thanh tre và hai lá đồng. Ở giữa hai lá đồng này có một ô trống nhỏ là nơi chứa sáp ong. Người phụ nữ khi vẽ, chỉ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên trên nền vải”.
Cùng với bút vẽ sáp ong, ông Chua còn chế tác các khuôn đã chạm khắc các họa tiết trang trí để phụ nữ Mông in sáp ong lên vải, giúp chị em giảm thời gian vẽ sáp ong.
Có thể thấy, sự tỉ mỉ, khéo léo tạo nên những đường nét hoa văn tinh tế với độ tinh xảo, hoa văn cân đối, hài hòa trên các sản phẩm do chính tay người phụ nữ Mông tạo nên khiến du khách vô cùng thích thú. Chị Nguyễn Phương Uyên - du khách Bắc Giang chia sẻ: "Lần đầu tiên chiêm ngưỡng, được biết bà con làm những họa tiết, hoa văn trên thổ cẩm cầu kỳ, tỉ mỉ như thế nào, tôi cảm thấy rất thú vị”.
Nắm bắt nhu cầu, sở thích, thị hiếu của khách du lịch, những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải thường xuyên tổ chức các cuộc thi vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải trong các dịp lễ hội.
Qua đó, không chỉ giúp chị em phụ nữ Mông nâng cao tay nghề vẽ hoa văn, làm phong phú thêm các mặt hàng thổ cẩm của địa phương để giới thiệu với du khách mà còn tạo nét du lịch khác biệt, độc đáo, hấp dẫn du khách đến với Mù Cang Chải - mảnh đất vùng cao có Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Thanh Chi