Nằm ở sườn Đông dãy Hoàng Liên Sơn, cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc với địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng - Yên Bái là địa bàn cư trú lâu đời của 30 dân tộc anh em, trong đó có người Mông sinh sống trên các triền núi cao.
Với khoảng 82.000 nhân khẩu, người Mông ở Yên Bái đứng thứ tư về số dân trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải, gồm 4 ngành: Mông hoa, Mông đen, Mông trắng và Mông đỏ. Cũng như đồng bào Mông trên cả nước, người Mông ở Yên Bái có truyền thống đoàn kết, kiên cường, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và chinh phục tự nhiên, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đến với mỗi bản làng người Mông Yên Bái hôm nay, ta không chỉ nhìn thấy sự đổi thay về đời sống vật chất của đồng bào mà còn cảm nhận được sự phong phú và độc đáo của sắc thái văn hóa, như: tín ngưỡng dân gian, lễ hội, thơ ca, truyện cổ, dân ca và đặc biệt là các vũ điệu truyền thống, thể hiện tinh thần lạc quan, sự điêu nghệ trong từng động tác có tiết tấu sôi nổi kết hợp với những nhạc cụ độc đáo.
"... Rượu ngô anh uống, khèn anh thổi
Váy hoa em múa sắc hoa xuân...”
Mùa xuân, lên với vùng cao Yên Bái khi núi rừng bừng sáng trong màu hoa tớ dảy ta sẽ bị cuốn hút bởi những vũ điệu dân gian uyển chuyển, đắm say và tràn đầy ước vọng của người Mông sống chan hòa giữa mây ngàn Tây Bắc.
Kho tàng dân vũ dân tộc Mông khá phong phú và độc đáo với những vũ điệu khỏe khoắn, sôi động giàu biểu cảm phản ánh đời sống tâm hồn và không gian cư trú đặc trưng trên các đỉnh núi cao. Trong đó phải kể tới điệu múa khèn (tiếng Mông gọi là tha kệnh) và múa sênh tiền (hay còn quen gọi là múa gậy tiền).
Từ lâu, cây khèn vốn là vật bất ly thân với người đàn ông dân tộc Mông, lúc lên nương, khi xuống chợ hay trong ngày hội của bản. Nhờ cây khèn độc đáo này, người Mông không chỉ thổ lộ tâm tình qua âm điệu du dương, trầm bổng mà nó còn là đạo cụ sinh động, giàu tính tạo hình trong những động tác điêu nghệ và mạnh mẽ của vũ điệu "tha kệnh”.
Điều đặc biệt của vũ điệu "tha kệnh” là người múa vừa phải thổi khèn sao cho âm thanh thật nuột nà lại vừa phải thực hiện những động tác múa nhanh, dứt khoát, song vẫn mềm mại và giàu cảm xúc tạo hình. Múa khèn thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí kiên cường của những người đàn ông miền sơn cước. Tết đến xuân về, người Mông không thể thiếu tiếng khèn và vũ điệu "tha kệnh”.
Đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông. Các bài biểu diễn khèn bao giờ cũng có nội dung vui nhộn làm vơi bớt những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu, tình làng nghĩa bản.
Nếu như múa khèn thể hiện sự hào hoa và mạnh mẽ của những "vũ công trên núi”, thì sênh tiền lại là điệu múa trẻ trung, vui tươi giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn, tạo nên không khí đầm ấm, chan hòa tình cảm cộng đồng, nhất là mỗi khi tết đến, xuân về.
Không ai biết múa sênh tiền có từ bao giờ, chỉ biết đây là một điệu múa cổ truyền của người Mông được lưu giữ qua bao thế hệ và là một trong những vũ điệu được thế hệ trẻ người Mông rất yêu thích. Sênh tiền còn được quen gọi là múa gậy tiền. Nhạc cụ sử dụng trong điệu múa này là cây gậy trúc hoặc tre, dài 1-1,2m, được chia làm 4 khấu, 3 khấu được đục lỗ ở giữa để xâu đồng xu vào. Khấu còn lại nằm ở khúc thứ 2 không đục lỗ để người múa cầm.
Trong mỗi một khấu đục lỗ lại được chia làm 4 dãy đồng xu, mỗi dãy có từ 4-6 đồng xu hợp lại, khoảng cách giữa các dãy đồng xu từ 5-10 cm. Ở hai đầu chiếc gậy được buộc những sợi chỉ màu trang trí. 2 chùm dây này là điểm nhấn để tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho người múa.
Khi múa, các "vũ công” vung gậy gõ nhẹ vào chân, vai hay cánh tay, làm những đồng tiền phát ra âm thanh vui nhộn, kết hợp với những động tác nhịp nhàng, uyển chuyển. Nét đẹp của sênh tiền là sự kết hợp hài hòa giữa động tác nhảy múa và sự độc đáo của gậy sênh tiền. Những yếu tố này phối hợp và hòa trộn với nhau tạo ra vũ điệu độc đáo riêng có của người Mông. Múa sênh tiền thường có từ 4 đến 8 nam, nữ kết hợp, hoặc là múa đôi. Các đôi trai gái biểu diễn những động tác lên xuống, xoay người nhịp nhàng và duyên dáng. Sênh tiền có thể được biểu diễn ở những bãi đất trống hay tại một góc chợ phiên, giúp cho mọi người thêm gắn kết và tự hào về truyền thông văn hóa của dân tộc mình.
Văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Mông phong phú và độc đáo thể hiện qua những vũ điệu nồng nàn hơi thở và nhịp sống vùng cao. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa như: ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc nhà ở, phương thức canh tác, lễ hội truyền thống và kho tàng dân ca, dân vũ... của người Mông, không chỉ góp phần làm nên bức tranh thống nhất trong đa dạng sắc màu văn hóa mà còn khơi dậy niềm tự hào, sự đoàn kết của các dân tộc chung tay xây dựng cuộc sống mới. Bảo lưu sắc thái văn hóa truyền thống, khai thác thế mạnh cảnh quan phát triển du lịch, đang là hướng đi mới của đồng bào Mông ở Yên Bái.
Để du khách có dịp lên với miền Tây Yên Bái, luôn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của núi ngàn và một không gian văn hóa vô cùng độc đáo qua những vũ điệu sôi trào, qua tiếng khèn, tiếng sáo đắm say và mê hoặc cùng những gam màu rực rỡ của cuộc sống mới, được người Mông nơi mảnh đất này dệt nên bằng niềm tự hào, ý chí, sức sáng tạo và nồng nàn tình yêu với quê hương, xứ sở.
Thanh Tửu