Để thể hiện đạo lý hiếu kính mẹ cha, từ xa xưa, nhiều quốc gia, nền văn hóa trên thế giới đã có các nghi thức tôn kính, tri ân cha mẹ khác nhau như "Ngày của mẹ” với nhiều ý kiến cho rằng, nó ra đời từ thời Hy Lạp - La Mã cổ đại; hoặc có ý kiến cho rằng, nó được ra đời từ nước Anh vào năm 1600. Ở Trung Quốc, lễ Vu Lan báo hiếu cũng đã có từ cổ xưa. Đến đầu thế kỷ 20, "Ngày của cha” được hình thành và mau chóng lan tỏa tới nhiều quốc gia.
Ở Việt Nam, nghi thức tôn kính bậc sinh thành dưỡng dục được thể hiện khá phong phú ở từng tôn giáo, vùng miền, tộc người. Chẳng hạn, người Kinh có tục mừng thọ cha mẹ. Xưa kia, độ tuổi trung bình của người Việt còn thấp thì lễ mừng thọ cha mẹ khi bước vào độ tuổi 50; dần dần tăng lên ở độ tuổi 60 và nay là ở độ tuổi 70. Đến tuổi 80, con cháu lại tổ chức lễ mừng thượng thọ và đến tuổi 90 hay 100 tuổi thì tổ chức khao thượng thượng thọ hoặc đại thọ.
Nghi thức mừng thọ hiện nay đã có các quy định của Nhà nước, nhưng ở góc độ phong tục, tập quán thì chủ yếu do gia đình tự sắm sửa cỗ bàn, tụ họp con cháu, họ hàng, bạn bè thân hữu chung vui chúc tụng động viên, tặng quà cha mẹ với tấm lòng biết ơn sâu sắc đấng sinh thành đã nuôi dưỡng cháu con phương trưởng. Với ý nghĩa tốt đẹp ấy, ngày nay, tục mừng thọ, khao thọ đã lan tỏa đến nhiều tộc người khác ở nước ta.
Đối với người Mường, nghi lễ tri ân cha mẹ thường được tổ chức vào dịp tết. Dù bận bịu đến mấy nhưng sau khi thực hiện xong các nghi lễ cúng tổ tiên bên nội vào ngày mồng một tết thì ngày mồng hai con rể phải đưa vợ con về bên nhà vợ để ăn tết. Những của ngon, vật lạ, tiền bạc, vải vóc, áo quần… lúc này sẽ được dâng biếu và chúc tụng mẹ cha, ông bà.
Đối với đồng bào Dao, do có sự duy trì bền vững chữ Nôm (nôm Dao) để gắn với tục cấp sắc nên ngày tháng năm sinh của người đàn ông được ghi chép rất cẩn thận. Vì vậy, lễ sinh nhật cho người đàn ông cao tuổi người Dao luôn được con cháu quan tâm tổ chức…
Một số dân tộc ở Tây Nguyên do còn ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ cổ xưa nên khi người con trai lấy vợ phải về ở bên nhà vợ. Khi đã ổn định gia đình, vợ chồng tập trung làm ăn cho ra nhiều thóc gạo, trâu, bò, của cải để làm lễ trả ơn cha mẹ bên chồng. Nghi thức này phải thực hiện công khai trước dân làng để mọi người chứng kiến trách nhiệm, lòng hiếu thảo của con cái giống như một luật tục bắt buộc…
Nghi thức tri ân cha mẹ còn được thể hiện trong bằng các nghi lễ tâm linh như lễ kỳ yên của người Kinh; nghi lễ làm vía si của người Mường, nghi lễ nối số của người Tày, nghi lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái…
Nghi lễ này đều chung ý nghĩa đó là, khi cha mẹ đã già, số mệnh sẽ ngắn lại, hay đau yếu; vì thế, con cháu phải làm lễ dâng sao tống hạn, dựng lại vía mới, nối số cho cha mẹ, buộc giữ vía lại không để vía rời xa con người… để cha mẹ được sống lâu hơn.
Nhiều gia đình ở Việt Nam trước đây định cư lâu năm ở Thái Lan, Lào, sau khi hồi hương về nước đã chịu ảnh hưởng văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo về lòng hiếu kính cha mẹ từ những quốc gia đó. Bởi vậy, nhiều nhà trong ngày lễ Phật đản, ngoài nghi thức tắm tượng Phật, các con thường lấy những loại hoa tượng trưng cho sức khỏe, trí tuệ, phúc lộc để gội đầu, rửa chân rồi vuốt nhẹ chút nước gội đầu, rửa chân cha mẹ lên tóc của mình với ý nghĩa cầu mong được hưởng những gì tốt đẹp nhất từ cha mẹ. Hoặc khi, con cái đi công tác, làm ăn ở xa trở về, đi công tác được nhận tháng lương đầu tiên cũng về tri ân cha mẹ bằng hình thức như vậy.
Đối với người Công giáo, đạo hiếu với cha mẹ được ghi chép trong kinh bổn, được tuyên truyền, phổ biết qua hoạt động huấn kinh trong thánh lễ và việc kinh nguyện thường xuyên của giáo dân…
Ngoài những nghi thức trên, sự tri ân cha mẹ của người Việt còn được lồng ghép vào một số sự kiện hiện đại như Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Đặc biệt, nhiều nghi lễ dân gian có quy lớn về nghi thức tri ân cha mẹ vẫn được duy trì bền vững như đại lễ Vu Lan, Phật đản…
Hơn thế, sự tri ân không chỉ với cha mẹ đang sống, mà còn tri ân cả với người đã khuất qua nghi lễ khá phổ biến, đó là nghi lễ tang ma, lễ giỗ. Trong ngày lễ Vu Lan, nhiều người còn tổ chức cúng tế cha mẹ, tổ tiên, thực hiện tục phóng sinh, phát tâm từ thiện theo tín ngưỡng Phật giáo để linh hồn mẹ cha được siêu thoát. Tết Thanh minh, con cháu cúng tiến vàng mã, đồ ăn, tạ mộ để vong hồn cha mẹ được chăm sóc đủ đầy ở thế giới bên kia theo nghi thức của đạo giáo…
Hiệu ứng của nghi thức tri ân cha mẹ, tổ tiên đã có tác động sâu sắc đến tâm lý các thế hệ con cháu từ đời này qua đời khác. Nhắc nhớ mỗi người luôn luôn xác định phải nỗ lực dưỡng tâm đạo hiếu trở thành cốt cách, đạo lý truyền thống của con người. Sự hiếu thuận là nhân tố duy trì lối sống gương mẫu, thuận hòa, đoàn kết trong mỗi gia đình.
Đồng thời, sự hiếu kính sẽ thúc đẩy con cháu luôn nỗ lực phấn đấu làm ăn phát đạt, chú trọng khai sáng trí tuệ để phụng sự mẹ cha... Qua đó, nền tảng vững chắc của mỗi gia đình hạt nhân, sẽ là sức mạnh tinh thần, sức mạnh vật chất, tính cố kết cộng đồng xã hội... để tạo thành nguồn lực phát triển mỗi quốc gia.
Hoàng Nhâm