Thông thường, các phường săn xưa kia chỉ đi săn thú lớn từ 1 đến 2 lần trong tháng. Còn săn bắt làm thức ăn thường xuyên chủ yếu là săn thú nhỏ, phát triển nhiều như gà rừng, chồn, chuột, sóc...
Xuất phát từ ý thức bảo tồn, phát triển muông thú, nên người xưa coi trọng răn dạy con cháu làm theo đơn giản chỉ bằng những câu chuyện dân gian như chuyện kể về một lão nông khi đi săn đã bắn chết một con khỉ bằng tên thuốc độc.
Khi con khỉ rơi xuống thì mới biết nó đang bồng một con khỉ mới đẻ. Tần ngần nhìn giọt sữa tứa ra nơi đầu vú khỉ mẹ và chú khỉ con còn chới với non nớt, lão thợ săn ân hận quá nên đã chôn xác khỉ mẹ và mang chú khỉ con về nuôi rồi thả lại về rừng.
Từ bấy trở đi, lão không bao giờ săn bắt thú nữa và cứ đến mùa ngô lão lại gùi lên núi một giỏ bắp như để tạ lỗi với loài khỉ. Ở một câu chuyện khác, người xưa kể rằng, có đôi chim gáy làm tổ trên bụi tre một nhà nọ. Khi ấp nở được bầy chim non, chim bố mẹ thường sà xuống vườn đỗ đã thu hoạch của nhà chủ để mót những hạt đỗ còn sót làm mồi cho bầy chim non.
Lão chủ nhà lợi dụng lúc chim bố mẹ cặm cụi đã dùng nỏ bắn chết làm thịt. Lũ chim non mất bố mẹ nên đói quá mò khỏi tổ rơi xuống đất cũng bị lão thịt nốt. Ông trời nhìn thấy lão ác độc quá, nên đã làm cho lão liệt một tay không giương được nỏ nữa.
Nhiều lắm những câu chuyện như thế và người xưa coi việc bắn giết muông thú có chửa hay đang nuôi con là "phải tội” là "thất đức”. Bởi thế, từ đời này qua đời khác gắn bó với rừng, người xưa nắm vững quy luật mùa sinh đẻ của các loài thú chủ yếu từ khi bắt đầu vào hè cho đến cuối thu.
Vì vậy, người ta có khả năng tránh săn bắt từng loại muông thú theo từng thời điểm sinh sản hoặc chỉ săn bắt con đực. Đồng thời, việc cấm săn bắt một số loài muông thú như lợn rừng, hươu, nai, bò tót... mùa sinh sản còn trở thành luật tục ở nhiều tộc người.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, luật pháp quy định rất chặt chẽ việc săn bắt các loại động vật hoang dã. Đặc biệt, họ xử phạt rất nặng với hành vi giết hại động vật hoang dã đang mang thai, động vật kích cỡ nhỏ chưa được phép khai thác... Do đó, họ bảo vệ rất tốt đa dạng sinh học để khai thác kinh tế từ công nghệ thực phẩm, y dược, du lịch...
Điển hình như ở Nhật Bản, hiện nay, đang khá "lo ngại” về tình trạng rất đông các loại thú rừng như gấu, hươu, nai, lợn rừng... sinh sống tự nhiên trong đô thị. Làm được việc đó, bên cạnh sự chế định bằng luật pháp thì yếu tố văn hóa truyền thống trong bảo tồn thiên nhiên, tình yêu động vật của người Nhật có tác động rất mạnh đến ý thức công dân.
Các quốc gia Phật giáo cùng khu vực với Việt Nam như Lào, Thái Lan, Ấn Độ thì văn hóa truyền thống (văn hóa Phật giáo) cũng đã có tác động mạnh đến bảo tồn động vật. Vì thế, tại thủ đô và các thành phố lớn của nước họ hiện giờ bồ câu, chim hoang dã, khỉ, sóc... vẫn sinh sống rất đông.
Soi chiếu với Việt Nam, từ xa xưa, người theo Phật giáo cũng có nét tương đồng về bảo vệ động vật như các quốc gia nêu trên, bởi quan niệm của Phật giáo là "chúng sinh bình đẳng”; trân trọng giá trị của sự sống và kiêng sát sinh động vật là một trong ngũ giới cấm kỵ.
Đồng thời, trong giới luật của đạo Phật coi trọng việc ăn chay để tránh sát sinh; nghi lễ phóng sinh chính là cách hướng tâm con người đến cứu vớt động vật... Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam diễn ra khá gay gắt.
Tình trạng này xuất phát từ nhu cầu nhiều người có sở thích ăn các món từ động vật hoang dã, kéo theo lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã rất lớn. Cùng đó, việc nuôi thú hoang làm cảnh cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng động vật hoang dã cạn kiệt. Thậm chí, săn bắt động vật hoang dã hiện còn là đối tượng để làm clip kiếm tiền trên youtube...
Tìm hiểu các quy định mang tính pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam cho thấy, từ năm 1963, khi đất nước còn trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, thú rừng còn nhiều, nhưng Hội đồng Chính phủ cũng đã ban hành Điều lệ tạm thời săn, bắt chim, thú rừng.
Bộ luật Hình sự 2015 tại Điều 244, quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật... và kèm theo các điều khoản xử lý vi phạm rất nghiêm minh.
Việt Nam còn có nhiều luật, thông tư, nghị định khác có nội dung liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004); Luật Đa dạng sinh học (2008); Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm...
Việt Nam còn tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Nhưng việc thực thi pháp luật ở Việt Nam về bảo vệ động hoang dã, theo nhiều nhà chuyên môn thì đây là một lĩnh vực hết sức khó khăn. Việt Nam vẫn được quốc tế xác định là quốc gia điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã.
Trước thực trạng này, thời gian qua, từ nhiều thông tin trên báo chí về tình trạng xuất hiện tràn lan các clip trên mạng xã hội về săn bắt động vật hoang dã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo thẩm quyền của mình chủ động các biện pháp ngăn chặn hành vi săn bắt, giết thịt trái phép động vật hoang dã.
Đề xuất nội dung chỉ đạo về việc này tại dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã và hoàn thiện dự thảo bảo đảm sát thực tế, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành…
Động thái này cho thấy, việc bảo vệ động vật hoang dã đang cần phải thiết lập lại một cách nghiêm túc, cấp thiết. Tuy nhiên, cùng các giải pháp mang tính pháp lý thì Việt Nam rất cần phải có những giải pháp lâu dài, thiết thực về củng cố, xây dựng nền tảng văn hóa con người trong bảo tồn thiên nhiên.
Nếu không làm được điều đó thì sự khó khăn trong thực thi pháp luật; môi trường sống của động vật hoang dã đang bị thu hẹp mạnh; văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường của người Việt Nam bị suy giảm mạnh… sẽ mãi mãi là những nguyên nhân căn bản đẩy động vật hoang dã đi đến tình trạng ngày càng bị hủy diệt.
Hoàng Nhâm