Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 31/5 cho biết, nhân dịp Tết thiếu nhi 1/6/2020, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem "Trò chơi dân gian" gồm 4 mẫu tem và 1 blốc nhằm góp phần quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa của trò chơi dân gian Việt Nam.
Cụ thể, 4 mẫu tem thể hiện 4 trò chơi dân gian phổ biến của Việt Nam là ô ăn quan, nhảy dây, rồng rắn lên mây và bịt mắt bắt dê. Trên blốc là trò chơi kéo co.
Dựa trên phong cách tranh dân gian Hàng Trống, họa sỹ thiết kế tem Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) đã dùng những nét vẽ to khỏe để vẽ viền các khối hình họa nhân vật trẻ em.
Biểu cảm, nét mặt các nhân vật tạo nên những dấu ấn thị giác về một thế giới tuổi thơ trong mỗi người. Những chỗ hở của nền giữa nét viền và hình trẻ em đã tạo nên một không gian ước lệ mang tính dân gian...
Nét nổi bật trong bộ tem là màu sắc sinh động, bắt mắt. Những hình khối ngộ nghĩnh, đáng yêu thu hút mọi đối tượng, lứa tuổi. Khi được đặt cạnh nhau, hình ảnh của cả bộ tem như tái hiện thời kỳ thơ ấu của nhiều người. Đó là những giây phút vui vẻ, chơi đùa bên bạn bè, tuổi học trò hồn nhiên trong sáng...
Trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ dành cho trẻ em chơi đùa mà trong đó chứa đựng những nét văn hóa độc đáo và giàu bản sắc của dân tộc ta. Các trò chơi dân gian giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em, giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục thể chất, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo.
Qua trò chơi, các em thêm hiểu, trân trọng tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Trò chơi dân gian nước ta có nhiều thể loại, phù hợp với các sở thích, cá tính các đối tượng người chơi. Mỗi trò lại có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi suốt ngày mà không thấy chán.
Nhiều trò chơi dân gian còn gắn với những câu đồng dao như trò chơi rồng rắn lên mây và bài đồng dao "Rồng rắn lên mây - Có cây núc nắc - Có nhà hiển minh - Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không?”
Nhiều trò chơi dân gian góp phần rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật cho trẻ nhỏ như các trò kéo co, nhảy dây, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò... Nhiều trò chơi dân gian dạy trẻ em cách tính toán khoa học, chuẩn xác như ô ăn quan, chơi cờ, đánh khăng, đánh đáo...
Nét chung của các trò chơi dân gian Việt Nam thường là cách chơi đơn giản, dễ nhớ, vật phẩm để chơi cũng không cầu kỳ, tốn kém, có thể chơi mọi lúc, mọi nơi.
Các dụng cụ để chơi thường dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu có trong tự nhiên như gậy lấy trong vườn, khúc tre, miếng gỗ, hòn đá nhặt dưới ruộng, sợi dây... Trẻ em có thể tự luyện tập chơi các trò chơi dân gian khi ở một mình hoặc chơi theo nhóm. Trẻ có thể chia phe, kết đội để trò chơi thêm phần hứng thú. Những đứa trẻ nông thôn thường tụ tập ngoài sân đình, trẻ chăn trâu thì tập trung trên bãi cỏ để cùng nhau chơi đùa.
Ngoài việc vui đùa, rèn luyện thân thể, trong mỗi trò chơi gian gian còn nuôi dưỡng nỗi khát khao chiến thắng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ. Từ chỗ ganh đua mang tính chất tượng trưng, dần dần các trò chơi trở thành những cuộc thi tài, thi khéo, các cuộc thi đấu thể thao như bi sắt, nhảy ngựa, đá cầu...
Đối với trẻ em, tuổi thơ không thể thiếu những trò chơi. Trẻ em ở xã hội công nghiệp hầu hết chỉ quen với máy móc; ít có khoảng không gian rộng để chơi các trò chơi dân gian cũng rất thiệt thòi. Giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn với trò chơi dân gian và tạo cho trẻ em cơ hội chơi các trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết.
Bộ tem "Trò chơi dân gian" được phát hành đúng dịp Tết thiếu nhi 1/6 là sự kiện thiết thực nhằm giới thiệu đến trẻ em trong nước và quốc tế về một nét văn hóa truyền thống đáng tự hào của người Việt Nam.
Bộ tem "Trò chơi dân gian" được thiết kế tràn lề với khuôn khổ 43 x 32 mm, phát hành đúng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2020 và cung ứng trên mạng lưới bưu chính công cộng đến ngày 31/12/2021.
(Theo Vietnam+)