Chủ nhân của không gian này đã biết khéo léo tận dụng những vật liệu địa phương như: tường đá, ván lợp bằng pơ-mu, cột chống và bàn ghế bằng gỗ tạp loại để thi công theo phong cách mộc mạc.
Với thiết kế 2 tầng, không gian này phục vụ, giới thiệu, trưng bày đặc sản trà Shan tuyết, mở các lớp dạy pha trà, thưởng trà. Ngoài ra, còn có 11 bungalow (căn nhà nhỏ, thiết kế đơn giản nhưng cơ động, tiện nghi), một số phòng lưu trú cộng đồng và gia đình, có lều bạt để khách có thể nghỉ giữa thiên nhiên bao la.
Đặc biệt, tầng trên có tầm bao quát lớn có thể nhìn ra bốn phía với mây trời vần vũ, với bản làng người Mông ẩn khuất dưới tán chè cổ thụ.
Dù mới khai trương chưa đầy một năm, nhưng nơi đây đã đón hàng ngàn lượt khách và góp phần thu hút gần 20.000 lượt khách đến với Suối Giàng.
Chị Hoàng Thị Nhung - du khách từ thành phố Lào Cai chia sẻ: "Tôi đã từng đến Suối Giàng nhiều lần nhưng lần này thấy có rất nhiều thay đổi. Không gian văn hóa trà có rất nhiều điểm thu hút từ kiến trúc, đến không gian, tầm nhìn bao quát. Đặc biệt, uống trà ngon và ngắm cảnh thì chẳng ở đâu thư thái bằng”.
Với mục tiêu bảo tồn giá trị đặc biệt của cây chè Shan tuyết và văn hóa truyền thống bản địa, quảng bá giá trị đặc biệt và nâng tầm giá trị chè Shan, đồng thời gìn giữ kiến trúc của người Mông, cùng với việc hoàn thiện kiến trúc, cơ sở vật chất, thời gian qua, "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” đã tổ chức nhiều hoạt động.
Du khách đến với nơi đây không chỉ được thưởng thức các sản phẩm chè được chế biến từ những búp chè Shan tuyết cổ thụ như Diệp trà, Hồng trà, Bạch trà, Hoàng trà, mà còn được trải nghiệm quy trình sản xuất và giao lưu văn hóa văn nghệ với đồng bào Mông.
Đặc biệt, đến đây du khách sẽ được các hướng dẫn viên bản địa hướng dẫn tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của những rừng chè cổ thụ, tìm hiểu những câu chuyện, những địa danh huyền bí...
Thông qua việc nghiên cứu sản xuất các sản phẩm trà và đẩy mạnh quảng bá, giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng ngày càng tăng và đã có mặt ở thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, ý thức của đồng bào Mông trong bảo vệ các diện tích chè, ý thức sản xuất các sản phẩm chè có chất lượng đã được nâng lên một bước.
Người Mông đã bắt đầu thay đổi tư duy phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch. Nhiều hộ gia đình đã biết gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, chỉnh trang nhà cửa và tổ chức các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.
Theo ông Lường Công Tâm - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, hoạt động của "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” đã góp phần quan trọng trong việc thu hút, níu giữ du khách đến với Suối Giàng. Ngoài ra, thông qua việc quảng bá, giới thiệu, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã có sự thay đổi cả về chất và lượng, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm chè Shan.
"Với không gian kiến trúc phù hợp, cùng hoạt động gắn liền với đời sống đồng bào Mông, Không gian văn hóa trà Suối Giàng đã góp phần bảo tồn văn hóa bản địa và nâng tầm giá trị của chè Shan tuyết” - ông Tâm nói.
Tiên phong trong thực hiện giấc mơ làng du lịch người Mông trên đỉnh núi mờ sương, Không gian văn hóa trà đã và đang có những bước đi đúng hướng trong phát triển du lịch sinh thái.
Trong thời gian tới, cùng với mở rộng quy mô các hoạt động, các đơn vị làm du lịch tại Suối Giang đang tiếp tục phối hợp để xây dựng các làng nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn.
Đồng thời, tổ chức các lớp học pha trà đạo, làm hướng dẫn viên cho nhân dân bản địa. Nhân lên các hoạt động và hưởng ứng Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” vào tối ngày mùng 6/6, tại không gian này, UBND huyện Văn Chấn và xã Suối Giàng tổ chức đêm tiệc trà.
Đây là dịp để du khách gần xa đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp Suối Giàng và thưởng thức các loại trà đặc biệt do chính đồng bào Mông sản xuất, pha chế, cùng tìm hiểu nền văn hóa nguyên sơ của đồng bào Mông nơi đây.
Trần Van - Phan Tuấn