Nhân dịp Trại sáng tác Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Yên Bái năm 2020 tổ chức tại Nhà sáng tác thành phố Nha Trang, đoàn văn nghệ sĩ đã có chuyến đi thực tế đến với quê hương của anh hùng Bi Năng Tắc, đến với Phan Rang - Tháp Chàm và lễ hội Ka tê độc đáo của tộc người Chăm.
Hơn trăm cây số từ Nha Trang qua các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải đến Phan Rang – Tháp Chàm (thủ phủ của tỉnh Ninh Thuận), dọc đường là những dãy núi trơ đá trơ trọi xám xịt, những cánh ruộng khô cằn, thi thoảng lại thấy những đàn cừu, đàn dê vài chục con tung tăng trên đường đi tìm nước và thức ăn. Nhưng nhiều nhất có lẽ là cát, trảng nọ nối tiếp trảng kia kéo dài tới ven biển.
Dường như chỉ có một vài loại cây như phi lao, nêm và xương rồng là trụ lại được ở mảnh đất này. Tự nhiên những hình ảnh trong bộ phim truyền hình "Dấu chân du mục” lấy bối cảnh quay ở đây cứ tái hiện lại trong tâm trí như thôi thúc mau mau tìm hiểu.
May mắn, chúng tôi được người bạn ở Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Ninh Thuận – nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Lam hướng dẫn đến thăm một số điểm du lịch của tỉnh. Anh cho biết, Ninh Thuận dân gian quen gọi "vùng đất thiếu mưa thừa nắng” có từ khí hậu nhiệt đới xavan đến cận hoang mạc với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh.
Chính vì vậy, thời tiết Ninh Thuận phân hóa thành 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26 - 27oC, lượng mưa trung bình 700 - 800 mm.
Chúng tôi đến đây khi vùng đất này vẫn đang là mùa khô. Mấy hôm nay, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin huyện Thuận Nam hạn nặng khiến người dân làm nông nghiệp, nhất là chăn nuôi lâm vào cảnh điêu đứng vì thiếu nước nên lòng cũng thấy nóng như mặt trời thiêu đốt.
Điểm đầu tiên những nghệ sĩ Yên Bái đặt chân đến là đồi cát Nam Cương thuộc làng Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước. Trải rộng trên diện tích gần 700 ha, đồi cát Nam Cương được ví như một tiểu sa mạc của Ninh Thuận nói riêng và vùng duyên hải miền Trung nói chung.
Với những triền cát nhấp nhô, nối tiếp nhau kéo dài bất tận, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng đất đầy nắng và gió.
Đường nét uốn lượn của những lũng cát sâu, cùng những hạt cát trắng mịn li ti cuốn theo làn gió, khiến Nam Cương trở thành điểm ngoạn cảnh lý tưởng, cuốn hút bao bước chân khám phá. Nằm ở nơi sinh sống của cộng đồng người Chăm, đồi cát Nam Cương là một phần không thể tách rời trong cuộc sống thường nhật của họ.
Ngày ngày, người Chăm đi lại trên đồi cát để ra biển làm muối hay đánh bắt hải sản, ra đồng trồng cấy; trẻ em đến trường đi học... Và hình ảnh thi vị nhất có lẽ là mỗi buổi chiều về, những thiếu nữ Chăm đội nồi đất trên đầu, bước khoan thai trên đồi cát ra bến sông lấy nước để lại vệt chân trần trên cát như dấu ấn ghi vào năm tháng.
Về nông nghiệp, Ninh Thuận nổi tiếng với những sản phẩm cây trồng như nho, táo, hành, tỏi, măng tây; chăn nuôi có dê, cừu... Cùng với con cừu được thuần dưỡng, thích nghi và là giống cừu duy nhất tại Việt Nam, địa phương này còn là trung tâm tôm giống lớn. Đây cũng là nơi có quy mô trồng nho nhiều nhất nước, được trồng chủ yếu tại huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam.
Đọc báo, nghe đài được biết đến trang trại nho hữu cơ Ba Mọi ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước nên tôi cố cất công đến thăm. Thật ngỡ ngàng khi tiếp xúc với một lão nông tri điền miền gió nắng. Cái tên Ba Mọi của trang trại chính là tên thật của ông: tên khai sinh là Mọi, con thứ ba trong gia đình. Tuổi ngoại thất thập, ông Ba Mọi còn tráng kiện và nhanh nhẹn lắm. Dẫn khách tham quan trang trại dưới cái nắng như đổ lửa mà không hề tỏ ra mệt mỏi, vẫn tươi cười và vui vẻ kể lại kỷ niệm thuở học trò say đắm những bài thơ tình "Hai sắc hoa ti gôn” với "Màu tím hoa sim”.
Có lẽ chính cái chất lãng mạn thấm vào trong máu từ ngày tuổi trẻ đã tạo cho ông động lực quyết biến vùng đất cát khô cằn thành trang trại nho danh tiếng. Nhớ lại sự hình thành thương hiệu "Nho Ba Mọi”, ông chủ trang trại nho cho biết: Năm 2007, khi bắt đầu có chương trình canh tác VietGAP ông theo luôn và đến năm 2010 được cấp giấy chứng nhận tạo bước ngoặt cho doanh nghiệp phát triển. Lúc đầu quả nho của trang trại chủ yếu là xuất tươi, sau này đầu tư công nghệ làm ra các sản phẩm như: nho sấy khô, mứt nho, nước nho ép, rượu vang nho. Chính các sản phẩm chế biến từ nho đã làm cho thương hiệu "Nho Ba Mọi” lan tỏa, đặc biệt là rượu vang.
Vừa là nông dân vừa là Giám đốc doanh nghiệp, ông Ba Mọi đã xây dựng trang trại nho của mình trở thành điển hình cho xu hướng phát triển mới của nghề trồng nho ở Ninh Thuận. Dù sản phẩm chế biến sau nho ăn tươi chưa nhiều, nhưng nhờ xây dựng được thương hiệu nên "Nho Ba Mọi” đã góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm nho Ninh Thuận tới thị trường trong nước như các siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh… Băn khoăn trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ông đã mở rộng diện tích trang trại lên 22 ha và liên kết với các hộ nông dân trong vùng khoảng 200 ha.
Cũng từ lâu được nghe về làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Quả danh bất hư truyền, Bàu Trúc là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á và được xem như một bảo tàng gốm truyền thống của dân tộc Chăm. Làng có khoảng 400 hộ thì 85% trong số đó vẫn thủy chung với nghề gốm cha ông để lại.
Đường làng cát trắng xưa bây giờ đã được trải nhựa, những căn nhà kiến trúc theo kiểu truyền thống, mái ngói đỏ tươi.
Ngay giữa trung tâm làng là khu nhà trưng bày sản phẩm gốm với nhiều chủng loại khác nhau đậm chất nghệ thuật. Nhiều nhất là các bình hoa đủ dáng kiểu từ độc bình loại lớn đến bình để bàn mi ni giả cổ, ấm nước, nồi niêu, chum vại... và đặc biệt là những tháp tượng mô phỏng các vũ nữ Apsara, thần Vishnu, Shiva trong thần giáo của tộc người Chăm.
Người làng gốm Bàu Trúc vẫn giữ cách làm gốm nguyên sơ của mình từ bao đời, họ không làm bằng bàn xoay như những nơi khác mà người thợ phải xoay quanh sản phẩm. Cách nung cũng độc đáo, không phải lò gas hay lò than mà sản phẩm gốm được nung ngoài trời theo kiểu đống nhấm với loại nhiên liệu sẵn có như củi, rơm rạ và trấu. Người thợ làng gốm Chăm Bàu Trúc chỉ đốt lò vào buổi chiều ít gió hoặc gió nhẹ và đốt theo chiều ngược gió.
Thời gian nung khoảng 6 giờ đồng hồ, đến khi gốm chín tới thì dừng. Các sản phẩm gốm Bàu Trúc làm xong đều mang màu nâu đỏ tự nhiên của đất hoặc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu độc đáo... chứa đựng vẻ bí ẩn của văn hóa Chămpa.
Dọc đường đi, chúng tôi thấy khá nhiều trụ điện gió. Những cánh quạt tua bin có sải cánh hàng chục mét lừ đừ quay, trông xa cứ ngỡ như cối xay gió của làng quê châu Âu vậy. Nắng và gió cũng là thứ tài nguyên phong phú của Ninh Thuận.
Ngay Đầm Nại thuộc huyện Thuận Bắc tiếp giáp với biển Ninh Chử, nơi đoàn đến thăm cũng có nhà máy điện gió với 16 trụ tua bin, tổng công suất lắp máy 40 MW. Đồng thời vào ngày 15/5/2020, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Ninh Thuận đưa tin Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (TrungNam Group) tổ chức lễ phát động chiến dịch thi đua 102 ngày đêm xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW kết hợp trạm biến áp 220/500kV và đường dây 500kV tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam. Nếu vậy diện tích mặt nước Đầm Nại 1.200 ha, đồi cát Nam Cương 700 ha, bờ biển Cà Ná, Khánh Hải, Bình Sơn… thì quả là tiềm năng cho nguồn năng lượng sạch.
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cho đến nay, mối tình kết nghĩa thâm giao giữa hai địa phương Yên Bái – Ninh Thuận vẫn phát huy ngày càng thắm thiết hơn. Hai tỉnh thường xuyên duy trì mối quan hệ hợp tác, giao lưu, học tập và chia sẻ kinh nghiệm công tác, mô hình hay, cách làm hiệu quả cũng được tăng cường nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái - Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.
Một trong những biểu tượng của tình đoàn kết gắn bó keo sơn Yên Bái - Ninh Thuận trong mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa hai địa phương là năm 2012, Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành - một doanh nghiệp của tỉnh Ninh Thuận đã triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại thôn Ngòi Sen, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái.
Được xây dựng trên diện tích 32 ha, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng với dây chuyền xử lý rác chưa phân loại khép kín có công suất xử lý 200 tấn rác/ngày sẽ góp phần giải quyết căn bản vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra trên địa bàn thành phố Yên Bái và các huyện lân cận.
Với lượng phân hữu cơ lớn từ 50 - 70% có trong rác thải sinh hoạt, nhà máy còn cho ra các sản phẩm phân hữu cơ vi sinh cải tạo đất nông nghiệp cùng nhiều sản phẩm có ích khác như: hạt nhựa, phôi nhựa, bao bì, ván cốp pha, gạch cao su... Nhà máy xử lý rác thải, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại tỉnh Yên Bái đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm mới cho hơn 300 lao động địa phương, mang lại hiệu quả về lợi ích kinh tế, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường của tỉnh.
Được biết, gần đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Yên Bái cũng tham gia đầu tư vào chương trình điện mặt trời ở Ninh Thuận. Thành tựu chưa nhiều song bước đầu đó là biểu tượng đẹp của mối tình kết nghĩa anh em nở hoa kết trái.
Tạm biệt Ninh Thuận, có gì bâng khuâng khó tả. Lòng cứ nao nao câu hát trong bài ca "Về Ninh Thuận” của nhạc sĩ Mạnh Hiếu, qua trình bày của ca sĩ Gia Tuấn: "Em hãy về Ninh Thuận với anh/ Để ngắm biển xanh, hàng dương Ninh Chử/ Để tắm nắng vàng, gió vàng Phan Rang…”. Về Ninh Thuận, một dịp nào đó tôi sẽ trở lại.
Thế Quynh (Ninh Thuận, tháng 5/2020)