Nhiều chương trình, lễ hội đặc sắc tại Festival Huế 2020

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2020 | 1:54:12 PM

Vượt qua những khó khăn, thử thách do dịch bệnh Covid-19, Festival Huế lần thứ XI năm 2020 vẫn tiếp tục được tổ chức là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của vùng đất nơi tụ hội tinh hoa văn hóa của dân tộc, là cơ hội để quảng bá điểm đến thân thiện, an toàn của Huế và Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Huế 2020 sẽ diễn ra tại khu vực Ngọ Môn Huế
Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Huế 2020 sẽ diễn ra tại khu vực Ngọ Môn Huế

Festival Huế 2020 sẽ có 7 chương trình "đinh” lần lượt diễn ra từ ngày 28-8 đến 2-9-2020.

Sáng 12-6, Ban tổ chức Festival Huế cho biết, với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới”, Festival Huế lần thứ XI năm 2020 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 29-8 đến ngày 2-9-2020.

Đây là cột mốc đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của một festival văn hóa - nghệ thuật - du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.

Qua đó, mang lại cho người tham dự những trải nghiệm mới lạ, độc đáo về văn hóa, lịch sử, và nghệ thuật, là nơi hội tụ những chương trình biểu diễn hấp dẫn của các đoàn nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu diễn ra trên những sân khấu chính: sân khấu Ngọ Môn, sân khấu quảng trường Quốc Học và các tụ điểm biểu diễn trên các tuyến đi bộ ở trung tâm thành phố Huế.

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế chia sẻ, vượt qua những khó khăn, thử thách do dịch bệnh Covid-19, Festival Huế lần thứ XI năm 2020 vẫn tiếp tục được tổ chức là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của vùng đất nơi tụ hội tinh hoa văn hóa của dân tộc, là cơ hội để quảng bá điểm đến thân thiện, an toàn của Huế và Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch của Thừa Thiên - Huế.

Tại Festival Huế lần thứ XI sẽ có 7 chương trình "đinh” lần lượt diễn ra từ ngày 28-8 đến 2-9-2020.

1. Chương trình nghệ thuật Khai mạc - 20 giờ ngày 28-8-2020 tại Quảng trường Ngọ Môn: Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại của Huế, Việt Nam.

Chương trình sẽ giới thiệu một Huế với vẻ đẹp khám phá bất tận, một thành phố của sự hài hòa trọn vẹn, 4 mùa rạng rỡ hoa, thành phố xanh, thân thiện môi trường.

2. Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa” - 16 giờ 30 từ ngày 29-8-2020 đến 2-9-2020.
Cùng với hình thức biểu diễn đường phố của các đoàn nghệ thuật, lễ hội đường phố năm nay sẽ tôn vinh "văn hóa mặc" của các quốc gia trong khu vực thông qua hoạt động trình diễn trang phục truyền thống và những điệu múa đặc trưng của các nước ASEAN; lễ rước mặt nạ Tuồng Huế, một hình thức hóa trang độc đáo của bộ môn nghệ thuật có lịch sử lâu đời và phát triển rực rỡ dưới Triều Nguyễn; lễ hội văn hóa dân gian vùng Thừa Thiên- Huế giới thiệu một số lễ hội và trò diễn đã từng bước được phục dựng ở các địa phương trong tỉnh, kết hợp lễ rước Mẫu trên sông trong khuôn khổ Lễ hội Điện Huệ Nam, sẽ phô diễn giá trị văn hóa, giàu bản sắc của Cố đô Huế.

3. Lễ hội "Huế - Kinh đô ẩm thực” - diễn ra từ ngày 29-8 đến 2-9-2020 tại Công viên Thương Bạc, do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam chủ trì tổ chức, phối hợp cùng với Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế.

Di sản ẩm thực phong phú và văn hóa ẩm thực tinh tế của vùng đất được xem là "kinh đô ẩm thực” sẽ được giới thiệu tại lễ hội với nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng thuộc 3 dòng ẩm thực chính: ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình, ẩm thực chay.

4. Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn - 20 giờ ngày 30-8-2020 tại sân khấu Ngọ Môn, giới thiệu di sản âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với chủ đề Nhật ký Huế "Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi”.

Chương trình qui tụ những nghệ sĩ tên tuổi gắn bó với những ca khúc của Trịnh Công Sơn, những nghệ sĩ trẻ mang phong cách mới lạ đang được công chúng hào hứng đón nhận.

5. Chương trình "Ai đã đặt tên cho dòng sông” - 20 giờ ngày 31-8-2020 tại Nghênh Lương Đình. Đây là chương trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ nhiều chất liệu lịch sử về dòng sông Hương thơ mộng, khai mở lần nữa những bí ẩn của Huế, của sông Hương. Chương trình hứa hẹn sẽ đem lại bất ngờ thú vị cho người xem nhờ vào một sân khấu hết sức mới lạ, cách kể chuyện bằng ngôn ngữ nghệ thuật biểu diễn hấp dẫn.

6. Nhạc hội điện tử (EDM) - 20 giờ 30 ngày 1-9-2020 tại sân vận động Tự Do là bữa tiệc âm thanh và ánh sáng dành cho giới trẻ, các tín đồ của dòng nhạc điện tử với sự tham gia của những nghệ sĩ, DJ hàng đầu trong nước và khu vực.

7. Chương trình nghệ thuật Bế mạc – Trình diễn Áo dài - 20 giờ ngày 2-9-2020 tại Quảng trường Ngọ Môn.

Chương trình gồm 3 chương: "Bài thơ đô thị", "Huế luôn luôn mới” và "Huế thành phố rực rỡ sắc hoa” sẽ là điểm nhấn khép lại Festival Huế 2020 nhằm ca ngợi thiên nhiên, con người, tôn vinh vẻ đẹp, khẳng định giá trị và vị trí của tà áo dài Việt Nam trong đời sống, với những bộ sưu tập thời trang áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng ở Huế, Hà Nội và TPHCM.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa cộng đồng, thể dục thể thao diễn ra liên tục trước, trong và sau thời gian Festival bao gồm: các sự kiện trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Áo dài, liên hoan các CLB Nghệ thuật toàn quốc, liên hoan Diều, lễ hội Bia, hội chợ thương mại, giải đua ghe truyền thống, đua thuyền SUP, giải chạy VNExpress Marathon Huế, các cuộc trưng bày và triển lãm mỹ thuật… sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo cho công chúng và du khách.

Festival Huế 2020 với nhiều nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn, hứa hẹn sẽ là nơi để người tham dự thưởng thức sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, trải nghiệm những sắc màu của nghệ thuật, văn hóa và là cơ hội đắm mình trong không gian của một đô thị cổ kính, nhưng vẫn mang nét đẹp văn minh của một di sản xanh – sạch – sáng, thành phố 4 mùa hoa, an lành, hạnh phúc.
(Theo SGGP)

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục