Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; các tỉnh, thành cùng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của các đài PT-TH trong cả nước.
Liên hoan phát thanh năm 2020 có sự tham gia của 62 đài phát thanh - truyền hình trong cả nước, 16 đơn vị của Đài TNVN, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội và Cục Truyền thông Công an nhân dân với tổng số 315 tác phẩm dự thi. Góp mặt tại vòng chung khảo có 231 tác phẩm, trong đó có 53 phóng sự, 36 phỏng vấn, 48 chương trình phát thanh chuyên đề/talk show, 33 câu chuyện truyền thanh và 31 chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc và 30 chương trình phát thanh trực tiếp.
Với chủ đề "Phát thanh - Đổi mới và đa dạng”, liên hoan phát thanh lần này gắn với Ngày phát thanh thế giới năm nay, đó là sự đổi mới và đa dạng về đề tài, đối tượng thính giả, thể loại các chương trình phát thanh và cả luồng thông tin nhằm phát triển toàn diện ngành phát thanh trong kỷ nguyên mới… Những thông tin truyền tải đến công chúng phải nóng hổi, chính xác, mang hơi thở của cuộc sống, hơi thở của thời đại.
Qua đánh giá của Ban tổ chức, nhiều đề tài mang tính thời sự và có ý nghĩa thực tiễn của cuộc sống, bám sát những mối quan tâm của người dân đã được các đơn vị đầu tư khai thác, nhất là các đơn vị tham gia thi phát thanh trực tiếp. Điển hình như: Theo dòng thời sự của Ban Thời sự (VOV1), Đài TNVN; Cần tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long (Đài PT-TH thành phố Cần Thơ); Giải pháp nào cho nạn phá thai chui (Đài PT-TH Hải Phòng); Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu: Đường hướng đã có, vấn đề là hành động (Kênh VOV Giao thông, Đài TNVN); Điểm hẹn hòa bình trên vùng đất lửa (Đài PT-TH Quảng Trị); Đồng Tháp - Để câu hò mãi ngân vang (Ban Âm nhạc VOV3, Đài TNVN); Đi tìm giải pháp cho cán bộ công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp bộ máy tổ chức (Đài PT-TH Vĩnh Long)...
Theo ông Đồng Mạnh Hùng, Tổng Thư ký liên hoan, các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo đều vượt trội về nội dung và hình thức thể hiện, tập trung phản ánh công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, địa phương và những vấn đề "nóng” như: Công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quan hệ đối ngoại, các vấn đề kinh tế, chống biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, phản ánh cuộc chiến chống dịch Covid-19, các vấn đề quốc tế…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, thông qua các hoạt động tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIV, những người làm phát thanh trong cả nước sẽ có cơ hội chia sẻ quan điểm, định hướng phát triển nhằm đổi mới hoạt động nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và hiện đại, với mục tiêu phục vụ công chúng ngày một tốt hơn.
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết thêm, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng toàn cầu, báo chí, trong đó có phát thanh đã thể hiện vai trò tiên phong. Tuy nhiên, thời đại công nghệ số ngày càng phát triển đã thúc đẩy và đa dạng hóa nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng, làm thay đổi tư duy quản lý, cách thức và mô hình sản xuất của báo chí, truyền thông. Báo chí, truyền thông đang đứng trước những thách thức lớn, đó là việc tích hợp các loại hình báo chí: Phát thanh - truyền hình - điện tử - báo in. Mô hình quản trị dựa trên việc phân chia theo nền tảng truyền thông vốn thuận tiện nay trở thành trở ngại trong việc kết nối, tương tác, chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp về nguồn lực.
Vì vậy, chính các cơ quan báo chí, người làm báo, trong đó có phát thanh cần nhận thức rõ "biến nguy thành cơ”, tiếp cận nhanh với tiến bộ của báo chí hiện đại, chủ động thích ứng với những công nghệ làm báo mới và sự thay đổi của công chúng hiện nay.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, chúng ta cần nắm bắt và tận dụng tối đa những tiến bộ của công nghệ và kỹ thuật trong tác nghiệp, sản xuất, phát sóng chương trình và tương tác với công chúng; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tiếp cận người nghe trên sóng phát thanh truyền thống và các nền tảng công nghệ mới.
Trong khuôn khổ liên hoan, ngày 26-6 sẽ diễn ra Hội thảo kỹ thuật công nghệ truyền thông trong kỷ nguyên số và Hội thảo quốc tế Thay đổi nhận thức và hành vi xã hội qua tiểu phẩm phát thanh; Triển lãm ảnh Những người làm phát thanh và Triển lãm trang thiết bị và công nghệ phát thanh.
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIV sẽ bế mạc vào tối 27-6. Ban tổ chức dự kiến sẽ trao 20 giải Vàng, 53 giải Bạc, 72 giải Đồng, 82 Bằng khen và 6 giải cho người dẫn chương trình tài năng trong thể loại thi phát thanh trực tiếp.
(Theo HNMO)