Thực tế này cho thấy tính cấp thiết của việc nhận diện giá trị cũng như định vị thương hiệu cho áo dài Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy hiệu quả giá trị di sản trong đời sống đương đại.
Đối diện nguy cơ mất chủ quyền
Có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, áo dài Việt Nam không đơn thuần là một trang phục dân tộc, mà còn chứa đựng cả bề dày truyền thống văn hóa, quan niệm thẩm mỹ và tinh thần dân tộc. Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa, áo dài là biểu tượng cho bản sắc văn hóa, vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam. Nếu như áo dài nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, thanh lịch của phái nữ, thì áo dài nam lại mang đến nét trang trọng, nghiêm cẩn, phong thái chuẩn mực cho phái nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định, chưa thấy di sản nào lại được tạo thành một chuỗi sản phẩm, từ nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải đến thiết kế, may mặc như áo dài. Đây là một di sản cực kỳ đa dạng và đa sắc thái, hiện diện ở khắp mọi nơi trên đất nước ta. Dù chưa có một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là "quốc phục", song từ lâu áo dài là trang phục truyền thống, được ứng dụng, trao truyền, phát triển suốt dặm dài lịch sử đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phổ biến rộng rãi, trang phục áo dài đã và đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, từ vấn đề mai một bản sắc đến mất bản quyền. Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, có nhiều trường hợp biến tấu trang phục áo dài thái quá đến lai căng mất gốc. Không ít người sử dụng áo dài một cách lệch lạc, phản cảm như mặc áo không có quần đi kèm, kết hợp áo dài với quần siêu ngắn, bốt cao... Những cách điệu đó thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa, bản sắc, tập quán sử dụng; đi ngược lại, thậm chí xúc phạm đến vẻ đẹp tinh tế của chiếc áo dài Việt Nam.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, trong bối cảnh nước ta chưa xác lập bản quyền thương hiệu và chưa có các chính sách bảo hộ tương thích, kiểu cách áo dài Việt Nam đã từng bị nhà thiết kế nước ngoài "nhận” là sáng tạo của họ. Điều này dẫn đến nguy cơ mất chủ quyền đối với di sản, nếu như không sớm có động thái tích cực và quyết liệt.
Sớm đưa áo dài vào danh mục di sản quốc gia
Xác định tính cấp thiết của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản áo dài, những năm qua, ngành Văn hóa đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành tích cực đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế trang phục áo dài cũng như tuyên truyền, quảng bá áo dài. Từ đầu năm 2020 đến nay đã có nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức để tôn vinh, quảng bá áo dài truyền thống như: Cuộc vận động thiết kế "Tự hào áo dài Việt"; hội thảo khoa học "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”; trình diễn thời trang "Áo dài - Di sản văn hóa”; cuộc vận động hưởng ứng tuần lễ "Áo dài Việt Nam”...
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ứng Hòa (thành phố Hà Nội) Nguyễn Hạnh Vân cho biết: "Hưởng ứng "Tuần lễ áo dài Việt Nam”, chị em phụ nữ huyện Ứng Hòa đã đồng loạt mặc trang phục áo dài đi làm từ ngày 2 đến 8-3. Mọi người đều cảm thấy vui và tự hào khi khoác lên mình tấm áo truyền thống của dân tộc”.
Theo Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Hoài Sơn, những hoạt động kể trên không chỉ nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị, tầm quan trọng của áo dài truyền thống, mà còn góp phần nhận diện, đánh giá đầy đủ, sâu sắc về các khía cạnh lịch sử, tập quán, giá trị và bản sắc, từ đó kiến nghị những giải pháp phù hợp.
Giám đốc Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Giao lưu văn hóa quốc tế (ICEP - Ha Noi Classy) Phan Thu Hằng cho rằng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức trong cộng đồng qua việc sử dụng áo dài, cũng như có chiến lược kiến tạo một nền thời trang riêng cho thương hiệu áo dài Việt Nam. Muốn vậy, việc may mặc, quảng bá áo dài phải trở thành một chính sách, chủ trương, hành động cấp quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ đang xem xét, công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
"Việc làm này sẽ góp phần cung cấp những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, bảo đảm sức sống của di sản theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa”, bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
(Theo HNMO)