Những lớp nghĩa ẩn sau bài thơ “Nắng hoàng hôn” của tác giả Đào Ngọc Lan

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/7/2020 | 2:10:40 PM

YênBái - Thừa nhận quy luật bất biến của vũ trụ về thời gian ngắn ngủi “cuối ngày” cùng không gian hạn hẹp chỉ là “vạt nắng”. Nhưng trong cái tưởng như nhỏ nhoi ấy lại bừng lên sắc diện mới dẫu không tinh khôi cũng chẳng kém huy hoàng. Nắng hoàng hôn được cảm nhận cụ thể bằng thị giác, xúc giác “mỏng nhẹ, dịu êm”, “không mờ nhạt”.

Hoàng hôn trên hồ Thác Bà. (Ảnh minh họa)
Hoàng hôn trên hồ Thác Bà. (Ảnh minh họa)

Bạn đã bao giờ thấy nắng hoàng hôn
Chẳng như ban mai ánh hồng rực rỡ
Chẳng như giữa trưa gắt gao đỏ lửa
Cũng chẳng như mưa trốn biệt sau mây.

Nắng hoàng hôn, vạt nắng cuối ngày 
Mỏng nhẹ, dịu êm mà không mờ nhạt
Vẫn sáng khung trời, dòng sông, bờ cát
Như chẳng muốn mình chìm khuất vào đêm.

Những gì đã qua đừng cố kiếm tìm
Bóng xế dù sang cũng đừng thất vọng
Hãy hết mình cho mỗi ngày ta sống
Là đã dâng đời chút nắng hoàng hôn!

                             Đào Ngọc Lan

LỜI BÌNH:

Học vị tiến sĩ, từng kinh qua các vị trí Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái và nay nghỉ hưu vẫn tham gia một số dự án sức khỏe cộng đồng cùng quản lý Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An. Bạn đọc biết đến Đào Ngọc Lan với danh tính một thầy thuốc làm thơ. Bài thơ "Nắng hoàng hôn” được chị sáng tác từ cảm hứng bắt gặp cái nắng lúc hoàng hôn trong một lần ngược đường Hà Nội – Yên Bái sau chuyến công tác gần đây.

Mở đầu bài thơ là cảm nhận về sự khác biệt nắng hoàng hôn cùng những cái nắng trong ngày "Bạn đã bao giờ thấy nắng hoàng hôn/Chẳng như ban mai ánh hồng rực rỡ/Chẳng như giữa trưa gắt gao đỏ lửa/Cũng chẳng như mưa trốn biệt sau mây”.

Ba trạng huống được đưa ra để so sánh: buổi sớm, buổi trưa và lúc trời mưa. Nắng hoàng hôn không rực rỡ, tràn đầy sinh khí khi ông mặt trời ban mai thức dậy mở đầu cho một ngày mới; cũng không đổ cái nóng gay gắt cháy bỏng mặt người khi chính ngọ; lại càng không ủ dột bị mây che khuất khi trời đổ cơn mưa. 

Nhấn mạnh sự khác biệt này, tác giả khéo léo sử dụng điệp từ "chẳng như” trong loạt câu so sánh mang tính chất phủ định để khẳng định. Và cũng để tạo sự chú ý về hiện tượng đẹp của thiên nhiên, Đào Ngọc Lan chọn cách vào đề tự nhiên bằng đặt câu hỏi "Bạn đã bao giờ thấy nắng hoàng hôn”, vừa tha thiết thân tình vừa gợi khát khao khám phá. 

Hoàng hôn theo nghĩa từ điển Hán - Việt là thời điểm chạng vạng, trời gần tối. Lúc này thường xuất hiện "hoàng đạo quang” hay còn gọi là "thiên nhãn khai” - thứ ánh sáng lạ lùng hiện ra ở trên không khi mặt trời lặn, báo hiệu một ngày sắp hết. Thơ ca từ trước đến nay không ít người viết về buổi hoàng hôn. Ca dao lấy cái nắng hoàng hôn để so sánh với tình cảm người trai dễ nhạt tình cùng vợ "trai thương vợ nắng quái chiều hôm”. 

Rồi những người yêu thơ Đường không mấy ai dễ quên câu thơ "Quê hương khuất bóng hoàng hôn/Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” của Thôi Hiệu trong bài thơ "Hoàng Hạc lâu”. Xuất phát từ cảm quan nghệ sĩ, tác giả miêu tả nắng hoàng hôn bằng những hình ảnh sống động, sáng trong: 

Nắng hoàng hôn, vạt nắng cuối ngày 
Mỏng nhẹ, dịu êm mà không mờ nhạt
Vẫn sáng khung trời, dòng sông, bờ cát
Như chẳng muốn mình chìm khuất vào đêm

Thừa nhận quy luật bất biến của vũ trụ về thời gian ngắn ngủi "cuối ngày” cùng không gian hạn hẹp chỉ là "vạt nắng”. Nhưng trong cái tưởng như nhỏ nhoi ấy lại bừng lên sắc diện mới dẫu không tinh khôi cũng chẳng kém huy hoàng. Nắng hoàng hôn được cảm nhận cụ thể bằng thị giác, xúc giác "mỏng nhẹ, dịu êm”, "không mờ nhạt”. 

Đặc biệt như đang bừng lên sức sống quật cường để chiến thắng sự nghiệt ngã của tự nhiên "Vẫn sáng khung trời, dòng sông, bờ cát/Như chẳng muốn mình chìm khuất vào đêm”. Nếu không lạc quan, nếu không biết lấy nhãn quan thì thi sĩ nhìn sự vật trong sự phát triển đâu dễ viết được như vậy.

Mượn cảnh vật để nêu suy ngẫm về cuộc sống, con người vốn là cách làm quen thuộc của thi ca tự cổ chí kim. Từ nắng hoàng hôn - cái nắng "chẳng muốn mình chìm khuất vào đêm”, tác giả bài thơ đúc rút bài học cho bản thân và cũng là lời nhắn nhủ đến mọi người: "Những gì đã qua đừng cố kiếm tìm/Bóng xế dù sang cũng đừng thất vọng/Hãy hết mình cho mỗi ngày ta sống/Là đã dâng đời chút nắng hoàng hôn”

Chí lý, quá khứ dù vàng son chói lọi cũng đừng nên nuối tiếc "cố kiếm tìm”, bám lấy nó như cứu cánh cho những ngày còn lại. Và tuổi cao "bóng xế” chớ bi quan, hãy cứ tin yêu mà "sống vui, sống khỏe, sống có ích”. 

Đọc đến đây tôi chợt nhớ bài thơ "Nắng chiều” của học giả Phan Khôi "Nắng chiều đẹp có đẹp/Tiếc tài gần chạng vạng/Mặc dù gần chạng vạng/Nắng được thì cứ nắng”. Có gì đồng điệu giữa bậc tiền nhân với thế hệ hậu sinh, khác chăng là ở sự tỉnh táo, tự tin mà thời đại mới mang lại. 

Rõ ràng phải trải nghiệm cuộc sống sâu sắc mới có thể có thái độ sống tích cực. Và càng trân quý sự tận hiến của hồn thơ nữ "Hãy hết mình cho mỗi ngày ta sống/Là đã dâng đời chút nắng hoàng hôn”. 

Nam Hà

Các tin khác
H'Hen Niê làm nên lịch sử khi lọt top 5 Miss Universe 2018.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 bất ngờ xuất hiện trên trang fanpage chính thức của ASEAN và được vinh danh là một trong những"Niềm tự hào của Đông Nam Á".

Mưa vừa ào xuống một trận, gột sạch đi những bức bối oi ả ngày hè. Để mẹ tôi bắt đầu vun vén cho tháng Bảy khi mùa gặt đã xong, rơm rạ vun thành đống và cơm mới trong nồi còn thơm vị mồ hôi. Dù biết ngày mai có thể sẽ nắng hơn và cơn mưa thì lâu không ghé lại.

(Ảnh minh họa)

Ngày 16/7/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ vừa văn bản số 2596 và 2597 gửi UBND thành phố Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam về việc lùi thời gian tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI (HANIFF VI) sang năm 2022.

Đây là lần đầu tiên, có một ca sĩ Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng Billboard Social 50.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục