Tưởng niệm 720 năm Ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/10/2020 | 2:43:08 PM

Lễ hội là dịp để nhân dân trong vùng và du khách thập phương tưởng nhớ công đức của người xưa; đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lễ tưởng niệm 720 năm ngày mất của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Lễ tưởng niệm 720 năm ngày mất của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Ngày 6/10, Ủy ban Nhân dân huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) đã tổ chức Lễ tưởng niệm 720 năm Ngày mất Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và khai mạc Lễ hội Đền Trần Thương năm 2020, với sự tham gia của đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương.

Tại lễ tưởng niệm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Trọng đã đọc diễn văn tưởng niệm, ôn lại thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sinh năm 1231, là người có tài văn chương, võ nghệ, dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, hội tụ đầy đủ nhân-nghĩa-lễ-trí-tín. Là người tài năng lại biết giữ gìn rường cột quốc gia nên qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, thờ phụng.

Trần Hưng Đạo là một hình tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông là nhà quân sự tài ba, nhà chính trị kiệt xuất, được thể hiện rõ trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông xâm lược thế kỷ thứ XIII (1258, 1285, 1288).

Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mất ngày 20/8 năm Canh Tý (tức ngày 5/9/1300). Triều đình đã tôn phong ông là Thái sư Thượng phụ, Thượng Quốc công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương. Nhân dân Đại Việt tôn ông là Cửu Thiên Vũ Đế Đức Thánh Trần, lập đền thờ tưởng nhớ công lao to lớn của ông. Trong tâm thức người dân, Hưng Đạo Đại vương là một người Cha, một vị Thánh thiêng liêng.

Nhân 720 năm ngày mất của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Ủy ban nhân dân huyện Lý Nhân và nhân dân đã tổ chức nghi lễ để tưởng nhớ đến Đức Thánh Trần và tỏ lòng tri ân đối với bậc tiền nhân đã làm rạng danh quê hương, đất nước.

Sau diễn văn tưởng niệm và văn tế Đức Thánh Trần, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cùng các đại biểu và nhân dân đã thành kính dâng hương tưởng niệm công ơn của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân.

Sau nghi lễ dâng hương, Ủy ban nhân dân huyện Lý Nhân và Ban quản lý Đền Trần Thương đã tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Trần Thương năm 2020 gồm phần lễ với các nghi thức: Lễ cáo yết, Lễ rước kiệu và Lễ Kị Nhật Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Phần hội có các trò chơi dân gian như: thi đấu cờ tướng, bóng chuyền hơi, bơi chải, đi cầu kiều...

Thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất là tục thi đấu cờ tướng. Tục này diễn ra trước các trò hội. Khi tiếng trống nổi lên báo hiệu cuộc chơi thì các đấu thủ cùng dân làng đến sân Đền tham dự. Làng chọn các lão làng, chức sắc có gia phong tốt vào khai cuộc, trong đó người cao tuổi nhất được làm Chủ tế.

Chủ tế làm lễ cáo yết Đức Thánh Trần rồi rước bàn cờ từ hậu cung ra, đến trước hương án nâng bàn cờ lên vái ba vái. Sau đó, cuộc chơi bắt đầu. Hai đấu thủ mặc y phục truyền thống của các tướng lĩnh đời Trần mang thanh long đao vào cuộc.

Sau một tuần hương, ai thắng sẽ đoạt giải. Vãn cuộc, quân cờ cùng bàn cờ được rửa bằng nước giếng của Đền và nước ngũ quả, lau chùi cẩn thận rồi đặt lên hương án. Tục chơi cờ nhằm tưởng nhớ tài thao lược quân sự của Hưng Đạo Đại vương, rèn luyện trí tuệ, nêu cao truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.

Lễ hội Đền Trần Thương là dịp để nhân dân trong vùng và du khách thập phương tưởng nhớ công đức của người xưa; đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội diễn ra đến hết tháng 8 Âm lịch.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác

Đây có thể xem là lần đầu tiên ra mắt một phần (gần 30 bức) của bộ ảnh đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Xuân Phái, xứng đáng với tên gọi “Trăm năm một tình yêu Hà Nội”.

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chính thức ra mắt chương trình tham quan, trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa”.

Để ngăn chặn bài trừ có hiệu quả sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại, ngành văn hóa - thông tin huyện Lục Yên đã phối hợp với Công an huyện và các ngành chức năng xây dựng, ban hành và thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên lĩnh vực văn hóa, thông tin.

Tân Nhàn và Hồng Liên

Lễ hội nhằm phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO vinh danh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục