Ẩn chứa huyền tích trong 3 cây đa đó, là truyền thuyết về dấu mốc Tạo Lò trồng đa để đánh dấu phương hướng phân vùng đất đai ở Mường Lò và vùng phụ cận cho các con cai quản. Đồng thời, nơi đây có những dấu hiệu để nhiều người nhận định, có thể vùng Sơn A là địa điểm cư trú đầu tiên của thủ lĩnh Tạo Xuông.
Ngược dòng lịch sử về nguồn gốc tộc người Thái di cư từ Vân Nam (Trung Quốc) về phía Nam, trong cuốn thư tịch cổ của người Thái có tên "Quam tổ mướng”, nghĩa là "sách tổ mường” ghi rằng, vào thế kỷ XI, Tạo Xuông và Tạo Ngần đưa người Thái di cư về phương Nam đi dọc theo lưu vực Nậm Tao (sông Thao) đến khu vực cửa ngòi Thia thì men ngược theo suối này để tìm đất định cư. Đi đến vùng đất thuộc xã An Lương, huyện Văn Chấn ngày nay, đoàn người gặp phải nơi núi non hiểm trở bên là vách đá dựng đứng, bên là vực sâu.
Đặc biệt, chỗ ấy có một cái hàm đá khổng lồ (người Thái gọi là Ải Lậc Khậc) cứ ngấp đi ngấp lại như miệng cá sấu khiến không ai đi qua nổi (địa danh này có tên tiếng Tày là coóng kéng, nghĩa là cửa trời).
Trong cơn tuyệt vọng, đoàn người bỗng dưng nghĩ ra cách chặt những cây cỏ hôi (cây cứt lợn) bó thành nhiều bó ném vào Ải Lậc Khậc khiến cho hàm đá không ngấp đi ngấp lại nữa và mọi người vượt qua được cửa ải. Đi tiếp nửa ngày đường thì người Thái bỗng trông thấy trước mặt là bãi bằng rộng lớn và nơi ấy có một vùng nước lớn nên họ gọi đó là Ao Luông hoặc có người cho rằng tên cổ là Nặm Luông, nay thuộc địa bàn thôn Ao Luông và nhiều thôn khác của xã Sơn A rồi định cư tại đó cùng với người mol, mọn (người Mường) bản địa.
Khi mọi người đã tạm ổn định cuộc sống nơi đất mới, Tạo Ngần trở lại quê cũ sinh sống. Tạo Xuông ở lại sinh được Tạo Lò. Tạo Lò có bảy người con trai gồm con cả là Ta Đúc, tiếp theo là Ta Đẩu, Lặn Ly, Lạng Ngoặng, Lạng Quặng, Lò Ly, Lạng Chượng.
Xét theo đặc thù văn hóa cổ xưa của người Thái ta thấy, người Thái rất thích cư trú ở những nơi đất bằng mà phía trước làng bản có nhiều sông suối; lưng tựa vào núi đá. Bởi thế, trong văn hóa dân gian Thái có rất nhiều phong tục, tập quán liên quan đến nước, nguồn nước như: hồn người chết phải trải qua tục tắm lửa, tắm thác nước ở Đông Quái Ha (rừng hồn trâu) tại xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ trước khi hồn về với mường trời. Cùng đó là tục té nước trong hội xuân; tục cúng thuồng luồng; cách chế biến các món ăn về cá trong nghi lễ cưới hỏi; hình ảnh suối nước trong dân ca, dân vũ Thái…
Từ những những đặc thù cư trú và văn hóa dân gian Thái ta thấy, địa bàn các thôn: Bản Viềng, Bản Vãn, Bản Cóc… quanh khu vực cánh đồng Ao Luông rộng lớn hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu này để Tạo Xuông khi di cư về đây đã chọn vùng này để định cư.
Bởi lẽ, khu vực Ao Luông chính là điểm hợp lưu của tất cả các con suối lớn nhỏ đổ về vùng Mường Lò. Hơn thế, từ khu vực phường Pú Trạng kéo mãi lên đến thị trấn Nông trường Liên Sơn là một vùng đồi thấp mà đứng ở nơi đó sẽ nhìn bao quát toàn bộ vùng Mường Lò và đây cũng là địa bàn canh tác nương rẫy rất thuận lợi và cho họ các sản vật tự nhiên từ rừng.
Trở lại vấn đề Tạo Lò phân chia lãnh địa cho các con, trong truyền thuyết của người Thái kể lại rằng, khi các con trai đã trưởng thành, Tạo Lò chia cho Ta Đúc (con cả) cai quản Mường Lò gồm các xã: Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi bao gồm cả địa bàn các phường của thị xã Nghĩa Lộ ngày nay và cây đa ở thôn Bản Viềng là hướng cai quản của Ta Đúc.
Cây đa Bản Vãn là dấu mốc hướng lãnh địa của Tạo Chạ, tức Ta Đẩu (con thứ 2) cai quản vùng Mường Cha (mường Chà) gồm các xã: Phúc Sơn, Hạnh Sơn, Thanh Lương, Thạch Lương và cả huyện Trạm Tấu. Lặn Ly (con thứ 3) cai quản đất Mường Gia, bao gồm địa bàn các xã: Sơn A, Sơn Lương, Sài Lương, Nậm Lành, Nậm Mười, Sùng Đô… ngày nay và cây đa ở thôn Bản Cóc chính là dấu mốc hướng lãnh địa của Lặn Ly. Lạng Ngoặng và Lạng Quạng là các con tiếp theo được giao cai quản từ vùng Cửa Nhì, thị trấn Sơn Thịnh trở ra các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn.
Lò Ly (con trai thứ 6) được giao cai quản Mường Min từ xã Gia Hội lên Tú Lệ và cả huyện Mù Cang Chải. Con trai út là Lạng Trượng phải đi xa hơn nhưng sau này cai quản địa bàn rộng lớn gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu ngày nay. Riêng xã Phù Nham có tên cổ là Chiềng On, nghĩa là vùng cửa ngõ nên Tạo Lò không chia cho người con nào cai quản.
Từ việc phân chia lãnh địa, hé lộ thông tin, vì sao con cả Ta Đúc được phân chia cai quản vùng thuận lợi nhất và lại có tên là Mường Lò ngay trên địa bàn liền kề với khu vực Ao Luông? Điều đó cho thấy, theo luật tục xưa thì con trai cả nhất thiết phải ăn ở theo cha mẹ ngay nơi gốc gác ban đầu cư trú. Cùng đó, tại địa điểm đầu đường vào thôn Bản Vãn, thôn Ao Luông - nơi tiếp giáp quốc lộ 37 hiện còn 2 tảng đá vát nhọn đặt ở 2 bên đầu đường và không biết có từ khi nào vẫn được nhân dân ở đây thắp hương khấn vái trong những ngày tuần tiết. Rất có thể, đây là 2 tảng đá thiêng được đặt nơi cửa ra vào của một trung tâm dân cư giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng người Thái xưa kia.
Địa danh Bản Viềng ở đây, theo tiếng Thái (viềng) có nghĩa là thành lũy cũng lại cho ta thêm dữ liệu nghĩ về nơi cư trú của Tạo Lò. Thêm nữa, vì sao Tạo Lò lại trồng 3 cây đa chỉ hướng lãnh địa của các con ở nơi này? Cũng là căn cứ để ta thêm liên tưởng đến giả thuyết vùng Sơn A chính là nơi cư trú của thủ lĩnh Tạo Xuông đưa người Thái từ phương Bắc về đây cư trú…
Tuy nhiên, các viện dẫn kể trên chỉ là những vấn đề mang tính giả thuyết. Vì vậy, để có cơ sở khẳng định chính xác đây có phải nơi định cư đầu tiên của Tạo Xuông hay không? Chắc chắn, cần phải có những nghiên cứu khoa học cơ bản về khảo cổ học, dân tộc học, nghiên cứu thư tịch cổ của người Thái và thư tịch Hán cổ… thì mới sáng tỏ được những thông tin chính xác nhất.
Hoàng Nhâm