Cái địu hoa văn ấy là điểm tựa, là nơi hạt giống nảy mầm xanh. Một cái địu nhỏ nhoi, đơn giản lại cho tôi những hạnh phúc lớn lao.
Thời đó còn khó khăn, ngày mẹ tôi được làm bà ngoại, mẹ khấp khởi đi chợ phiên xa để tìm mua được cái mặt địu hoa văn của người Tày và hai mét vải đen để khâu thành cái địu, mẹ bảo: "Khâu địu phải làm xong trong ngày, khâu tới, không lui mũi kim để sau này đứa trẻ mới khôn ngoan, thông minh, mạnh khỏe. Chín tháng mười ngày, chỉ có người mẹ mới cảm nhận được đứa con trong bụng đang cựa mình lớn từng ngày, từng tháng. Khi sinh ra như mầm cây được tách ra khỏi hạt giống, được mẹ nâng niu, chăm bẵm.
Ngày đầu tiên buộc dây địu qua ngang bụng, đặt đứa con lên lưng, vắt hai tay địu từ sau lưng qua lưng con, quàng lên vai mẹ, vắt chéo trước ngực, rồi lại luồn ra sau lưng con, vắt chéo hai lần, vòng qua dưới mông con và buộc trước bụng mẹ. Ôi, mới hay làm sao. Chiếc địu nhẹ nhàng, mềm mại ôm sau lưng con, thế là yên tâm lắm, mẹ con ở ngay bên nhau, mẹ tha hồ nấu cơm, quét nhà, hái rau, chăn gà…
Lâu lâu ngoảnh lại sau lưng nhìn con, lúc thì ọ ẹ, lúc thì cười toe toét, thế nào cũng đáng yêu. Con khóc, chỉ cần đưa tay ra đằng sau vỗ vỗ vào mông thì con yên tâm mà chơi, hai bàn tay nhỏ xinh xinh tha hồ "nặn bánh” sau lưng mẹ. Khi nghe tiếng thở đều đều là con đã thiu thiu ngủ. Người hàng xóm, cô, dì, chú, bác đi qua ai cũng muốn "yêu” một cái vào má rồi kéo cổ lên cho con ngủ ngon.
Lại nhớ ngày còn ở nhà trông em cho mẹ đi làm, phải vừa giã gạo vừa địu đứa em lên lưng cho nặng, đu dẫm cả hai chân lên cần cối mới nâng được đầu chày kia lên như cái bập bênh. Mỗi lần chày nện xuống cối gạo, phát ra âm thanh "oót… khỏe…” làm đứa em cười khanh khách trên lưng, lại càng muốn giã nhanh hơn không biết mệt. Bản tôi lúc đó ai cũng phải địu em cho mẹ đi làm.
Cái địu thường bà ngoại sắm cùng chiếc nôi tre cho cháu vào ngày đầy tháng. Mặt địu được làm từ bàn tay khéo léo, tỉ mỉ bằng tâm huyết và sự sáng tạo với những họa tiết mang triết lý sâu xa, như: nguồn gốc tổ tiên, tín ngưỡng, trời đất, muông thú, cỏ cây…
Thế hệ chúng tôi được mẹ địu trên lưng mà lớn khôn, giờ được cõng em vui ơi là vui. Cuộc sống như một dòng chảy hối hả không ngừng, đôi lúc ta cũng vô tình quên đi bao điều bình dị thân thương. Chiếc địu với những hoa văn cho ta tìm lại khoảnh khắc ngọt ngào trong trẻo ấy. Chẳng có ống kính nào lưu lại những kỷ niệm xa lắc mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim mình.
Lại thêm một mặt trời bé con sau lưng, ấm áp làm sao giữa ngày giá rét, con ngủ ngoan như nằm trong bụng mẹ. Con lớn lên cùng chiếc nôi dưới mái nhà sàn và lời ru "Noọng ứ noọng nòn…”; cùng chiếc địu qua bốn mùa, con trên lưng theo mẹ đi làm. Trên lưng mẹ, con bắt đầu nhận biết cuộc sống từ cây, cỏ, hoa, lá, mây trời, chim muông, mưa nắng… Trên lưng mẹ, con bập bẹ gọi cha, gọi mẹ, gọi người thân trong gia đình. Còn với mẹ, hạnh phúc biết bao mỗi lần ngoảnh lại sau lưng thấy cái miệng xinh xắn của con nhoẻn cười.
Khi hai con ra đời, cõng trên lưng mẹ, con như mặt trăng vành vạnh tỏa sáng sau lưng. Tiếng bi bô, ê a non nớt trên lưng cũng thỏa ước mơ của mẹ về những điều viên mãn. Lớn hơn một chút, con biết ngồm ngoàm bò đi lấy chiếc địu đặt lên lưng mẹ, đòi mẹ cõng lên lưng, khi ấy từ trên lưng mẹ, con sẽ nhìn thấy thế giới bao la, kỳ diệu, thỏa ước mơ trong trẻo của trẻ con. Nhớ những lần chuyển mùa, con ốm, sốt, mẹ địu con lớn trên lưng, ôm con nhỏ trong lòng như hòn than.
Giờ ngoảnh lại sau lưng, mẹ đã thấy những sợi tóc pha sương, các con đã trưởng thành. Mỗi con theo đuổi một ước mơ, một nghề nghiệp, vững bước đi lên như mũi chỉ, đường kim của bà ngoại khi khâu địu cho cháu xưa kia.
Niềm mong ước của bà ngoại đã thành hiện thực, còn bà đã đi xa. Mẹ ngồi ngắm nhìn bầu trời cao và rộng, ngỡ như tiếng cười giòn tan thơ ngây trong vắt của con vẫn còn đọng trên lưng. Mẹ thầm cầu mong, tất cả những người phụ nữ Tày được cõng con trên lưng bằng chiếc địu hoa văn, để mỗi khi ngoảnh lại, thấy hạnh phúc đong đầy, thấy cả hồn dân tộc.
Hoàng Thị Na (Thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình)