Quang Bộ - Người họa sĩ, chiến sĩ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/12/2020 | 7:59:34 AM

YênBái - Mỗi người đến với nghệ thuật bằng một con đường. Có người, ngay từ tác phẩm đầu tay đã để lại những ấn tượng không thể phai mờ, trong ký ức của bạn bè và đồng nghiệp. Có người, phải đi suốt cuộc đời mới tìm ra cái đẹp vĩnh hằng mà chỉ nghệ thuật mới có thể đem lại. Với Quang Bộ, trước khi trở thành họa sĩ, anh đã từng là một người lính cầm súng và đánh giặc, trong khoảnh khắc đau thương và oanh liệt nhất của dân tộc.

Tình cờ tôi gặp lại Quang Bộ tại nhà riêng, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Anh lặng lẽ ngồi bên giá vẽ. Nét mặt trầm tư, hằn sâu những nếp nhăn của một thời trận mạc. Duy chỉ có đôi mắt vẫn còn ẩn chứa những đam mê. Quang Bộ vừa vẽ vừa kể cho tôi nghe câu chuyện của một thời chiến trận. Gần 200 ngày đêm khoác ba lô vượt Trường Sơn, trong mưa rừng và sốt rét, Quang Bộ đã đến với đồng bằng sông Cửu Long. 

Nơi đây, anh đã gặp những bà má Hậu Giang, những bà mẹ tay không đánh Mỹ làm nên đồng khởi Bến Tre, làm nên những chiến công trên dòng sông Vàm Cỏ. Cái phóng khoáng trong tính cách và những chiến công oanh liệt hào hùng của người dân Nam Bộ đã thôi thúc Quang Bộ phải làm một cái gì đó để ghi lại, giữ lại. 

Anh đã vẽ bằng tất cả lòng say mê nghề nghiệp và tình yêu người lính. Rất nhiều ký họa của anh đã ra đời còn nóng hổi không khí của trận mạc, không khí của những ngày đấu tranh cách mạng mà cho tới nay, hơn bốn mươi năm đã qua, lớp bụi của thời gian vẫn không thể xóa nhòa cái chân lý vốn có, mà dân tộc ta đã phải trả giá để có được hạnh phúc hôm nay.

Hơn mười năm sống ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, anh chiến sĩ giải phóng quân, họa sĩ Quang Bộ từng nếm trải và chứng kiến những trận càn và pháo kích suốt ngày đêm của Mỹ ngụy. Có biết bao nhiêu lần giặc Mỹ đã ném bom hủy diệt, cùng với việc rải thảm chất độc hóa học, trong những vùng giáp ranh mà Quang Bộ và đồng đội của anh đã phải hứng chịu. Chính nơi đây, anh đã bị bom napan và chất độc hóa học làm tổn thương thân thể. 

Vào những năm tháng này, anh đã có dịp đi và vẽ. Khẩu súng và cây bút của anh đã cộng hưởng nên những chân dung đồng đội. Gần một phần tư thế kỷ đã đi qua. Đất nước đã thanh bình, vậy mà, những đồng đội mà Quang Bộ đã vẽ không còn nữa.

Ngừng tay vẽ, anh Bộ dẫn tôi đi xem phòng tranh. Từ hàng trăm những ký họa chiến trường, Quang Bộ đã có nhiều tác phẩm hội họa về hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân trên đường ra trận. Với tác phẩm "Đường Trường Sơn” tranh của anh đã thật sự rạo rực cuốn hút bởi những mảng màu linh hoạt. Màu vàng trong tranh được bố cục một cách khéo léo, tạo ra không gian trong tác phẩm như đượm đầy ánh sáng. Bức tranh như có âm thanh đồng vọng vang xa.

Ngày Tổ quốc toàn thắng, mang trên mình những vết thương chiến tranh, Quang Bộ đã nhiều lần trở về quê hương miền trung du, bên dòng sông Thao - nơi anh sinh ra và lớn lên để gặp lại mẹ, cha, cô, bác; gặp lại dòng sông đã tắm mát cả đời mình, gặp lại cánh đồng làng mà tuổi ấu thơ anh đã từng mò cua, bắt ốc. Nơi ấy có mái đền Âu Cơ cổ kính, một trong những di tích văn hóa của quê hương đất Tổ. Tất cả, những ký ức của tuổi thơ ngọt ngào và dữ dội đã tạo nên tâm hồn và phong cách trong mỗi bức tranh phong cảnh của anh.

Trước khi có một "Chiều Pha Long” ảo ảnh và huyễn hoặc. Một "Bản định canh” sống động và hiện thực như cuộc sống vốn có, Quang Bộ đã vẽ về vùng quê của mình, cái vùng quê ngào ngạt hương thơm của chè, của lúa. Thông qua cuộc chia tay bịn rịn, da diết của một đôi trai gái sắp sửa đi xa. Anh chọn bối cảnh này để bộc lộ tình cảm của mình đối với vùng quê yêu dấu, Quang Bộ đã thể hiện bút pháp của mình thật nhạy cảm. 

Không gian "Chiều Trung du” của anh thấm đượm chất đồng quê yên bình mà xao động, dịu dàng mà gấp gáp bởi sự cuốn hút của những mảng màu và nét vẽ phóng khoáng. Mê mải cho những bức tranh phong cảnh ra đời. Quang Bộ đã có mặt ở hầu hết các địa danh ở Tây Bắc: một Nghĩa Lộ uy nghi rộng lớn, một Bắc Hà trùng điệp, hay một Sa Pa thanh lịch. Để rồi bây giờ, anh có dịp dồn hết tâm huyết và tình cảm sâu nặng cho vùng hồ Thác Bà - một trong những điểm du lịch "xanh” của Yên Bái.

Lao động và sáng tạo không chỉ với tư cách công dân mà còn với tư cách của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Nhà triển lãm thông tin cổ động trước đây, nơi anh trực tiếp làm giám đốc, trước yêu cầu cấp bách của đời sống xã hội, những năm qua đã cho ra đời khá nhiều tranh cổ động, cùng với những khẩu hiệu, áp phích ca ngợi cuộc sống lao động chiến đấu của nhân dân các dân tộc Yên Bái. 

Bằng hình thức tuyên truyền của mình, tranh của Nhà triển lãm trong đó có tranh của họa sĩ Quang Bộ đã góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội; phấn đấu cho một Yên Bái giàu đẹp, văn minh và có bản sắc riêng. 

Để đạt được những thành công trong nghệ thuật Quang Bộ đã phải dành khá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, học hỏi. Những bài học về nghề nghiệp của những danh họa lớn, đã soi sáng cho anh có được những tri thức để ngày càng đến gần hơn trong việc khám phá cái bí hiểm vốn sâu xa của hội họa.

Cũng may thay trong cuộc đời sáng tạo của anh luôn có một gia đình thực sự hạnh phúc. Người vợ cùng quê với anh đã hiểu chồng mình. Chị đã chăm sóc anh bằng tất cả tình cảm vốn có trong trái tim phụ nữ. Và lớn hơn là chị đã hiểu anh qua mỗi điều anh nghĩ, mỗi công việc anh làm. Cái nết na đôn hậu của chị cùng với tấm lòng của bạn bè đồng đội đã góp phần thắp sáng lên ước mơ và nghị lực mà anh hằng ấp ủ, theo đuổi suốt cả cuộc đời chiến sĩ và họa sĩ, để có được thành công trong cuộc sống hôm nay.

Có thể, có những ước mơ của anh chưa đạt được. Nhưng những gì mà người họa sĩ - chiến sĩ đã từng để lại những vết thương không thể dễ lành lặn ở nơi chiến trường, cùng với những tác phẩm vẽ về chiến tranh mà anh đã có, sẽ tạo cho những sáng tác của anh đi đến thành công.

Quang Bộ - người họa sĩ - chiến sĩ không thể nào quên.
Ngọc Chấn

Các tin khác
Diễu hành tại Lễ hội Áo dài ''Hương sắc Tràng An''.

Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài và niềm tự hào về áo dài của hàng triệu người dân và phụ nữ Việt Nam nên áo dài xứng đáng được tôn vinh là một di sản văn hóa phi vật thể.

Ban tổ chức tặng hoa cho Hội đồng giám khảo.

Tiếp tục hành trình tìm kiếm tài năng diễn viên sân khấu trẻ, tối 9-12, cuộc thi "Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc - 2020" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, đã khai mạc tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Chí Tài ghi dấu ấn với khán giả bởi sự vui tính, hài hước

Hàng loạt diễn viên như Dương Thanh Vàng, Thanh Bình, MC Ngọc Châu, Tiến Luật, Thu Trang, Trương Thế Vinh... đã gửi lời chia buồn trên trang cá nhân trước sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Chí Tài.

John Lennon

Cứ vào ngày 8/12 hàng năm, người yêu âm nhạc thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày mất của ca sỹ huyền thoại John Lenon - chủ nhân của những bài hát mang đậm tính nhân văn và thông điệp hòa bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục