Bấy nay, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân Yên Bái nâng lên. Cơm áo gạo tiền không còn là nỗi lo, tinh thần bay bổng, nhảy múa, hát ca như tự khắc trở thành nhu cầu không thể thiếu.
Chuyện này diễn ra ở cả đô thị và nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao. Tất cả chung một niềm hứng khởi để đời sống văn hóa văn nghệ lan tỏa trong địa bàn dân cư, trong gia đình, khẳng định giá trị của những miền quê đáng sống.
Những cuộc vui karaoke giờ không chỉ diễn ra ở các điểm dịch vụ, họ đã đưa những dàn âm thanh hiện đại về từng hộ gia đình để ca hát. Bà con ta còn có thể biểu diễn livestream để cộng đồng mạng xã hội vui chung, bình luận rồi chia sẻ.
Mà đã vui là phải cùng vui! Nhà này vui hát với nhà kia chưa đủ, dân trong khu phố, trong thôn bản bảo nhau hình thành các đội văn nghệ. Những tiết mục múa, hát được dàn dựng nhờ các "nhân tố quần chúng”.
Người có năng khiếu hướng dẫn người mới tập, rồi họ tham khảo để chỉnh sửa cho nhau thành thục. Luyện để múa cho dẻo, hát thật say sưa để khi lên sàn diễn của làng ai cũng mang được niềm hứng khởi cho cộng đồng.
Những cuộc vui mừng xuân, mừng Đảng, mừng ngày lễ tết của dân tộc hay riêng việc làng việc xã là lúc anh chị em thể hiện tài năng. Những tràng vỗ tay không ngớt của bà con xóm giềng, của người dân trong làng trong xã làm tiết xuân trở nên tưng bừng, ấm áp.
Điều đó cũng chính là bà con chủ động góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới! Thế nên, trước tết này, trên 50% số xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Yên Bái giờ có hàng ngàn đội văn nghệ quần chúng ở các làng, bản, xã, phường, cơ quan, đơn vị với quy mô khác nhau. Không ít xã có hàng chục đội văn nghệ; nhiều địa phương đã tổ chức cả hội diễn, tạo điều kiện cho bà con đua tài. Một số đội văn nghệ cũng đã tìm được cho mình sự hướng dẫn của những người có nghề, những nghệ nhân của dân tộc mình.
Nhiều cách thức tổ chức hoạt động văn nghệ được làng xã thực hiện, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Ví như sinh hoạt dân vũ ở Đào Thịnh (Trấn Yên); các đội văn nghệ xung kích phục vụ du lịch ở Nghĩa Lộ, Lục Yên; lớp truyền dạy múa xòe của đồng bào Thái ở miền Tây, nhóm truyền dạy hát Khắp, Coọi của người Tày ở Lục Yên và vùng Đông hồ Thác Bà...
Thế mới đúng nghĩa là hứng khởi! Người dân vui, hứng khởi khi thấy những nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc mình đáng trân trọng biết bao! Dần dà, họ tìm cách gìn giữ, bảo tồn, phát huy và phát triển vốn văn hóa truyền thống mà tổ tiên để lại. Nhiều nghệ nhân đã bỏ công sức sưu tầm, phát triển và truyền dạy cho con cháu và những người trẻ những nét chữ cổ, tục vẽ tranh thờ, điệu páo dung, cách thổi sáo mũi, múa khèn Mông, thổi khèn bè hay nghề đan lát, nghề thêu may...
Sau hứng khởi là sự tự hào về bản sắc mà cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ và phát huy. Những câu lạc bộ hát dân ca Tày; câu lạc bộ tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày; câu lạc bộ dân ca, dân vũ Cao Lan được thành lập...
Nhiều trường học quy định các em mặc trang phục truyền thống; đưa các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian vào hoạt động trải nghiệm. Có trường học lấy khẩu hiệu em yêu văn hóa dân tộc mình làm đầu cho xây dựng trường học hạnh phúc, trường học du lịch…
Tất cả như tự nhiên hình thành làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; đồng thời, góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp, thân thiện của con người Yên Bái, đóng góp vào phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở các địa phương của tỉnh.
Còn nhớ, khi đóng góp về mục tiêu xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, có ý kiến cho rằng, cần bảo tồn phát huy di sản văn hóa gắn với quảng bá du lịch. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào của mỗi cá nhân, cộng đồng đối với các di sản, giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, người dân Yên Bái như đã hòa mình vào dòng chảy chung của dân tộc Việt Nam để thực hiện mục tiêu: "Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Từ những gì hứng khởi sau khi cuộc sống ngày càng ổn định, sung túc hơn, người dân Yên Bái đang tìm về giá trị văn hóa vốn có từ những thứ đơn giản là nhảy múa, hát ca. Chính họ đã và đang cùng nhau tiến thêm bước mới từ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện đến phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” như Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đề ra.
Xuân bàn chuyện Đảng, Đảng là mùa xuân - Đó là hứng khởi! Nhưng "bản sắc” đã có được từ hứng khởi trong đời sống tinh thần của người dân - điều đã được Đảng bàn và thống nhất mục tiêu: Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc...
Quang Tuấn