Tục thờ cúng các vị thần thời Hùng Vương ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/4/2021 | 8:49:00 AM

YênBái - Tục thờ cúng các vị thần thời Hùng Vương ở Yên Bái chủ yếu là thờ Đức Thánh Tản (Tản Viên Sơn Thánh); thờ Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương.

Màn trống hội tại Lễ hội đình Khả Lĩnh. (Ảnh: T.L)
Màn trống hội tại Lễ hội đình Khả Lĩnh. (Ảnh: T.L)

Truyền thuyết về ba vị thần này có khá nhiều huyền tích khác nhau, song phổ biến nhất kể rằng, Tản Viên Sơn Thánh (tên Tuấn) - anh họ của hai người em sinh đôi là Cao Sơn Đại Vương (tên Sùng) và Quý Minh Đại Vương (tên Hiển).


Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương có công lớn phù tá Tản Viên Sơn Thánh giúp vua Hùng chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi. Trong đó, Cao Sơn Đại Vương thống lĩnh bộ binh; Quý Minh Đại Vương thống lĩnh thủy binh. Sau này, về ngự trên núi Tản, Tản Viên Sơn Thánh được tôn phong là vị thánh đứng đầu trong "Tứ bất tử” hay còn gọi là "Đệ nhất tối linh” và được sắc phong "Thượng đẳng tối linh”. 

Còn Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại vương được sắc phong "Thượng đẳng thần”. Trên dãy núi Tản có 3 đỉnh núi cao, khá cân đối đứng kề bên nhau, dân gian tương truyền đỉnh cao nhất ở giữa tượng trưng Tản Viên Sơn Thánh, còn bên phải là Quý Minh Đại Vương, bên trái là Cao Sơn Đại Vương và trong ban thờ "Tam vị Thánh Tản” cũng sắp đặt như vậy. 

Do công lao to lớn của "Tam vị Thánh Tản”, nên ngoài đền thờ ở Ba Vì, rất nhiều địa phương vùng Bắc Bộ cũng lập đền thờ các vị thần này. Tuy nhiên, đền thờ thần Quý Minh Đại Vương chủ yếu ở vùng sông nước, vì dân gian tương truyền ngài là con của thủy thần và thống lĩnh thủy binh.

Ở Yên Bái, sử cũ hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ghi rằng, tại Yên Bái, Quý Minh Đại Vương được thờ chung "Tam vị” ở một số đình, đền (đình Mường A, đình cả Quy Mông, Đại Đồng Vũ Miếu). 

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, ngoài "Đại Đồng Vũ Miếu” đã chìm trong lòng hồ thủy điện Thác Bà thì việc thờ cúng các vị thần này còn được xác định ở khá nhiều đình, đền khác như: đền An Dũng ở xã Yên Hợp và đình Mường A, xã Ngòi A, huyện Văn Yên; đình và đền Quy Mông ở xã Quy Mông và đền Hóa Cuông ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên; đình Phúc Hòa ở xã Hán Đà và đình Khả Lĩnh ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình. 

Trong các đình, đền nêu trên, có nơi thờ riêng từng vị thần, nơi thờ chung "Tam vị” hoặc có nơi phối thờ Đức Thánh Tản hoặc Cao Sơn Đại Vương hay Quý Minh Đại Vương cùng với các vị thần khác và phúc thần ở từng địa phương. Các nghi lễ cúng tế, ngày tháng cúng kỳ ở mỗi đình, đền cũng tương đối khác nhau.

Cụ thể như, ở đình An Dũng, thuộc xã Yên Hợp, huyện Văn Yên được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 23, khi Lê Huy Chiêu lên làm Tri huyện Trấn Yên và thần tích của đình là thờ "Tam vị Thánh Tản”. Hàng năm, đình được nhân dân cúng kỳ nhiều lần gồm: tiệc xuân ngày 17 tháng Giêng; trung tiệc cúng vào ngày 17 tháng 7 âm lịch; thường tiệc vào ngày 13 tháng 8 và tiệc giải họa vào ngày 25 tháng 12. 

Đình Mường A hiện chưa xác định được xây dựng vào năm nào. Nhưng đình được nhân dân địa phương phụng thờ Tam vị Thánh Tản và ở vị trí cao nhất tại hậu cung hiện có 3 cỗ ngai thờ được sơn son thiếp vàng. Sau này, trong vùng nổ ra cuộc khởi nghĩa Giáp Dần (năm 1914) chống lại thực dân Pháp; do đó, nhân dân Mường A đã phối thờ hai vị thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa này là Phùng Trường Minh, Hoàng Minh Giám và vị trí đặt ban thờ ở phía bên phải đình theo hướng đi vào hậu cung.

Đình và đền Quy Mông theo những nghiên cứu gần đây xác định đình và đền được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, đây có thể là khung thời gian xây dựng đình hoặc là trùng tu lại đình, đền. Bởi lẽ, tại bản phó y sao ngày 6 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 2 (1850) được lưu giữ tại di tích đã ghi đình, đền Quy Mông thờ rất nhiều thần. 

Cụ thể, thờ Đệ nhất Quốc Chủ Thông Tản Viên Sơn Thần; thờ Đệ Tam Trấn Quốc Đại Vương; Đệ Tứ Phiên Quốc Đại Vương; thờ 18 vị văn võ lang quân và Đệ Nhất Thần Nông Thị Chi; thờ vọng Mẫu Đông Cuông; thờ bà Vương Mẫu Quế Hương công chúa và thờ bà Nguyễn Thị Hoa là người có công khai mở vùng đất nay. Hiện tại, đình, đền Quy Mông còn giữ được 11 sắc phong của một số vị vua triều Nguyễn.

Về cúng kỳ, đình, đền Quy Mông có lễ hội chính vào ngày 7 tháng Giêng; lễ hạ điền ngày 3 tháng 3; lễ đại tiệc Thu vào ngày 17 tháng 7; lễ cúng cơm mới vào ngày 9 tháng 9; lễ cấm của rừng ngày 25 tháng 12.

Đình Phúc Hòa ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình hiện chưa xác định chính xác được xây dựng từ khi nào, nhưng đây là ngôi đình thờ Tướng Công Đài Vàng Quý Minh Đại Vương; thờ Tướng Công Phò Mã Án Sát Đại Vương (Hoằng Công) và thờ Thánh mẫu Hồng Hoa công chúa (cháu vua Hùng Duệ Vương) là người có công đánh giặc ngoại xâm rồi về làng Phúc Hòa sinh sống, dạy dân canh nông, xây dựng trang ấp. 

Hiện, đình Phúc Hòa còn lưu giữ 1 sắc phong của vua Tự Đức, 2 sắc phong của vua Đồng Khánh.
Lễ hội chính của đình Phúc Hòa tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng; ngày 19 tháng 7 lễ giỗ Thánh mẫu Hồng Hoa; ngày 13 tháng 10 lễ giỗ Tướng Công Đài Vàng Quý Minh Đại Vương và Tướng Công Phò Mã Án Sát Đại Vương.

Đình Khả Lĩnh thuộc thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Di tích này gọi là đình, nhưng nhìn vào kiểu kiến trúc cổ hiện hữu thì ở đây không hề có không gian đặc trưng của đình là nơi hội họp làng xã, mà nó hoàn toàn là kiến trúc để thờ tự. Có thể, trước đây từng tồn tại song song một ngôi đình Khả Lĩnh, nên dân gian quen gọi chung là đình Khả Lĩnh.

Đình Khả Lĩnh thờ thần Cao Sơn Đại Vương và ông tổ họ Nguyễn - người có công khẩn hoang mở đất canh nông, nhất là việc trồng được thứ bưởi ngon nổi tiếng ở đất này từ thế kỷ XVII (bưởi Khả Lĩnh). Việc cúng kỳ ở đình được tổ chức vào ngày mùng 6, mùng 7 tháng Giêng và ngày 11, 12 tháng Tám. Cùng với đình Khả Lĩnh, còn có một ngôi đền nữa là đền Hóa Cuông ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên là hai nơi duy nhất chỉ thờ riêng Cao Sơn Đại Vương.

Thông qua việc thờ tự các vị thần thời Hùng Vương trong các đình, đền ở Yên Bái cho thấy, điểm nổi bật chung nhất trong tín ngưỡng, đó là tục thờ sơn thần và thủy thần của người Việt. 

Ngoài việc thực hiện các nghi lễ cúng tế, theo truyền thống từ xa xưa, vào những dịp lễ chính trong các đình, đền, dân làng còn tổ chức phần hội rất đặc sắc theo đặc trưng từng vùng kèm theo các hoạt động vui chơi như: đua thuyền, thi bơi vượt sông, đấu vật, chọi gà và đón các phường chèo, đội cung văn về hát, múa; đặc biệt là biểu diễn các tích truyện hoặc hát văn ca ngợi công đức của các vị thần...

Hoàng Nhâm

Tags Yên Bái các vị thần đền Khả Lĩnh tín ngưỡng

Các tin khác
Người dân từ khắp nơi hành hương về đền Hùng để dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.

Xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ mà điểm nhấn quan trọng là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào mùng 10/3 âm lịch hàng năm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chất chứa nội hàm biểu trưng của lòng thành kính, tri ân của con dân đất Việt với công đức các Vua Hùng - những người có công dựng nước.

Chương trình 'Hát Xoan làng cổ' - Sản phẩm du lịch đặc trưng tại Giỗ Tổ Hùng Vương 2021. Ảnh minh họa

Về dự Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021, du khách thập phương có dịp thưởng thức các làn điệu xoan cổ mượt mà, đằm thắm do chính các nghệ nhân và đào, kép trình diễn. Chương trình “Hát Xoan làng cổ” đã trở thành sản phẩm đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi về đất Tổ Phú Thọ.

Một tiết mục tham gia dự thi.

Chiều 19-4, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin về cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc - 2021 diễn ra từ ngày 22 đến 27-4, tại Rạp Xiếc trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ông Phạm Duy Khánh (trái) - Trưởng BTC cuộc thi cùng Hoa khôi Thể thao 2012 Lại Hương Thảo - Phó BTC và nhà thiết kế Ngô Nhật Huy - giám khảo.

Ban tổ chức Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2021 cho biết cuộc thi chấp nhận thí sinh chuyển giới và thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục