Dế Choắt là nghệ danh được rapper Châu Minh Hải - Quán quân Rap Việt 2020 lựa chọn khi theo đuổi con đường nghệ thuật.
Trong khi các rapper thường chọn nghệ danh tiếng Anh, anh lấy tên Dế Choắt vì cảm phục nhân vật trong truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài.
"Dế choắt thấp cổ bé họng nhưng cho dế mèn nhiều bài học, lấy được nhiều nước mắt của độc giả. Vì thế, tôi rất thích nhân vật này", anh nói trong khuôn khổ cuộc thi Rap Việt.
Trên sân khấu, Dế Choắt tôn vinh phận người nhỏ bé, những giá trị văn hóa truyền thống. Cuộc sống của Dế Choắt cũng truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Anh trưởng thành từ hè phố, từng làm đủ nghề vất vả để mưu sinh và cuối cùng thành công trên sân khấu lớn.
Sự trưởng thành của Dế Choắt chứng minh một điều, có những cuốn sách sẽ "thay thái độ, đổi cuộc đời" một con người.
Dế mèn phiêu lưu ký đã trở thành người bạn tuổi thơ của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Cuốn sách thấm đẫm tình yêu thương, ca ngợi lý tưởng hòa bình và tình bạn cao đẹp.
Tới nay, cuốn sách đã được xuất bản ở khoảng 40 quốc gia. Dế mèn phiêu lưu ký được trẻ em khắp nơi yêu thích cũng là minh chứng sinh động cho sự "không biên giới" của văn học.
Dế mèn phiêu lưu kí ban đầu có tên là Con dế mèn (là một tuyển tập gồm khoảng 20 truyện ngắn) được Nhà xuất bản Tân Dân phát hành vào năm 1941.
Sự đón nhận nhiệt tình của độc giả trong nước là động lực để nhà văn Tô Hoài bắt tay ngay vào việc viết tiếp Con dế mèn trở thành Dế mèn phiêu lưu kí như hiện nay.
Không ngoa khi nói rằng, Dế mèn phiêu lưu kí là tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam từ đó đến nay.
Bao nhiêu năm trôi qua, dế mèn không "già". Chú dế mèn vẫn luôn "trẻ". Chú dế mèn can trường mang giấc mơ của nhà văn Tô Hoài về một thế giới đại đồng "muôn loài cùng nhau kết anh em".
Tác phẩm còn gửi gắm thông điệp thế hệ trẻ phải ham học hỏi, biết ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực, quyết tâm hành động cho những mục đích cao đẹp.
Toàn bộ tác phẩm là quá trình trưởng thành của nhân vật dế mèn, cũng chính là sự thay đổi trong mỗi con người qua nhiều giai đoạn cuộc đời.
Tuổi trẻ có thể ta sẽ ngông cuồng, xốc nổi, bồng bột nhưng sau khi đã trải qua những thử thách, thậm chí va vấp, thất bại, sai lầm, chúng ta sẽ trưởng thành hơn, biết cho đi và sẻ chia nhiều hơn.
"Chí Phèo đòi lương thiện làm người. Dế mèn đi tìm thế giới cho người lương thiện"
Hội Nhà văn Hà Nội từng tổ chức cuộc tọa đàm về tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2012.
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khi ấy là Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên có một so sánh ít ai nghĩ đến: "Năm 1941, ngẫu nhiên trong văn học Việt Nam xuất hiện hai nhân vật: Dế mèn của Tô Hoài và Chí Phèo của Nam Cao. Chí Phèo đòi lương thiện làm người. Dế mèn đi tìm thế giới cho người lương thiện.
Cha đẻ của hai nhân vật là bạn thân của nhau. Bây giờ hậu duệ con cháu Chí vẫn đông khi tính thiện đang bị thách thức. Còn mèn có ngoái nhìn phía sau vẫn thấy ít bước chân đi tiếp".
Nhận định đó là thách thức cho thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay viết tiếp câu chuyện về những "hiệp sỹ" đời thực. Điều này càng đậm tính thời đại hơn giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Hơn lúc nào hết, người trẻ phải phát huy tinh thần xung kích trên tuyến đầu chống dịch.
Thanh niên Việt sẽ không phải những người nhút nhát không dám chống trả địch thủ, ốm yếu, sợ sệt trước kẻ thù là virus vô hình mà sẽ là những thanh niên cường tráng, khỏe mạnh, lạc quan, yêu đời như chú dế mèn.
Trên chuyến hành trình của dế mèn, chú đã gặp được rất nhiều người bạn, từ dế choắt, bọ ngựa đến dế trũi... Ẩn sau mỗi con vật nhỏ bé được nhân cách hóa là những bài học vô cùng sâu sắc, đắt giá cho cả loài người.
Dế mèn phiêu lưu ký là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Những câu nói kinh điển, truyền cảm hứng không thể không nhắc tới trong Dế mèn phiêu lưu ký:
"Tôi xấu hổ nhận ra trong đời mình chỉ mới khó khăn một tí mà đã sợ. Từ nay tôi hiểu rằng chán đời là tính xấu, kẻ chán đời nghĩ là ta cao thượng, nhưng thật không cao thượng chút mà chỉ là trốn việc rong chơi".
"Hỡi ôi! Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng: ngày hí húi đào bới đất làm tổ, đêm thì đi ăn uống và tụ tập chúng bạn nhảy múa dông dài. Tôi không muốn cho đến lúc nhắm mắt vẫn phải ân hận chẳng biết là cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đấy ra sao".
"Ngày nào, cuộc đi mới ấy, cuộc phiêu lưu rời quê hương lần thứ ba ấy xong, bấy giờ, chúng tôi mới thực sự được la đà theo bước chân mình. Đó sẽ là cuộc phiêu lưu hòa bình, chúng tôi sẽ để hết thì giờ xem xét phong tục, nghiên cứu văn hóa và thổ ngơi từng vùng. Chúng tôi có thể thành nhà khảo cổ, nhà địa lý, nhà kinh tế, nhà thơ nổi tiếng cũng nên".
"Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy!"
"Tôi hiểu rằng không nên chỉ xem vẻ bề ngoài mà coi thường ai một cách hồ đồ như vậy".
"Những gã xốc nổi thường lầm những cử chỉ ngông cuồng là tài ba".
Bắt đầu từ năm 2020, lần đầu tiên ở Việt Nam, một giải thưởng nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc của thiếu nhi đã ra đời và được đặt tên Dế Mèn.
Cơ cấu giải thưởng bao gồm giải thưởng lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn và một số giải Khát vọng Dế Mèn. Nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ tên gọi Dế Mèn, giải thưởng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa và gần gũi. Bởi tên gọi Dế Mèn mang nhiều ký ức đẹp với tuổi thơ Việt, có sức sống trường tồn qua nhiều thế hệ.
Câu chuyện do nhà văn Tô Hoài kể lại trong buổi phỏng vấn với NXB Kim Đồng vào năm 2012, nhân kỷ niệm 70 năm xuất bản tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký chắc chắn sẽ là bài học quý giá về tinh thần cầu thị cho những người cầm bút trẻ.
(Theo Dân Trí)