Một "Bão ngầm" rất khác
- "Bão ngầm" vừa lên sóng đã lập tức cuốn hút khán giả từ những thước phim đầu tiên và trở thành chương trình truyền hình được đón chờ nhất hiện nay. Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào đã khiến anh cho ra đời kịch bản đặc sắc này?
Tôi nguyên là một cảnh sát hình sự, từng kinh qua nhiều vị trí như trinh sát ma túy, điều tra trọng án đến điều tra tội phạm công nghệ cao. Hành trình 20 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu đã đọng lại trong tôi rất nhiều kỉ niệm.
Tôi được trải nghiệm nhiều thang bậc cảm xúc, những thời khắc cam go, khốc liệt đối diện với tội phạm. Mặc dù đã chia tay lực lượng chiến đấu để trở thành một nhà văn của Bộ Công an, tôi vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ về đồng đội cùng những trận đánh, những kỉ niệm của một thời hoa lửa.
Khi chuyển từ Phòng Cảnh sát hình sự sang báo Công an Nhân dân, năm 2015, tôi viết tiểu thuyết "Bão ngầm" nhằm tôn vinh chiến công thầm lặng của những người lính trên mặt trận đấu tranh, bài trừ tội phạm ma túy. Tác phẩm sau đó đoạt giải cao nhất trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết về đề tài vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống. Tại lễ nhận giải, rất đông anh em Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội đã đến chúc mừng và "xui" tôi viết phim để kể được nhiều hơn.
Từ một người có vốn kiến thức số 0 về điện ảnh, tôi đã cặm cụi viết trong 2 năm và cho ra đời kịch bản "Bão ngầm".
- "Bão ngầm" đem đến hình ảnh người cảnh sát rất khác so với các bộ phim cùng thể loại trước đây. Lý do nào khiến anh tạo ra sự "đột phá" này?
Giản dị một điều người viết phim là một trinh sát nên sẽ kể được thật hơn, sâu hơn về những thứ xảy ra trong đời sống này. Trong bộ phim, tôi không lên gân lên cốt nhiều. Bộ phim của tôi dân dã từ lời thoại cho tới hành động. Thậm chí có nhiều ý kiến nhận xét rằng, sao để công an nói chuyện bỗ bã thế.
Hội đồng duyệt phim cũng cảm thấy khá sốc. Tuy nhiên, đó lại là con người thực của chúng tôi. Anh em trong ngành chúng tôi vẫn thân thiết, gần gũi như thế. Đôi khi có thể gọi nhau là ông - tôi, bố - con, hay thậm chí là "đại ca", sinh hoạt vui vẻ như gia đình.
Có những bộ phim xây dựng hình ảnh công an như một ông giáo làng, dũng cảm trong chiến đấu, đời tư thanh bần, suốt ngày ăn mỳ tôm… Những hình ảnh ấy cố tô hồng cho lực lượng cảnh sát nhưng chúng tôi lại cảm thấy không đúng là mình.
Hình ảnh người cảnh sát trong phim tôi không giống như thế. Tôi đang xây dựng hình ảnh cảnh sát như những con người rất đời. Sau phút đấu trí, cân não căng thẳng với kẻ thù, họ cũng có thể đi bar "xõa" cùng anh em, bạn bè. Rồi những thước phim quay cảnh mẹ con Hải Triều ngồi thở ngắn than dài lo cho người chồng người cha đi biền biệt mấy tháng không về là chuyện có thể gặp ở bất cứ gia đình cảnh sát nào. Hay chuyện bố là cảnh sát hi sinh con bước tiếp lý tưởng của bố.
Trong bộ phim, tôi không chỉ tả về những chiến công mà còn tả về những góc khuất đời thường của người lính công an rất ít người biết. Anh em đa phần như gia đình Hải Triều, ai cũng có một niềm say mê cống hiến, khám phá. Mỗi một vụ án với chúng tôi là mỗi bài toán khó kích thích cái tôi của người lính.
TS Đào Trung Hiếu tham gia cố vấn một cảnh quay
- Như anh chia sẻ, "Bão ngầm" không phải do người khác tưởng tượng về lực lượng cảnh sát mà do chính người làm trong ngành như anh viết. Đây là một lợi thế nhưng phải chăng cũng là áp lực?
Tôi sợ nhất là khi phim chiếu đồng đội gọi điện… chửi: "Tưởng thế nào, hóa ra mưu hời hợt, kế thì lởm". Rất mang tiếng. Ngay từ đầu, tôi xác định không làm thì thôi, đã làm thì phải kể câu chuyện một cách tử tế.
Sau khi phim phát sóng, rất đông anh em trong lực lượng ma túy và lực lượng hình sự xem xong tập 1, tập 2 đã nhắn cho tôi chia sẻ rằng họ rất vui vì nhìn thấy mình ở trong đó. Nhiều người còn bảo: "A, thằng Hiếu đang kể chuyện của mình". Trong những thước phim mà các bạn đang xem, có nhiều câu chuyện của tôi và đồng đội trước đây. Chúng tôi từng lang thang nhiều ngày như Hải Triều để lần ra các mắt xích của đường dây ma túy.
Tác giả kịch bản cùng một số diễn viên tham gia "Bão ngầm"
Cố ý gây sốc nhẹ
- Ngay từ đầu phim, người xem đã được chứng kiến những cảnh khá rùng rợn như ngáo đá giết người, sau đó là các cảnh đánh đấm dày đặc. Nhiều ý kiến cho rằng, bộ phim quá nhiều cảnh bạo lực, dễ tiếp tay cho tội phạm. Anh có bình luận gì về ý kiến này?
Mặc dù đã tiết chế rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn nhận được những ý kiến cho rằng yếu tố bạo lực hơi nhiều. Tuy nhiên thành thật mà nói, "Bão ngầm" là bộ phim mô tả về đời sống trong thế giới ngầm nên không thể không mô tả sự khốc liệt của nó.
Nếu để ý kỹ thì có thể thấy đạo diễn đã chọn các góc máy mô tả biểu hiện chuẩn bị và kết thúc chứ không đặc tả những hành động tội ác. Các góc quay chỉ lướt qua. Ở cảnh quay đầu, chủ ý của đạo diễn là muốn gây sốc nhẹ để mọi người thấy được tác hại của ma túy, thứ hai là thấy được cuộc chiến khốc liệt mà người lính phải dấn thân.
Nội dung "Bão ngầm" tôn vinh công an thì đương nhiên phải kể về tội phạm và hành vi của chúng, nếu không công an lấy đất đâu mà thể hiện. Tội phạm càng nguy hiểm, càng tinh vi thì những người chiến thắng càng vĩ đại. Ngoại trừ những tập đầu, càng về sau thì cảnh bạo lực càng ít, thay vào đó là những màn đấu trí, đấu mưu.
Nói chung, để cho bộ phim được trình chiếu một cách an toàn, chúng tôi đã chấp nhận cắt và lược bớt đi nhiều phân đoạn. Nhiều chi tiết khốc liệt đã phải làm mờ đi.
Phân cảnh bạo lực trong "Bão ngầm"
- Ngoài nội dung đấu tranh tội phạm, "Bão ngầm" còn không ngại nhắc đến những cuộc đấu đá nội bộ, những ung nhọt trong ngành. Anh có sợ rằng mình đang "vạch áo cho người xem lưng" và liệu anh có bị ai phản ứng về nội dung này?
"Bão ngầm" là câu chuyện về 3 cuộc chiến đấu trong 1: Cuộc chiến đấu bài trừ tội phạm, chiến đấu làm trong sạch nội bộ và đấu tranh trong tư tưởng, nội tâm người lính để giữ gìn sự liêm chính.
Trên thực tế những năm qua có hiện tượng một số cá nhân trong lực lượng của chúng tôi không giữ được phẩm chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa, sau đó bị xử lý. Câu chuyện này cần phải được mô tả và lý giải. Nếu tôi cố tình lờ đi thì khán giả sẽ quay lưng lại với bộ phim vì tôi không dám kể sự thật.
Khi đặt bút viết kịch bản, tôi biết, mình cần phải mô tả thế nào để những mảng tối đó không làm ảnh hưởng tới cái nhìn của công chúng về lực lượng công an nhân dân.
Sau khi phim khởi chiếu, cũng có người gọi cho tôi hỏi về việc vì sao đưa nhân vật phản diện trong ngành lên sóng. Tôi nói rằng, bộ phim tôn vinh chiến công của lực lượng cảnh sát và cũng tôn vinh những tấm gương liêm khiết dũng cảm đấu tranh bài trừ khỏi bộ máy những thành phần thoái hóa biến chất.
Mặc dù tôi là một chiến sĩ công an nhân dân nhưng tôi không ngại đề cập đến khía cạnh nhạy cảm này. Tôi có nhiệm vụ thể hiện nó ở mức độ phù hợp để người xem hiểu được rằng có những cuộc "vận động" ngầm như vậy.
TS Đào Trung Hiếu tham gia khảo sát bối cảnh ở Hạ Long, Quảng Ninh
Huy động cả tiểu đoàn cảnh sát cơ động đóng phim
- Bộ phim phát sóng, anh đã nhận về những lời khen chê thế nào?
Một bộ phim được đông đảo khán giả cả nước xem đương nhiên là sẽ nhận được nhiều lời khen chê. Đại đa số khen rằng đây là lần đầu tiên họ được thấy bộ phim hình sự Việt Nam mà làm như phim hình sự nước ngoài, tiết tấu nhanh, hình ảnh công phu đầu tư hàng triệu đô la, 70% là ngoại cảnh, khó đoán diễn biến.
Tuy nhiên, cũng có điểm đáng tiếc ở khâu lồng tiếng của một số nhân vật như nữ chính Lam Hạ (diễn viên Cao Thái Hà) hay vợ ông Tuất (diễn viên Đinh Y Nhung). Vì bối cảnh bộ phim ở phía Bắc, vậy nên chúng tôi buộc phải lồng tiếng cho những diễn viên nói giọng miền Nam này. Khâu lồng tiếng đúng là chưa được như ý, đôi khi khiến người xem cảm thấy "giả trân", thiếu cảm xúc.
TS Đào Trung Hiếu huy động cả tiểu đoàn cảnh sát cơ động đóng phim
- Bộ phim có những đại cảnh vô cùng hoành tráng, đặc biệt là những phân đoạn mô tả các cuộc tấn công… Anh có thể tiết lộ những con số ấn tượng khi quay "Bão ngầm"?
Đầu tiên phải kể đến lực lượng diễn viên, như một đại dự án phim nước ngoài. Riêng diễn viên có tên là 200 người, diễn viên quần chúng thì vô kể, cực kỳ đông. Chúng tôi huy động cả tiểu đoàn cảnh sát cơ động đóng phim.
Đối tượng tội phạm là chủ tập đoàn kinh tế lớn nên bối cảnh quay phải sang trọng. Trong phim, chúng tôi đã huy động du thuyền, dàn xe siêu sang, thậm chí là được bạn bè "bao" những căn phòng tổng thống có mức phí 2000 đô 1 đêm để quay các bối cảnh cho nhân vật ông trùm.
- Anh có bất ngờ về hiệu ứng mà bộ phim đem lại không? Điều gì khiến anh cảm thấy hài lòng nhất?
Khi bộ phim lên sóng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì đứa con tinh thần của mình được đến với khán giả cả nước trong khung giờ vàng. Và hạnh phúc hơn cả là tôi cảm thấy sự hi sinh thầm lặng của những người lính, của đồng đội lần đầu tiên được kể một cách tương đối kỹ càng (trong giới hạn cho phép). Thực tế, bộ phim chỉ là những nét chấm phá về hành trình phá án, về sự gian khổ, mưu lược, lòng gan dạ của những trinh sát mà tôi đã từng là một trong số đó.
- Cảm ơn anh! Chúc anh và đoàn phim gặt hái được thêm nhiều thành công với "Bão ngầm".
(Theo Dân trí)