Tiếng lòng được cất lên từ trái tim người lính

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/4/2022 | 7:49:49 AM

YênBái - Nguyễn Đăng Lộc đến với thơ khá muộn. Ở tuổi gần lục tuần - 1997 ông mới cho ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tiên “Vẫn xanh màu áo lính” và đến nay, ông ra mắt 4 tập thơ nữa là: Neo đầu nỗi nhớ, Đếm mưa, Trăng sáng mùa yêu, Biển trong tim.

Mặc dù đã gần 80 tuổi, ông Nguyễn Đăng Lộc vẫn miệt mài sáng tác văn chương.
Mặc dù đã gần 80 tuổi, ông Nguyễn Đăng Lộc vẫn miệt mài sáng tác văn chương.

Tuy nhiên, khái niệm sớm hay muộn không đồng nghĩa với sự thành đạt của thi ca. Trong thực tế, không ít những tác giả làm thơ rất sớm, vậy mà cho tới thời điểm này, thơ họ vẫn cứ "xanh” ngăn ngắt. Ngược lại, có những người vào thơ khá muộn, song tác phẩm thì lại "chín” đến… ngọt ngào. Nhưng vẫn sẽ là vội vàng nếu bảo thơ Nguyễn Đăng Lộc đã chín!... Với ông, điều đó hình như vẫn còn ở phía trước.

Lần nào gặp tác giả thơ Nguyễn Đăng Lộc, tôi cũng thấy ông chậm rãi, giản dị và đầy tâm huyết khi nói về văn thơ. Có lẽ nhờ thời gian trước khi quân ngũ ông là sinh viên Khoa Văn - Sử Trường Cao đẳng Sư phạm Thường Tín (Hà Nội) nên trong cách trò chuyện của ông luôn thật lôi cuốn, hấp dẫn người đối diện. Và lần này cũng vậy, ông hẹn tôi đến nhà riêng ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái để chia sẻ nỗi niềm sau khi chuẩn bị ra đời tập thơ thứ 6 mang tên "Long lanh hạt sương”

Từng là bộ đội thông tin và chiến sĩ hải quân - chuyên ngành vô tuyến - điện tử, cả cuộc đời gắn bó trong quân ngũ với những công việc chẳng liên quan gì đến văn chương, ít ai nghĩ rằng Nguyễn Đăng Lộc là một người yêu thơ và đã có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn với bạn đọc. 

Mặc dù Nguyễn Đăng Lộc đến với thơ chỉ như một "cuộc dạo chơi" nhưng thơ ông rất sâu sắc và dạt dào cảm xúc, bởi với Đăng Lộc - thơ chính là một người bạn tri kỷ để ông có thể gửi gắm những nỗi niềm, những suy tư và cảm xúc sâu kín từ đáy tim mình. 

Quê gốc ở xứ Đoài - Hà Tây (nay là Hà Nội) - vùng đất xinh đẹp, trù phú với những phong cảnh sơn thủy hữu tình, năm 1964, Đăng Lộc khi ấy mới 19 tuổi đã tạm gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào Đại đội Thông tin 18 - Trung đoàn 48 Thăng Long, Sư đoàn Đồng bằng 320, đóng quân tại Hà Đông. Sau đó một năm ông được cử đi học tại Trường Sĩ quan Thông tin Hà Bắc. Ra trường, ông được phong Trung đội Trưởng, Tiểu đoàn 1, E 205 - Bộ Tư lệnh Thông tin.  

Nhờ có năng khiếu văn chương nên ngoài nhiệm vụ của một chiến sĩ thông tin, Đăng Lộc còn được giao thêm công việc phụ trách báo tường của Đại đội Sĩ quan Thông tin. Là một người lính trẻ lần đầu xa nhà, Đăng Lộc cũng như bao chiến sĩ khác đều có chung tâm trạng: Đó là nhớ nhà, nhớ người thân và mơ ước một ngày không xa quê hương sẽ sạch bóng quân thù. Những lúc như thế, Đăng Lộc lại tìm đến với thơ để gửi gắm cảm xúc trong tâm hồn mình. 

"Thời ấy" là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Đăng Lộc. "Thời ấy" chính là cái thời tuổi trẻ hồn nhiên trong sáng nhưng cũng đầy khát khao mơ ước: Cái thời tôi chưa biết yêu/ Như nâng cánh mỏng con diều gió lên/ Cái ngày dễ nhớ mau quên/ Chỉ riêng cánh cửa con tim khép hờ

Vẫn như là trẻ thơ với tâm hồn bay bổng, dạt dào cảm xúc yêu thương, nhưng khi đất nước bị dày xéo bởi gót giặc xâm lăng, những người con trẻ tuổi đầy nhiệt huyết ấy đã không quản ngại khó khăn gian khổ, tình nguyện khoác ba lô lên đường nhập ngũ với quyết tâm chiến đấu cho ngày quê hương giải phóng: Nhớ đêm Văn Miếu đọc thơ/ Hồn tôi sóng sánh tới bờ biển xanh/ Khói bom ập tới - chiến tranh/ Xếp bút nghiên thoắt trở thành lính ngay/ Đi cứu nước súng cầm tay/ Ba lô nặng trĩu đong đầy gió sương... 

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - chuyên ngành Vô tuyến Viễn thông, Đăng Lộc được phân công công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân (Hải Phòng), sau đó giữ chức Phó Chủ nhiệm Thông tin liên lạc vùng 5 Hải quân, đóng quân ở miền Nam. 

Cuộc đời binh nghiệp nay đây mai đó của người lính đã đưa Đăng Lộc đến với nhiều vùng đất, nhiều công việc khác nhau, khi là chiến sĩ thông tin, khi là chiến sĩ hải quân, lúc đóng quân ở miền Bắc, lúc lại chuyển vào Nam, lúc làm chuyên gia ở nước bạn Cam-Pu-Chia. Người lính lúc nào cũng ở tâm thế sẵn sàng, cứ có lệnh là lên đường. 

Vào Nam ra Bắc, cuộc sống, công việc của một người lính rất bận rộn, Đăng Lộc ít có thời gian dành cho tình cảm riêng tư nên khi đã ngoài 30 tuổi, ông mới lập gia đình. Vợ ông là một người cùng quê nên dễ cảm thông và chia sẻ với công việc của chồng. 

Bài thơ "Lời vợ lính” ông viết để nói về nỗi niềm nhớ nhung, mong đợi khi hai người xa nhau: Anh ra công tác vùng biển biếc/ Giường lạnh phòng riêng bỗng rộng ra/ Nhớ anh mòn mỏi - vầng trăng khuyết/ Thấu hiểu lòng mình lúc cách xa... Mặc dù rất yêu thơ nhưng do công việc quá bận rộn nên mãi đến lúc nghỉ hưu ông mới thực sự chuyên tâm với việc sáng tác với 5 tập thơ đã ra mắt và tập thơ "Long lanh hạt sương” chuẩn bị xuất bản. 

Đất nước đã sạch bóng quân thù mấy mươi năm rồi nhưng mỗi lần về thăm lại chiến trường xưa, Đăng Lộc lại không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ về đồng đội của mình. 

Trong một chuyến thăm quan tại huyện đảo Phú Quốc - nơi Đăng Lộc đã từng công tác, ông đã không kìm nén được cảm xúc khi đứng trước hàng bia mộ ghi tên đồng đội: Vẫn đứng trong đội ngũ các anh ơi/ Không thấy mặt chỉ thấy hàng bia trắng..

Nghĩ về đồng đội, Đăng Lộc lại nhớ về một thời chiến tranh gian khổ của đất nước: Chiến trường xưa chia nửa gian nan/ Mẩu khoai mì mớm nhau giành sự sống/ Đêm sốt rét - truyền nhau hơi ấm/ Hạt muối giữa rừng, sâu nặng một vùng quê... Đó chính là nghĩa tình đồng đội, là sự sẻ chia giữa những gian khổ hy sinh để người lính vượt qua tất cả và hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Đăng Lộc không trở về quê hương xứ Đoài mà lại gắn bó nốt phần đời còn lại của mình với Yên Bái, bởi nơi đây có tổ ấm thân thương của gia đình ông. Gần 30 năm gắn bó, Đăng Lộc ngày càng yêu mến và tự hào về mảnh đất này. Những con đường, hàng cây, góc phố đều quá đỗi thân thuộc và trở thành nỗi nhớ mỗi khi đi xa. Chính vì thế, ông đã dành cả một tập thơ để nói lên tình cảm với miền đất mà ông coi như quê hương thứ hai của mình. 

"Trăng sáng mùa yêu” là tập thơ gửi gắm những cảm xúc về mảnh đất xinh đẹp nơi cửa ngõ Tây Bắc, Nơi ấy có những "phố núi” chìm đắm trong sương, có những bà mẹ cõng con lên núi, có những phiên chợ rộn ràng tiếng khèn tiếng sáo, có những sắc màu lung linh thổ cẩm của đồng bào vùng cao mà ông đã bắt gặp trong những chuyến công tác. Và hơn hết, chính là tình cảm yêu mến, sự gắn bó tha thiết và niềm tự hào sâu sắc về thành phố Yên Bái anh hùng. Điều đó được thể hiện qua trường ca "Huyền thoại thời gian” viết về chặng đường lịch sử của Yên Bái từ những năm đầu của thế kỷ trước cho đến tận bây giờ. Mảnh đất ấy đã trải qua nhiều khó khăn thử thách nhưng ngày càng vững vàng trên con đường đổi mới. 

Sau rất nhiều trải nghiệm trong cuộc đời, người lính năm xưa nhận ra rằng: Mặc dù đến với thơ chỉ như một cuộc dạo chơi trong vườn nghệ thuật, mỗi bài thơ có thể không cầu kỳ về câu chữ nhưng phải chứa đựng được những cảm xúc chân thành và gần gũi với người đọc. Bởi vậy, thơ Đăng Lộc chính là tiếng lòng của tác giả khi viết về người lính, về quê hương và mảnh đất nơi ông đang gắn bó. Mặc dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm” nhưng Đăng Lộc vẫn hằng ngày cần mẫn chăm sóc mảnh vườn thơ của mình, bởi với ông, thơ chính là "tri kỷ”...

Quang Thiều

Các tin khác
Lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Nằm trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022, đúng 9h ngày 7/4 (tức ngày mùng 7/3 âm lịch), tại 7 xã, phường, thị trấn vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chính thức thực hiện nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ).

Fujiko A. Fujio.

Nghệ sĩ Fujiko A. Fujio, đồng tác giả truyện tranh 'Doraemon' qua đời ở tuổi 88.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 đã ban hành các quy định về việc giữ gìn trật tự trị an, phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện nếp sống văn minh tại khu vực Di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) trong thời gian tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Màn lễ tái hiện lại Chiến thắng Bạch Đằng. Ảnh tư liệu.

Ngày 7/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ hội truyền thống Bạch Đằng, kỷ niệm 1084 năm (938-2022), 1041 năm (981-2022) và 734 năm (1288-2022) Chiến thắng Bạch Đằng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục