Phim truyện điện ảnh “Bình minh đỏ”: Bài ca về những nữ chiến sĩ lái xe anh hùng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 30/4/2022 | 8:27:33 AM

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam vừa ra mắt khán giả phim truyện điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng “Bình minh đỏ”. Bộ phim là bản hùng ca về tinh thần quả cảm của những người nữ chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Cảnh trong phim
Cảnh trong phim "Bình minh đỏ".

Những nữ anh hùng

Theo đạo diễn, NSND Thanh Vân, "Bình minh đỏ” (tác giả kịch bản: Nguyễn Thị Minh Nguyệt) là bộ phim lấy cảm hứng từ hoạt động của một đơn vị đặc biệt: Trung đội nữ lái xe mang tên nữ Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh. Sau Tết Mậu Thân 1968, chiến sự ngày càng khẩn trương, ác liệt, nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để đào tạo lái xe vận tải phục vụ chiến trường. Những nữ lái xe anh hùng đó đã ngày ngày vượt hiểm nguy đưa bộ đội, hàng hóa vào chiến trường rồi đón thương binh ra khỏi vùng chiến sự...

Chuyện phim xoay quanh 4 nhân vật Châu, Hân, Sa, Thương là những nữ chiến sĩ lái xe trên "tuyến lửa” từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn. Ở độ tuổi vừa đôi mươi, họ hằng ngày phải đối diện với mưa bom, bão đạn. Các nữ diễn viên trẻ như Phạm Quỳnh Anh (vai Châu), Phạm Bảo Hân (vai Sa), Hà Phương Anh (vai Thương), Hoàng Bích Phượng (vai Hân) đã hóa thân thành công vào vai diễn, mang đến cho công chúng hình ảnh những nữ thanh niên xung phong trẻ trung, lãng mạn, tình yêu riêng đã hòa vào tình yêu chung của dân tộc.

Bộ phim do hai đạo diễn, một người giàu kinh nghiệm với dòng phim chiến tranh cách mạng là NSND Nguyễn Thanh Vân, và đạo diễn trẻ Trần Chí Thành đồng thực hiện. Phim có nhiều chi tiết "sốc”, xoáy sâu vào sự hy sinh, mất mát, nhiều phân đoạn khiến người xem rơi nước mắt, không tránh khỏi cảm giác nặng nề, nhưng cũng có những chi tiết tươi trẻ đúng với cách nghĩ, cách cảm của những nữ chiến sĩ trẻ.

Cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn, bộ phim là bản hùng ca tôn vinh những nữ chiến sĩ lái xe anh hùng và những người đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Xem để trân trọng quá khứ

"Bình minh đỏ” được thực hiện trong năm 2021, trong bối cảnh mà nói như đạo diễn, NSND Thanh Vân, mỗi người trong ê kíp làm phim phải vượt qua rất nhiều thử thách. "Chúng tôi bắt đầu làm phim từ tháng 4-2021, thực sự đây là một dự án rất khó khăn. Làm phim chiến tranh trong giai đoạn này đã là rất khó, làm phim trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh như vậy lại càng khó hơn. Bao quanh đoàn phim là nỗi buồn, sự lo toan về dịch bệnh, áp lực công việc. Một tháng quay phim ở miền Trung và thời gian làm hậu kỳ là vô cùng khó khăn. Tôi biết khi hoàn thành bộ phim này, thành quả ấy là nhờ sự tận hiến của mọi thành viên trong ê kíp làm phim” - đạo diễn chia sẻ.

Thuộc dòng "phim Nhà nước", kinh phí không nhiều, lại chọn một đề tài rất khó, "Bình minh đỏ” đã cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của đội ngũ làm phim khi tái hiện sống động hình ảnh những nữ chiến sĩ lái xe anh hùng năm xưa. Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên đội lái xe chia sẻ trước buổi công chiếu: "Khi xem kịch bản, tôi nghĩ chiến tranh qua lâu rồi, tìm đâu ra được những chiếc xe ngày xưa chị em lái, những con đường chị em đã qua... Đó là sự cố gắng rất lớn của đoàn làm phim. Bộ phim đã tái hiện lại thời trẻ trung của chị em, hy sinh, gian khổ, yêu đời, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Mong rằng bộ phim gây được ấn tượng trong lòng người dân Việt Nam, để cho thế hệ sau không bao giờ được quên những ngày chiến tranh và những cô gái lái xe Trường Sơn một thời để nhớ".

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá: "Trong thời gian đại dịch, vượt qua bao khó khăn, hãng phim của Hội Điện ảnh Việt Nam đã làm phim về chiến tranh cách mạng. Đó là tinh thần vượt qua thử thách, vượt qua chính mình, vượt qua đại dịch. Hy vọng rằng trong tương lai, điện ảnh Việt sẽ có nhiều hơn những bộ phim về đề tài lịch sử để chúng ta không phải phân vân trên mạng xã hội về tự chọn hay bắt buộc đối với việc học lịch sử của học sinh. Nếu không hiểu sử Việt, không sống với lịch sử và không yêu quý lịch sử thì chúng ta không thể nào trân trọng những giá trị mà quá khứ đã mang đến cho chúng ta”.

"Bình minh đỏ” đã đoạt Giải thưởng Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII tại Huế vào tháng 11-2021.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức ký phát hành đặc biệt bộ tem và đóng dấu lưu niệm, ký lưu niệm trên tranh tem

Bộ tem “50 năm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị” tái hiện hình ảnh người lính giải phóng bảo vệ Thành cổ trong mưa bom bão lửa để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

MV

Liên quan đến MV mới của Sơn Tùng M-TP, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và các đơn vị liên quan xem xét, xử lý theo hướng dừng phát hành.

Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại khu vực Bộ Tổng Tham mưu (hiện nay là thềm Điện Kính Thiên. (Ảnh: Gia đình Đại tướng cung cấp)

150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh với 3 chủ đề: Người con ưu tú của Hà Nội, danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, nhớ về Đại tướng, trưng bày ở Hoàng thành Thăng Long giới thiệu về Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Di tích Hiền Lương - Bến Hải được chiếu sáng nhân lễ hội Thống nhất non sông, 30/4/2022.

Hệ thống chiếu sáng tại di tích Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn vừa được đầu tư hơn 60 tỷ đồng sẽ đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước, 30/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục