Hồn quê trong tản văn Hà Ngọc

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/8/2022 | 7:50:46 AM

YênBái - Đã lâu, văn chương Yên Bái mới thấy xuất hiện tập tản văn của cây bút trẻ Nguyễn Thị Thu Hương (bút danh Hà Ngọc). Hai mươi tám đoản văn, hồn quê cứ cất lên theo lời “Dế gọi mùa yêu” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - năm 2020).

Tự ví "Tôi chỉ là con dế mèn bé nhỏ, kiễng chân trong chiếc tổ nhỏ ở thảm cỏ ven hồ, cri  cri… cất lên lời tình tự, lặng lẽ yêu thương muôn loài”, Hà Ngọc bộc lộ cảm xúc của mình về bao nhiêu chuyện: Nào là vợ chồng nhà Cạp dẫu đôi lúc bất đồng trong cuộc sống mà vẫn thương yêu nhau; chuyện về một phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số nơi bệnh viện được an ủi bằng sự cảm thông cùng lời "nói dối tế nhị”… Nhiều và sâu sắc vẫn là hình ảnh thôn quê nơi lưu giữ bao kỷ niệm êm đềm về tuổi thơ và những người thân quen... 

Vốn nằm trên đất Yên Bình huyền thoại, hồ Thác Bà, nguồn dự trữ thủy năng của Nhà máy thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của thủy điện miền Bắc Việt Nam có trên 1.200 hòn đảo lớn nhỏ được ví như Hạ Long thu nhỏ. Nơi đây có động Thủy Tiên, có núi Cao Biền với mặt nước yên bình như tự thủa hồng hoang: "Nhìn những đàn cò cứ thản nhiên bay, đậu, không màng tới sự có mặt của con người, nghe tiếng cá quẫy lóc bóc, ngửa mặt nhìn những tổ chim san sát trên đầu, bất giác tôi thấy mình biến thành cậu bé An trong Đất rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi” (Hương tràm Tây Bắc). 

Tuổi thơ của cô gái xa quê đi học, làm nhiều nghề kiếm sống và nay đang là tiếp viên của Hãng hàng không Bamboo Airways gắn bó máu thịt cùng Hồ, cùng dòng sông Chảy. Nào là Thác Bà, Thác Ông và rừng lim "ngày ngày rì rào khúc tráng ca của đại ngàn xanh thắm”; nhất là Bãi Giữa "thản nhiên ghềnh đá, thản nhiên bờ cát, dạo ấy là thiên đường, là nơi trú ngụ của cơ man cò vạc, đa đa và bườm bượp cá tôm(Bãi Giữa, rưng rưng miền nhớ)

Cái hồn Việt ấy dường như cũng đang chảy trong huyết quản Hà Ngọc để nhớ về một cây đa Bảo vừa bị bão giật ngã: "Nghe người lớn nói ngay từ khi còn nhỏ họ đã thấy nó to như bây giờ rồi. Bao năm nay nó vẫn thế, vẫn đường hoàng đứng cạnh dòng những cánh tay vạm vỡ về nhiều phía như muốn ôm trọn mảnh đất này vào lòng” (Cây đa Bảo). Thì ra cây đa Bảo, cây Tếch cũng chỉ là cái cớ, mượn sự vật mà gửi gắm nỗi niềm. Bởi vì quê hương là vị quê, là hương tràm, là hương hoa bưởi Đại Minh, loại cây đặc sản của vùng đất này theo mãi bước chân "Tôi đi như bao người xa quê khác, gói trong tim một nhành bưởi đương hoa” (Ngần trắng tháng Ba). 

Đối với quê nội, quê ngoại, cây bút trẻ này cũng có những kỷ niệm không kém phần sâu nặng. Đó là một Âu Lâu quê nội bên bờ sông Hồng ngầu ngầu sắc đỏ, lớp phù sa màu mỡ nuôi lớn bao nhiêu đậu đỗ lạc vừng, bao ngô khoai bầu bí, nhất là Ngòi Lâu nổi tiếng bởi câu "cá ngòi Lâu sủi đâu ăn đấy”... 

Với ngoại, hình ảnh người phụ nữ chân quê nơi đồng chiêm trũng như khắc, như tạc vào ký ức đứa cháu để bây giờ thành một hình tượng trong văn chương thật khó phai nhòa. Ngoại là người bà truyền lửa yêu quê bằng tất cả tình thương và trách nhiệm. Yêu quê nhiều khi đã trở thành nỗi khát thèm, để có thể gặp bóng quê ở bất kỳ đâu nơi lòng Hà Nội: gian phòng nhỏ, bộ salon nan, chiếc bàn và tủ kính nhỏ với bát bún riêu cua gợi nhớ bát canh cua rau đay trưa hè quê quen thấy. Thế nên "thèm quê” giúp cô gái tìm lại "cái ngọt ngào của vị đắng” qua các loại rau dại nơi vùng đồi như rau má, tầm bóp, tàu bay, rau dớn, rau sam, chua me đất, cải rừng… Còn là "vị đòng lau”, "khoai của Dế”… tất cả đều được kể, tả kỹ càng bằng mọi giác quan như một chuyên gia ẩm thực. 

Cái món quê Hà Ngọc khiến nhiều người xa quê lúc nghĩ đến không khỏi ứa nước miếng lại là món cá thính Ngòi Lâu, thương hiệu cá kho làng Vũ Đại và món cháo hến Bãi Giữa dân dã mà mỗi khi kể hay xem ảnh thì "lần nào cũng vậy, dư vị cháo hến còn đọng mãi trên môi, trong mắt”. 

Nặng tình quê cũng là nặng lòng với người quê. Điểm tựa gia đình, điểm tựa quê hương đã giúp cho "Dế nhỏ đã rời xa thảm cỏ cố hương, gom góp yêu thương, đong đầy lòng kiên định, để "kiễng chân chào bầu trời” như thế. Từ ấy, lời tình tự cri… cri cất lên giữa muôn loài, cứ theo mãi hành trang vững vàng cho những ngày trong phố”...

Đọc Hà Ngọc, ta bắt gặp giọng văn nhẹ nhàng mà lắng đọng, mỗi dòng là mỗi mảng màu ký ức về tình quê, tình bạn, gia đình và cuộc sống. Không chỉ giàu chất thơ, một số đoản văn hấp dẫn bởi sự hồn nhiên trong lối kể. Và với tôi, thứ lời ăn tiếng nói nhà quê có chọn lọc song hành cùng ngôn ngữ thời hiện đại đang dần làm nên nét riêng của tác giả. 

Mong rằng "Dế gọi mùa yêu” tiếp tục cri  cri… cất lên lời tình tự, yêu thương muôn loài và theo mãi hành trang vững vàng cho những ngày tiếp nối.

Thế Quynh

Tags văn chương Yên Bái Yên Bình huyền thoại hồ Thác Bà động Thủy Tiên có núi Cao Biền Hà Ngọc

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục