Giải Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ III do Bộ GTVT phát động nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2021). Trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch COVID-19, giải vẫn có sức lan tỏa lớn. Sau 1 năm phát động, đã có gần 230 tác phẩm (tăng khoảng 30 tác phẩm so với lần thứ II), trong đó có gần 100 loạt bài dài kỳ của hơn 40 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương gửi bài tham dự.
Qua sàng lọc, tuyển chọn, các tác phẩm dự giải đa phần đảm bảo đúng thể lệ, có chất lượng tốt, có góc nhìn tươi mới về những thành tựu của ngành GTVT từ khi đất nước đổi mới. Nhiều bài viết có những sáng kiến, đề xuất, ý tưởng mới đóng góp vào công cuộc phát triển ngành GTVT.
Điểm nhấn đáng chú ý của năm nay là nhiều tác phẩm phóng sự, ghi chép, điều tra được đầu tư công phu về chất lượng nội dung, không chỉ nêu thực trạng mà còn chỉ rõ được những hạn chế, bất cập, yếu kém và đề xuất những giải pháp có tính thuyết phục cao, thông qua những thông tin ghi nhận, điều tra từ chính hơi thở thực tế của các phóng viên, nhà báo. Nhiều tác phẩm được trình bày sinh động, hấp dẫn, bắt mắt dưới hình thức hiện đại, lôi cuốn bạn đọc như: Longfrom, E-Magazine, Inforgraphics, Phóng sự ảnh...
Dù số lượng tác phẩm và cơ quan báo chí gửi bài tham dự giải tăng, chất lượng nội dung cao hơn các năm trước, tuy nhiên, giải lần này chưa có những tác phẩm có tính sáng tạo và đột phá cao về ý tưởng nội dung, có lối viết thực sự cuốn hút, chạm đến đáy của cảm xúc của người đọc. Chính vì vậy, Ban Tổ chức không lựa chọn được tác phẩm đoạt giải đặc biệt. Thay vào đó, tăng số lượng giải Nhất từ 1 lên 2 giải; giải Nhì từ 2 lên 3 giải.
Nổi bật là hai tác phẩm đoạt giải Nhất. Trong đó, loạt bài điều tra 5 kỳ: "Luật ngầm” nơi cửa khẩu của Báo Giao thông được đánh giá rất cao bởi sự dấn thân, nhạy bén và đeo bám đến tận cùng của nhóm phóng viên. Trong suốt những ngày tác nghiệp ở cửa khẩu, nhóm tác giả liên tục vào vai lái xe, chủ hàng cần móc nối xuất khẩu nông sản qua biên giới và chứng kiến cảnh hàng nghìn lái xe đang ăn, ở vạ vật tại các bãi chờ lên cửa khẩu. Cùng đó, là những cuộc "làm luật" khi muốn đưa xe nông sản xuất khẩu qua biên giới. Từ đó, phương thức hoạt động và các đường dây "làm luật” dần lộ diện, được phơi bày trên mặt báo.
Hay loạt phóng sự 5 kỳ: Hầm Hải Vân - Chuyện chưa kể đào con hầm dài nhất Việt Nam của Báo Tuổi trẻ. Chia sẻ của tác giả, bằng sự dấn thân và tìm hiểu cặn kẽ, tác giả đã dựng lại quá trình thi công con hầm dài nhất Việt Nam bằng những câu chuyện chưa từng kể, lôi cuốn bạn đọc từ đầu đến cuối.
Sau hai vòng sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn và trao 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 15 giải khuyến khích (Không có giải đặc biệt). Ban Tổ chức cũng trao 3 giải tập thể, mỗi giải 10 triệu đồng cho 3 đơn vị có tác phẩm tham gia nhiều nhất gồm: Báo Bắc Giang; Thời báo tài chính và Tạp chí GTVT.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức cũng phát động Giải "Báo chí viết về ngành GTVT” lần thứ IV (năm 2022-2023). Về nội dung, tác phẩm báo chí tham dự phải được đăng tải trên các báo chí Trung ương và địa phương có nội dung về lĩnh vực GTVT trong thời gian từ ngày 1/9/2022 đến hết 1/7/2023. Những tác phẩm dự thi phản ánh những sự việc, hiện tượng khách quan (không hư cấu). Thể loại là tất cả các tác phẩm báo chí thuộc loại hình báo in và báo điện tử. Các tác phẩm báo chí tham dự giải có nội dung, hình thức không vi phạm Luật Báo chí, các quy định khác của pháp luật và không vi phạm về bản quyền và thể lệ giải. Các đối tượng tham dự giải tối đa không quá 5 tác phẩm/1 tác giả.
Về cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/giải; 1 giải Nhất 30 triệu đồng/giải; 2 giải Nhì 15 triệu đồng/giải; 5 giải Ba 10 triệu đồng/giải; 15 giải Khuyến khích 5 triệu đồng/giải. Về giải dành cho tập thể, Ban Tổ chức trao 3 giải đồng hạng dành cho các tập thể có số lượng bài dự thi nhiều nhất. Giá trị 10 triệu đồng/đơn vị.
(Theo Tin tức)