Liên hoan âm nhạc cổ điển quốc tế lần thứ nhất với chủ đề Best of Tchaikovsky, diễn ra vào ngày 22/10, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, với sự tham gia của 2 dàn nhạc giao hưởng: Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc-Vũ-Kịch Việt Nam (Vietnam Opera Ballet) và Dàn nhạc giao hưởng Saigon (Saigon Philharmonic Orchestra).
Đối với nhiều người trên thế giới, âm nhạc của thiên tài Piotr Ilich Tchaikovsky là một trong những biểu tượng rạng rỡ nhất của nước Nga, của tâm hồn Nga mang nặng nữ tính. Chương trình Best of Tchaikovsky bao gồm 3 tác phẩm nổi tiếng của Tchaikovsky: Tchaikovsky String Quartet No. 1, Op. 11 ( 2nd Movement); Variations for Cello and Orchestra on a Rococo theme, Op. 33 và Symphony no.5 in E minor. OP 44.
Chương trình với sự góp mặt của nghệ sĩ violin Hungary, Rodrigo Puskás, được coi là một trong những nghệ sĩ violin xuất sắc nhất trong thế hệ của anh với cách chơi cá nhân riêng biệt. Chiến thắng trong các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế, anh đã biểu diễn tại hơn 20 quốc gia với tư cách là nghệ sĩ độc tấu. Một "nghệ sĩ vĩ cầm xuất chúng” với danh tiếng đã được khẳng định, với tiếng đàn "đẹp cảm động” và kỹ thuật "ngoạn mục”.
Nghệ sĩ cello Meehae Ryo với kỹ thuật điêu luyện và giai điệu quyến rũ, là một nghệ sĩ cello cổ điển nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc và là thành viên gạo cội thuộc các dàn nhạc giao hưởng lớn trên thế giới: Dàn nhạc giao hưởng Berliner, Dàn nhạc Giao hưởng Đài phát thanh Praha, Toronto Philharmonia, Dàn nhạc Giao hưởng Hongkong…
Ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc âm nhạc của Liên hoan Âm nhạc cổ điển quốc tế, giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn cho biết: "Tại Liên hoan lần 1, chúng tôi kì vọng và nỗ lực tiến tới Liên hoan sẽ được diễn ra nhiều lần khác nhau. Sau một đợt công diễn vào tháng 7 tại Hungary, được sự ủng hộ của đại sứ Hungary, tôi đã ấp ủ thực hiện chương trình này, và bắt tay thực hiện ngay trong tháng 9 để có thể công diễn vào 22/10, góp phần nhỏ bé đưa đời sống văn hoá tinh thần trở về trạng thái ổn định sau hơn hai năm hoành hành của đại dịch".
"Chúng tôi cũng như các bạn, đã rất lâu rồi, luôn khao khát sự trở lại của âm nhạc đỉnh cao cũng như các loại hình nghệ thuật biểu diễn giải trí khác. Tôi hy vọng đây cũng là minh chứng cho sự ổn định kinh tế xã hội tại Việt Nam trên trường quốc tế và là cơ hội giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và bè bạn năm châu” - Ông Nguyễn Bảo Anh cho biết thêm.
Theo ông Bảo Anh, Liên hoan âm nhạc này khác với những buổi diễn hoà nhạc hàng tuần, hàng tháng và thường niên. Trên toàn thế giới, âm nhạc cổ điển cũng không dành cho số đông, kể cả tại cái nôi của nhạc cổ điển là Âu Châu. Đó là sự lựa chọn của xã hội và xu thế của thời đại mới.
"Vì vậy, chúng tôi không cần thiết phải quá cố gắng để "nhân dân hoá", "quần chúng hoá" âm nhạc cổ điển. Quý vật khắc tìm được quý nhân, âm nhạc hay tự nhiên sẽ có những khán giả yêu quý tìm tới. Nhưng để giữ được di sản của thế giới không mai một, vẫn cần cả một sự nỗ lực cố gắng của những người làm âm nhạc như chúng tôi nói riêng và sự ủng hộ của công chúng nói chung”, ông Bảo Anh nhấn mạnh.
(Theo VOV)