Duyên dáng đi hội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2022 | 7:24:23 AM

YênBái - Khi các bản làng rộn ràng mở hội, trong tiếng nhạc, tiếng chiêng, các bà, các mế, các chị em lại tay trong tay xinh đẹp, lộng lẫy, xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống do chính tay mình làm ra.

Thiếu nữ Thái duyên dáng trong trang phục truyền thống.
Thiếu nữ Thái duyên dáng trong trang phục truyền thống.

Mường Lò - Nghĩa Lộ là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, xứ sở của những lễ hội, trong đó đậm đà nhất chính là bản sắc văn hoá của dân tộc Thái. Cứ vào mỗi độ thu sang, Mường Lò lại mở hội. Những cô gái Thái duyên dáng, eo thon trong chiếc áo "cỏm”, khăn piêu, vòng bạc lấp lánh, toát lên vẻ đẹp đầy đặn, nền nã và xuân sắc, dịu dàng mời gọi du khách cùng tay trong tay hòa nhịp vũ điệu tâm hồn, kết nối những vòng xòe bất tận. 

Với gam màu chủ đạo tươi sáng, rực rỡ, những đường nét thổ cẩm trên trang phục của người Thái thường theo mô típ tượng trưng, cách điệu các hình tượng từ thiên nhiên và khắc họa đời sống sinh hoạt, thấm đẫm hồn cốt dân tộc. 

Chị Lò Thị Mến ở phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Là người Thái, chúng tôi rất tự hào với những nét văn hóa của đồng bào mình, đặc biệt là bộ trang phục truyền thống. Trong cuộc sống hàng ngày, chị em nữ trong tổ vẫn thường xuyên tổ chức thêu thùa, dệt thổ cẩm để truyền dạy lại cho các thế hệ sau với mong muốn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái không bị mai một theo năm tháng”.
Với dân tộc Mông Yên Bái, bộ trang phục truyền thống luôn có nét độc đáo ở kiểu dáng, cho đến những màu sắc sặc sỡ của hoa văn. Bộ trang phục phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ. Hoa văn trên nền trang phục Mông chủ yếu là các hoa văn hình học như khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi, các gam màu chủ đạo gồm: trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây... tạo nét độc đáo riêng có. 

Ngày nay, trang phục của người Mông có sự cải tiến rất nhiều so với truyền thống. Mỗi sự cách tân đều có chủ đích riêng để làm nổi bật thêm những nét độc đáo, riêng có của bộ trang phục này. Nếu trước đây, những bộ váy chủ yếu được làm từ loại vải lanh trắng và vải lanh nhuộm chàm thì nay được dùng chất liệu vải sợi hóa học nhuộm sẵn để thêu may. 

 

Bà Hờ Thị Sông ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải giải thích rằng: "Để tạo sự thoải mái cho người mặc, chất liệu vải cũng cần thay đổi cho đa dạng, ưu tiên dùng những loại vải mềm như vải nhung, kiểu dáng có nhiều thay đổi cho trẻ trung, cách kết hợp hoa văn cũng sáng tạo tùy thích”. 

Không chỉ với người Thái, người Mông mà cộng đồng các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh luôn tự hào về các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình, coi đó là "gia tài” mà các nghệ nhân qua từng thế hệ đã chắt chiu bằng quá trình chiêm nghiệm và sáng tạo. 

Hoa văn trong trang phục của các dân tộc Yên Bái chắt chiu từ những tinh hoa văn hóa trong cộng đồng để tạo nên nét độc đáo riêng có. Tất cả đều tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ và hấp dẫn trong ánh mắt của du khách. Nhiều du khách đến Yên Bái đã bày tỏ hạnh phúc khi được vận những bộ trang phục của đồng bào để lưu lại khoảnh khắc ở những điểm dừng chân.

Mỗi dịp tết đến xuân về, đồng bào các dân tộc trong tỉnh lại rộn ràng trẩy hội, hòa mình trong nét văn hóa riêng có, xúng xính váy áo đón mừng năm mới. Những hoa văn sặc sỡ trên trang phục hội xuân của các dân tộc trong các không gian lễ hội càng tô thắm thêm mùa xuân của đất trời, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng và cũng là niềm tự hào cần gìn giữ và phát huy để mãi trường tồn theo năm tháng. 

Thu Trang

Tags Yên Bái văn hóa cộng đồng lễ hội trang phục truyền thống Mù Cang Chải

Các tin khác
Ra mắt bộ tem bưu chính “Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922- 1995)”.

Nhằm tri ân và tôn vinh công lao của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đối với Tổ quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem “Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922-1995)”. Bộ tem được phát hành trên toàn quốc vào ngày 20/10.

Bức

Vị "chủ soái" của Tự Lực văn đoàn chính là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam). Ngoài tài văn chương và làm báo, ông còn là một họa sĩ với bức vẽ để đời.

Trang phục công sở không chỉ đóng vai trò làm đẹp cho bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) mà còn là hình ảnh văn hoá công sở của mỗi cơ quan, đơn vị, thể hiện một phần phong cách, thái độ, tính chuyên nghiệp của CBCCVC, NLĐ trước công việc, công dân, đối tác.

Các thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai.

Sáng 19/10, Hội Người cao tuổi (NCT) xã Xuân Lai, huyện Yên Bình tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN) thôn Trung Tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục