Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra từ ngày 10 đến 14/3 với chủ đề "Buôn Ma Thuột-Điểm đến của cà-phê thế giới” trong điều kiện thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung vừa phục hồi, vừa phát triển kinh tế-văn hóa xã hội sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã thành công tốt đẹp, tôn vinh người trồng cà-phê, đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên và truyền tải được khát vọng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, với mong muốn xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo tinh thần Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị.
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, hấp dẫn, sôi động, nổi bật là Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà-phê năm 2023 với chủ đề "Cà-phê Buôn Ma Thuột-Vững bước hội nhập” với hơn 400 gian hàng của 150 doanh nghiệp ngành cà-phê trong và ngoài nước tham gia trưng bày các sản phẩm cà-phê, sản phẩm phụ trợ trong ngành cà-phê thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan hội chợ, có hàng chục bản ghi nhớ hợp tác của các doanh nghiệp được ký kết. Hội thảo phát triển cà-phê Việt Nam chất lượng cao với chủ đề "Xây dựng chuỗi ngành hàng cà-phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”; Hội nghị kết nối giao thương Quốc tế năm 2023 với chủ đề "Cà-phê Buôn Ma Thuột - Kết nối đam mê và khát vọng phát triển” với hơn 450 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia…
Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra các hoạt động sôi nổi như: Lễ hội đường phố với chủ đề "Buôn Ma Thuột-Nơi hội tụ 3 nền văn minh cà-phê thế giới”; Lễ hội ánh sáng; Hội thi nhà nông đua tài với chủ đề "Canh tác cà-phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”; Cuộc thi pha chế cà-phê đặc sản Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc gia dành cho các nghệ nhân pha chế cà-phê chuyên nghiệp, thu hút 32 thí sinh từ 9 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia dự thi; Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà-phê; Hội Voi Buôn Đôn; Hội đua thuyền độc mộc tại hồ Lắk; tổ chức các Tour du lịch trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch mới; trình diễn các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh..., vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, vừa đem lại sự phong phú, đa dạng thu hút hàng chục nghìn lượt người dân và du khách tham gia.
Đặc biệt, tại Lễ hội lần này có trên 450 quán cà-phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và các địa phương trong tỉnh phục vụ cà-phê miễn phí cho người dân địa phương và du khách.
Sau 5 ngày diễn ra lễ hội đã thu hút khoảng trên 90.000 lượt du khách, trong đó có 600 lượt du khách quốc tế đến với Đắk Lắk.
Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà-phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu bế mạc lễ hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà khẳng định: Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 đã thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng khó phai mờ trong các vị đại biểu, người dân và du khách khi tới Đắk Lắk tham gia các chuỗi sự kiện. Thành công của Lễ hội sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ tiếp tục tôn vinh sản phẩm cà-phê Việt Nam, đặc biệt là thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cà-phê Buôn Ma Thuột trên trường quốc tế; quảng bá phát triển cà-phê chất lượng cao, cà-phê đặc sản, với khát vọng đưa Buôn Ma Thuột trở thành "Điểm đến của cà phê thế giới”, "Thành phố cà-phê thế giới”; quảng bá tiềm năng, thế mạnh để xúc tiến thương mại và đầu tư; lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống và là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với các địa phương của các nước anh em, các tổ chức quốc tế…
Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 khép lại với chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Buôn Ma Thuột, thành phố cà phê -Nơi khơi nguồn sáng tạo”, với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước và tỉnh Đắk Lắk. Chương trình nghệ thuật tập trung giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà-phê, con người, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh; tạo dựng hình ảnh về tỉnh Đắk Lắk giàu bản sắc, năng động, thân thiện, lịch sự, mến khách; tôn vinh, quảng bá những giá trị di sản văn hóa của vùng đất Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung; nâng tầm thương hiệu Cà-phê Buôn Ma Thuột, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà-phê thế giới.
(Theo NDO)