Khèn Mông là nhạc cụ truyền thống được các thế hệ đồng bào ở Mù Cang Chải gìn giữ qua bao đời. Tuy nhiên gần đây, một số bạn trẻ đã không còn mặn mà với loại nhạc cụ này. Trước tình hình đó, nhiều thanh niên đã chủ động thành lập các câu lạc bộ khèn Mông ở các bản làng, và câu lạc bộ Khèn Mông ở xã Lao Chải là một trong số đó.
Câu lạc bộ có sự góp mặt của 12 thành viên đến từ các thôn, bản trên địa bàn xã và đang thu hút thêm nhiều đoàn viên, thanh niên khác tham gia. Tại đây, các bạn trẻ trao đổi kiến thức cũng như tập luyện thổi khèn, múa khèn; thường xuyên mời các cụ cao niên đến hỗ trợ giảng dạy và truyền đạt các bài khèn truyền thống.
Anh Lờ A Thông ở bản Xéo Dì Hồ A, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thấy là thanh niên bây giờ không học khèn nhiều, nên tôi có ý là để duy trì được thì sẽ phải thành lập câu lạc bộ. Nếu mình không thành lập câu lạc bộ để giữ gìn thì nó sẽ mai một đi. Thanh niên người ta không có thầy dạy thì sau này sẽ mất cái này, nên chúng tôi đã thành lập câu lạc bộ để giữ gìn bản sắc".
Cụ Lờ A Trừ - bậc cao niên ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải cho biết, theo quan niệm người Mông, tiếng khèn là biểu tượng của sự linh thiêng, là minh chứng cho sự trường tồn và phát triển của các thế hệ người Mông. Tiếng khèn đưa tiễn linh hồn người đã khuất về với tổ tiên nhưng cũng cất lên những nét tươi vui vào mỗi dịp lễ hội.
"Tôi thấy hiện nay thế hệ trẻ không còn nhiều mặn mà với cây khèn và các đội khèn truyền thống cũng không còn giống chúng tôi như trước. Nhưng tôi cũng vui khi có những thanh niên đứng lên thành lập câu lạc bộ khèn để bảo tồn nét văn hóa này" - cụ Lờ A Trừ cho biết.
Khèn là nhạc cụ gắn bó bao đời với đồng bào Mông, đang được nhiều bạn trẻ giữ gìn, phát huy.
Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Mồ Dề, để xây dựng mô hình "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc” trong trường học, nhà trường đã thực hiện truyền dạy cho học sinh thổi khèn, múa khèn, thổi sáo, thêu dệt thổ cẩm thông qua chương trình giáo dục địa phương.
Em Giàng A Súa, học sinh lớp 9A1 cho biết rất tự hào và phấn khởi khi tham gia các hoạt động này: "Tham gia các buổi ngoại khóa để hiểu những nét văn hóa của dân tộc, em thấy đây là một hoạt động bổ ích giúp em biết thêm các nét văn hóa, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình trong tương lai".
Thầy giáo Phạm Minh Dũng - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Mồ Dề cho biết, không chỉ học sinh mà các thầy giáo, cô giáo đều hứng thú khi triển khai mô hình này. Qua mô hình đã góp phần gìn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của địa phương.
"Với tác động của công nghệ trong thời đại hiện nay thì nhiều bạn trẻ, học sinh đam mê với những công nghệ mới, ít để ý đến những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Thấy rằng để duy trì cho thế hệ trẻ và giúp cho học sinh trong trường có kĩ năng hoạt động văn hóa văn nghệ tốt hơn thì nhà trường xây dựng kế hoạch duy trì và phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc" - thầy giáo Phạm Minh Dũng nói.
Nhiều nét văn hóa đặc sắc được đưa vào dạy học sinh các nhà trường ở vùng cao Mù Cang Chải.
Cũng để mô hình "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc” trong nhà trường phát huy hiệu quả, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Chế Cu Nha đã mời các bậc phụ huynh tham gia dạy vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong và thêu dệt thổ cẩm cho học sinh, thông qua đó giúp các em thêm yêu quý, trân trọng những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình.
Một phụ huynh học sinh - chị Lý Thị Ninh, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thêu thổ cẩm bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải bày tỏ: "Thời gian qua bản thân tôi đã kết hợp với đơn vị nhà trường tổ chức ngoại khóa để truyền đạt những hoa văn, họa tiết của dân tộc Mông cho các cháu biết được, giữ được bản sắc dân tộc. Trong thời gian tới, tôi sẽ truyền đạt kiến thức cơ bản mà tôi đã biết cho các cháu biết, làm được những họa tiết, hoa văn của dân tộc mình".
Mù Cang Chải là huyện vùng cao có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Việc xây dựng các mô hình gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là việc làm rất ý nghĩa và thiết thực, giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức và ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển, không chỉ có cuộc sống ấm no mà các giá trị văn hóa, tinh thần ngày một được bồi đắp.
(Theo VOV)