Tìm về những nghi lễ cưới hỏi truyền thống

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Người Việt Nam xưa coi cưới hỏi là một nghi thức lớn và quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người, đồng thời nó cũng thể hiện nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Việc dựng vợ, gả chồng trở thành việc chung của gia tộc chứ không phải là việc riêng của con cái. Đó là những ngày vui lớn, trọng đại mà người ta vẫn gọi là “song hỉ”.

Một lễ hỏi ngày nay.(Ảnh: Việt Hà)
Một lễ hỏi ngày nay.(Ảnh: Việt Hà)

Trải qua hàng ngàn năm tiếp xúc với văn minh Trung Hoa, các phong tục trong việc hôn nhân từ phương Bắc đã dần dần du nhập vào nước ta với rất nhiều lễ tục phức tạp, tốn kém. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng nhà mà những phong tục đó có thể châm chước ít nhiều. Như theo tục xưa thì hôn nhân phải trải qua trình tự bảy lễ, nhưng trên thực tế có khi chỉ duy trì bốn lễ: lễ giạm, lễ hỏi, lễ rước dâu và lễ lại mặt.

Ngày nay, trong hôn nhân, cái cảnh “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” hầu như không còn. Vì muốn phá bỏ những ràng buộc của xã hội xưa, nên có lúc lễ nghi hôn nhân được đơn giản hóa, không theo một tập tục nào cả. Thậm chí có khi lại trở thành việc tổ chức của đoàn thể, gia đình không có quyền can thiệp. Đấy là chưa nói đến sự du nhập của những đám cưới kiểu mới từ phương Tây xa lạ với tập tục Việt Nam. Nhưng rõ ràng, cưới hỏi ngày nay không còn là việc riêng của gia tộc, gia đình mà trở thành việc xây dựng một tế bào mới của xã hội. Cho nên, việc đăng kí kết hôn ở cơ quan hành chính đang trở thành một nghi thức được mọi người tôn trọng, có ý nghĩa pháp lý cho đôi vợ chồng. Để ngày cưới trở thành một ngày đáng nhớ suốt đời đối với đôi vợ chồng, hôn lễ nay được tổ chức đơn giản nhưng trọng thể, dựa trên những nghi thức truyền thống. Trên cơ sở một số tài liệu và ý kiến nói về lễ nghi của dân tộc Việt Nam, xin được giới thiệu lại những bước nghi lễ cưới hỏi xưa để ta tìm lại nét truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đã ít nhiều bị lãng quên.

 

Hạnh phúc. (Ảnh: Thế Sinh)

 

1. Khi người con trai tìm được người con gái thích hợp thì nhờ bà mối đem con nhạn đến nhà gái để điều đình. Chim nhạn bao giờ cũng sống thành đôi, đưa con nhạn có ý muốn cho đôi lứa không bao giờ xa rời. Xưa gọi đó là lễ nạp thái, nhưng có thể bỏ qua bước này mà chỉ coi là việc bắn tin thăm dò ý tứ nhà gái.

 

2. Được nhà gái bằng lòng, bà mối lại phải trổ tài ăn nói, đem lễ trầu cau đến xin lộc mạng hay bát tự, tức là giấy chép giờ, ngày, tháng, năm sinh của người con gái. Đó là lễ vấn danh, nôm na gọi là lễ giạm, nghi lễ này nay vẫn được duy trì.

 

3. Người xưa thường xem số mệnh hai người có hợp với nhau không, vì vậy nhà trai phải nhờ thầy số so tuổi con gái với tuổi con trai. Nếu được thì cho người sang báo với nhà gái biết rằng mọi việc đã tốt đẹp, đó là lễ nạp cát. Thực ra, đây chỉ là một công việc thường làm chứ không thành nghi thức, cho nên xưa kia người ta thường hay bỏ qua, nhất là đối với những nhà bình dân.

 

4. Bước quan trọng thứ hai là lễ hỏi, tên chữ gọi là lễ nạp tệ hay nạp trưng. Nhà trai đem sính lễ đến giao ước việc cưới xin, việc hôn nhân coi như đã thành. Sính lễ có trầu cau, bánh cốm, bánh phu thê, chè, rượu, thuốc lá… Từ lễ hỏi đến lễ cưới thời gian lâu hay chóng còn tùy hoàn cảnh từng gia đình. Nhà con gái quyền quý thường bắt nhà trai phải chờ đợi lâu, và trong thời gian đó phải thường xuyên lo việc sêu tết cho nhà gái.

 

5. Một tập tục xưa gọi là lễ thỉnh kỳ, trước khi cử hành lễ cưới, nhà trai nhờ bà mối trao thơ hỏi nhà gái về món tiền và lễ vật thách cưới, rồi xin định ngày giờ để rước dâu. Việc này thường được bỏ qua, vì việc thách cưới đã được bàn bạc trong lễ hỏi.

 

6. Việc quan trọng nhất của đám cưới là lễ rước dâu, còn gọi là lễ thân nghinh. Ngày nay gọi là lễ cưới hay lễ thành hôn (theo tiếng Hán là hôn lễ). Vì đây là dịp để liên hoan, báo hỉ mừng cô dâu, chú rể, mừng hai gia đình nên có ý nghĩa rất thiêng liêng. Lễ này gồm các nghi thức sau:

 

Lễ xin dâu: Trước giờ rước dâu, mẹ chú rể cùng một người thân trong gia đình đến nhà gái đem theo cơi trầu, chai rượu báo trước giờ đoàn rước dâu sẽ đến để nhà gái chuẩn bị đón tiếp.

 

Lễ rước dâu: Chú rể cùng nhà trai họp thành một đoàn, đúng giờ hoàng đạo sang nhà gái để đón dâu. Đi đầu là người chủ hôn, thường chọn người già, vợ chồng, con cái song toàn, mặc áo lễ bưng quả hộp, rồi đến người dẫn lễ, sau là chú rể đi cùng hai người phụ rể, cuối cùng là cha mẹ và họ hàng nhà trai. Hai đứa trẻ bồng một cặp ngỗng và hai đứa trẻ mang một cặp lồng đèn đi trước tiên là không thể thiếu.

 

Khi nhà trai đi đến nhà gái, giữa đường thường gặp những đám chăng dây, phải nộp tiền thì người ta mới mở dây cho đi. Tục ấy có nghĩa là nhà trai phải nộp một khoản tiền cho làng người con gái như một thứ thuế hôn nhân, về sau được pháp luật công nhận, gọi là nộp cheo. Có nơi khi họ nhà trai đến cửa làng nhà gái thì người làng đóng cổng lại để đòi tiền.

 

Khi họ nhà trai đến họ nhà gái thì ông chủ hôn, rồi đến chú rể làm lễ gia tiên. Đoạn bày hương án giữa sân để hai vợ chồng làm lễ tơ hồng. Sau đó, chú rể làm lễ cha mẹ vợ, mọi người cùng ăn uống rồi rước dâu về. Tiệc cưới ngày nay thường gộp mọi nghi thức vào một bữa ăn mời họ hàng và thân hữu, coi như nghi thức chính của lễ cưới.

Khi đưa dâu, nhà gái chọn một ông già cầm bó hương đi trước, rồi bà con họ hàng dẫn cô dâu theo sau. Đến nhà trai thì một người già dẫn cô dâu vào lễ gia tiên, rồi đi lễ nhà thờ họ, đoạn trở về lễ cha mẹ chồng. Từ nay, người con gái trở thành dâu con của gia đình nhà chồng.

 

7. Hai ngày hoặc ba ngày sau, hai vợ chồng trở về nhà cha mẹ vợ làm lễ lại mặt, còn gọi là lễ nhị hỷ hay tứ hỷ. Vợ chồng đem lễ lạy gia tiên và đi chào hỏi họ hàng nhà vợ. Xong lễ ấy, hai người trở về nhà chồng, ít có dịp trở lại nhà cha mẹ vợ.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, việc cưới trở nên đơn giản hơn. Các tập tục xưa thường bị xóa bỏ để tổ chức theo kiểu đám cưới đời sông mới. Hai họ nhà trai, nhà gái cùng bạn hữu gặp nhau trong một bữa tiệc trà rồi tuyên bố thành vợ thành chồng. Lễ cưới có thể tổ chức ở hội trường cơ quan, nhà ăn tập thể, trang trí cờ, ảnh lãnh tụ và kèm theo khẩu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”.

 

Ngày nay, đám cưới lại phục hồi nhiều thủ tục xưa, bởi “phú quý sinh lễ nghĩa” và nhận được cả lời khen, chê. Khen thì cho rằng, thế mới là đám cưới Việt Nam, thế mới không sợ sự du nhập của văn hóa bên ngoài. Còn chê thì bảo là rườm rà, lãng phí và lụy cổ. Tuy nhiên, những nghi lễ cưới hỏi truyền thống vẫn mang đậm bản sắc dân tộc, là nét tâm linh không nên để lãng quên trong đời sống người Việt.

 

Việt Nga 

Các tin khác
Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Cụm thi đua số 5 tích cực tham gia luyện tập  để tham gia Liên hoan

Công đoàn Viên chức tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động” năm 2024, dự kiến khai mạc vào ngày 18/5 tại Rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Đền thờ Vua Hùng ở TP Cần Thơ

UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đề xuất xây dựng đền thờ Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công với đất nước tại địa phương này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục