Xuân sang vang tiếng thơ Người

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mấy chục triệu người Việt, kể cả những người làm ăn sinh sống ở nước ngoài, nhất là những ai đã sinh ra và lớn lên từ nửa cuối thế kỷ trước, vẫn còn mãi mãi niềm hân hoan, hạnh phúc mỗi khi Tết đến xuân về được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Đến Tết này, đã gần 40 xuân Người đi vào cõi vĩnh hằng, bên tai ta vẫn văng vẳng lời người: "Xuân về xin có một bài ca. Gửi chúc đồng bào cả nước ta...".

Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kể từ Xuân Nhâm Ngọ 1942 đến Xuân Kỷ Dậu 1969, chỉ trừ vài năm quá bận rộn hoặc yếu mệt, hầu như Tết Nguyên đán nào Bác cũng có thư và thơ gửi chúc đồng bào. Với người Việt Nam, thơ Người ngày Tết thực sự là một món ăn tinh thần và trở thành "khẩu vị" truyền thống, trở thành phong tục văn hóa. Nội dung các bài thơ chúc Tết của Người bao giờ cũng được sắp xếp gọn gàng, sáng sủa như một kiểu cách luật, phù hợp với tình thế xã hội và lòng dân cùng với tiếng nói trầm ấm thân thương nên "thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước". Nó như một dạng "sấm truyền", ai cũng muốn qua đó để biết được tiền vận và hậu vận của Tổ quốc, giống nòi. Gói trong lời khen ngợi, động viên khích lệ có sức mạnh của phong ba là thành tích phấn đấu trên mọi lĩnh vực của cách mạng năm qua, là nhiệm vụ, phương hướng và phương pháp tiến hành công tác của năm mới.

Hình ảnh "Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới" Xuân Nhâm Ngọ của Việt Minh đã thành quốc kỳ trong Cách mạng Tháng Tám, thành "Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió" Xuân Đinh Hợi (1947), đã thành mặt trời chiếu sáng con đường kháng chiến và kiến quốc của Việt Nam trước nhân loại.

Năm nào Người cũng tìm được những đặc điểm về nội dung và hình thức diễn đạt độc đáo, gây một ấn tượng không thể phai mờ trong người đọc, người nghe ngay từ lần đầu. Xuân Nhâm Thìn (1952) trong phần kết, Người viết: "Mấy câu thành thật nôm na. Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân". Xuân Quý Tị (1953), một năm trước chiến thắng Điện Biên Phủ, bài thơ có mười một câu thì có tới mười chữ "mừng" đứng đầu: "Mừng năm Thìn..., mừng xuân Tị..., mừng phát động..., mừng hậu phương..., mừng tiền tuyến... mừng phe dân chủ". Năm Canh Tý (1960), năm miền Bắc nước ta đi vào thực hiện các kế hoạch năm năm, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người mở đầu bài thơ chúc Tết bằng hai câu trẻ trung, phơi phới và sảng khoái lòng người:

"Mừng nước ta mười lăm năm xuân xanh
Mừng Đảng chúng ta ba mươi tuổi trẻ
!".

Rồi "chúc đồng bào... chúc đồng bào... Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ". Thật nhẹ nhàng, bình dị và hết sức chân thành! Với cách "mừng" và "chúc" như vậy, từ cháu bé đến các bậc cao niên, từ người bình dân đến nhà trí thức, ai cũng được toại nguyện, hạnh phúc bước vào năm mới.

Có lẽ cũng tự nhiên thôi, bài thơ chúc Tết của Người năm Kỷ Dậu (1969), năm có Ngày 2/9 Quốc khánh, trùng với ngày Người đi vào cõi vĩnh hằng là một bài thơ điển hình về mọi phương diện của văn học và cách mạng. Nó ghi lại, dựng lên một văn chỉ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử trường tồn của dân tộc:

"Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn
".

Người đã đi xa gần 40 năm. Không, Người ở trong Lăng và Người ở ngoài Lăng. Giao thừa, ta vẫn nghe văng vẳng tiếng Người: "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua...".

Hán Trung Châu

Các tin khác
Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Cụm thi đua số 5 tích cực tham gia luyện tập  để tham gia Liên hoan

Công đoàn Viên chức tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động” năm 2024, dự kiến khai mạc vào ngày 18/5 tại Rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Đền thờ Vua Hùng ở TP Cần Thơ

UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đề xuất xây dựng đền thờ Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công với đất nước tại địa phương này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục