Danh hiệu NSND, NSƯT là niềm tự hào với những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Bởi đó là một trong những cách ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của họ trong nghệ thuật. Tuy nhiên, mỗi mùa xét tặng danh hiệu là một lần dư luận xôn xao những ý kiến khác nhau. Chủ yếu tập trung vào việc có khi nhiều nghệ sĩ có thâm niên, được khán giả yêu mến nhưng lại không có tên trong danh sách xét tặng. Ngược lại, một số nghệ sĩ ít cả tuổi đời, tuổi nghề, không được nhiều công chúng biết đến lại được đưa vào danh sách.
Trong tiến trình xây dựng Nghị định quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, ngày 23/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức "Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT” và "Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”. Trong đó, việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu được tập trung bàn luận.
Các nghệ sĩ sân khấu có cơ hội giành huy chương, giải thưởng ở nhiều cuộc thi, liên hoan khác nhau.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, để việc quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật” phù hợp với từng loại hình của từng chuyên ngành, ngày 23/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi 9 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương để báo cáo và cung cấp một số nội dung liên quan.
Trong đó đề xuất cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của từng đối tượng. Việc lấy ý kiến đóng góp để đảm bảo tính thống nhất, khách quan, tôn vinh xứng đáng và tránh bỏ sót các nghệ sĩ thực sự có tài năng, có nhiều cống hiến nhưng cũng đảm bảo việc trao danh hiệu thực chất, để danh hiệu thực sự có ý nghĩa cao quý trong lòng nghệ sĩ và công chúng. Đến ngày 10/4/2023, 9 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã có phản hồi.
Theo đó, 6 hội nghề nghiệp không đề xuất nhóm đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT bao gồm: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Còn lại 3 hội đề xuất nhóm đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam (cho tác giả kịch bản múa), Hội nhạc sĩ Việt Nam (cho nhạc sĩ sáng tác và phối khí), Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (cho nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên dạy nhiếp ảnh và người sáng tác).
Trong đó, theo quan điểm của Hội Nhà văn Việt Nam, để đánh giá một nhà văn phải thông qua tác phẩm. Thành tựu của nhà văn được đánh giá bằng các giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. Đại diện phía Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng Kiến trúc sư không phải là ngành biểu diễn nên việc xét tặng các danh hiệu là không phù hợp. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng nhất trí với việc hội viên đã có danh hiệu "Nghệ nhân dân gian” không cần danh hiệu khác.
Các ý kiến tranh luận, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, bà Trần Thị Thu Đông thì đề xuất bổ sung danh sách xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhà nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu và tác giả văn học (nhà văn). Bảo vệ quan điểm của mình, bà Thu Đông cho rằng, hiện tại 9 chuyên ngành nghệ thuật thì có 6 chuyên ngành được xét tặng NSND, NSƯT nên khi làm luật phải có sự công bằng. Bên cạnh đó, việc xét duyệt danh hiệu cũng có Hội đồng xét duyệt nhiều cấp nên không sợ chuyện tiêu cực.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc mở rộng đối tượng xét danh hiệu NSND, NSƯT rất đáng hoan nghênh, ghi nhận xứng đáng với cống hiến của từng cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về những quy định mới, mở rộng đối tượng xét. NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, hai đối tượng được dự thảo đưa vào đối tượng xét tặng danh hiệu là nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia là không phù hợp và dẫn đến chồng chéo vì đã thuộc đối tượng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Khác với quan điểm của NSND Trịnh Thúy Mùi, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại cho rằng hoàn toàn có thể một đối tượng được xét tặng cả danh hiệu và giải thưởng. Tuy nhiên, quan trọng là các phân định rõ ràng để tác phẩm, chùm tác phẩm không đăng ký 2 lần xét tặng. "Áp dụng Luật Thi đua - Khen thưởng thì việc bổ sung đối tượng mới là người sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật là điều hợp lý. Nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia là những đối tượng có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động sang tạo văn học nghệ thuật”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng đối tượng tác giả kịch bản múa và nhạc sĩ phối khí cũng chưa phù hợp với việc xét tặng danh hiệu vì đây không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm văn học nghệ thuật. Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh cũng đã thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Các nghệ sĩ xiếc còn gặp thiệt thòi trong việc xét tặng danh hiệu.
Bàn về việc quy đổi huy chương để phong tặng danh hiệu, NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long cho rằng việc quy đổi huy chương cần lưu ý đến đặc thù của từng lĩnh vực. Ví dụ như Huy chương Vàng, giải thưởng trong điện ảnh khó hơn nhiều so với lĩnh vực sân khấu. Vì vậy, có thể thành lập hội đồng xét tác phẩm có giá trị, lan tỏa… để xét danh hiệu.
NSND Trung Hiếu Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cũng chỉ ra những bất cập hiện nay đó là mỗi lĩnh vực trong nghệ thuật có đặc thù riêng, nếu xét chung cùng 1 tiêu chí dễ dẫn đến ngành được nhiều, ngành được ít. Ví dụ đơn cử thời gian vừa qua, lĩnh vực sân khấu tổ chức khá nhiều cuộc thi, liên hoan mang tính chất quốc gia nên rõ ràng các nghệ sĩ sân khấu sẽ có lợi thế hơn so với nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác. Ngoài ra, ở lĩnh vực xiếc, nhiều tác phẩm có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ với sự đầu tư lớn cả về thời gian, công sức. Trong khi đó, dự thảo quy định về xét tặng danh hiệu chỉ dành cho nghệ sĩ độc diễn hoặc đồng diễn. Sự thành công của một tác phẩm có sự đóng góp của nhiều người nên nếu chỉ 1- 2 thành viên trong đó được nhận thành tích thì sẽ rất thiệt thòi cho những người còn lại.
Hiện nay, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có 9 hội chuyên ngành. Đến nay cũng đã có 10 lần xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT. Tuy nhiên, có một điều đáng nói là, sau khi cơ quan quản lý xin ý kiến các hội về đối tượng xét tặng danh hiệu và điều kiện, tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì ý kiến của các hội chuyên ngành không thống nhất.
Ngoài điểm mới nhất của Dự thảo lần này là đối tượng xét tặng danh hiệu được bổ sung "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” bên cạnh "nghệ sĩ biểu diễn”. Bổ sung thêm một số đối tượng hoạt động nghệ thuật mới: quay phim thể loại kết hợp nhiều loại hình; Bổ sung đối tượng xét tiêu chí "trường hợp đặc biệt”: Cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch; Bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm, tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ (biên đạo múa trong vở diễn sân khấu; diễn viên chính trong vở diễn sân khấu, diễn viên nhạc của dàn nhạc trong các vở diễn sân khấu).
Được biết dự thảo vẫn đang trong quá trình lấy kiến tới ngày 18/7/2023. Hy vọng, với sự đóng góp trí tuệ của nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa… Nghị định quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ được hoàn thiện và nhận được sự tâm phục của những người làm nghề.
(Theo CAND)