Hội thảo “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình”

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/12/2023 | 11:51:28 AM

YênBái - Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện Yên Bình, những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển văn hóa vùng hồ Thác Bà thực sự phong phú, đậm đà bản sắc các dân tộc.

Sáng 28/12, UBND huyện Yên Bình tổ chức Hội thảo "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình” năm 2023.

Dự Hội thảo có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân ưu tú, các câu lạc bộ dân gian.

Huyện Yên Bình có 5 dân tộc chính là Tày, Nùng, Dao, Cao Lan và dân tộc Kinh cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những đặc trưng, sắc thái riêng trong tập quán, sinh hoạt tạo nên một nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc. Yên Bình cũng có nhiều lễ hội độc đáo như: Lễ hội cầu làng của người Dao; Lễ mừng sinh nhật của người Nùng An; Lễ hội cầu mùa (hội Dềnh), hội đình làng (đình Ba Chãng, đình Khuôn La…), hội khai đèn, hội đám chay, lễ hội cầu yên của người Cao Lan; lễ hội Tỏn phi then, hội cốm của người Tày, hội Lồng tồng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao... Mỗi lễ hội mang một bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, hội tụ lại thành sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú và đặc trưng của cả vùng sông Chảy. Các dân tộc trên địa bàn huyện Yên Bình cũng đã giữ được trang phục, nghề truyền thống, ẩm thực của dân tộc mình.

Những năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được huyện Yên Bình quan tâm chú trọng. Hiện huyện có 136 di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó có 21 di tích đã được xếp hạng gồm 1 di tích cấp quốc gia, 20 di tích sử- văn hóa cấp tỉnh. Huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện bảo tồn được 7 di sản văn hóa phi vật thể. Huyện cũng có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú”.

Bên cạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc của trung ương, của tỉnh, huyện đã thực hiện các chính sách, tổ chức các hoạt động truyền dạy, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, tổ chức các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ các dân tộc trên địa bàn.


 Bà Vũ Thị Mai Oanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh phát biểu tại Hội thảo.

Từ năm 2016 đến nay, các trường phổ thông trên địa bàn huyện đã triển khai giảng dạy, tích hợp giới thiệu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa với các môn Lịch sử, Văn học, Địa lý, Giáo dục công dân trong các cuốn "Tài liệu giáo dục địa phương”; xây dựng mô hình "Trường học gắn với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”; đưa vào nội quy, quy định về việc mặc trang phục truyền thống dân tộc vào ngày thứ Hai hàng tuần, ngày lễ, ngày hội…

Đặc biệt, Yên Bình đã thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Năm 2023, đã mở 8 lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết và nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc Tày, Dao, Cao Lan cho trên 100 học viên; 177/177 thôn, tổ dân phố thành lập được câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng, trong đó có 21 câu lạc bộ và 12 đội văn nghệ dân gian dân tộc thiểu số phục vụ du lịch.

Huyện Yên Bình hiện có 5 lễ hội diễn ra thường niên ở cấp xã vào dịp đầu năm mới tổ chức tại các di tích lịch sử - văn hóa; lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch cấp huyện được tổ chức 2 năm 1 lần. Công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các địa phương đảm bảo văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; thiết thực hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý và phát triển văn hóa; trong nhận thức về vai trò của văn hóa của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu nên chưa có sự quan tâm đúng mức đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa tương xứng với chính trị, kinh tế của địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển văn hóa vùng hồ Thác Bà thực sự phong phú, đậm đà bản sắc các dân tộc. Đó là, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái và định hướng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình gắn với phát triển du lịch; giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong cuộc sống đương đại; khai thác các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong xây dựng con người Yên Bình theo tiêu chí "Thân thiện đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; phục dựng các lễ hội truyền thống và giải pháp đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc Tày gắn với phát triển kinh tế, du lịch vùng hồ Thác Bà; giữ gìn nghề thủ công truyền thống của các tộc người vùng hồ Thác Bà… 

Qua Hội thảo, huyện Yên Bình đã có thêm những thông tin quan trọng về thực trạng, tiếp thu các ý kiến kiến nghị, đề xuất để có cơ sở ban hành những chủ trương lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc trong huyện trong thời gian tới.

Minh Huyền - Hoài Văn



Tags Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng hồ Thác Bà huyện Yên Bình Thác Bà

Các tin khác
Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Yên Bái được nhận quà tại Triển lãm “Hội sách khuyến học”

Ngày 27/12, Thành đoàn Yên Bái phối hợp với Trung tâm Thương mại Vincom Yên Bái và Công ty TNHH ĐTTM & DV KBS Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm “Hội sách khuyến học” năm 2023 - 2024 với sự tham dự của đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Chính phủ quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2023/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-2-2024.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải trao Giải Nhất cho các tác giả.

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Lễ trao giải Báo chí năm 2023 và Phát động “Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về An toàn giao thông năm 2024”.

Trưng bày gần 200 tư liệu, hiện vật quý về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Ngày 26-12, triển lãm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội) đã khai mạc. Hoạt động nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 – 1-1-2024)

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục