Trung tuần tháng 3, cùng nhóm bạn về Nghĩa Lộ, tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp thuần khiết của hoa ban trắng trời ở nhiều nẻo đường, góc phố. Mỗi đường hoa ban ở Nghĩa Lộ đều có một tên riêng.
Chị Lò Thúy Quỳnh - cán bộ Trung tâm Truyền thông - Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ khoe: "Các anh thấy đó, hiện các tuyến đường Ban Thanh Niên từ Nhà thi đấu thị xã Nghĩa Lộ đến xã Nghĩa An, tuyến đường Hoa Ban từ Ban chỉ huy Quân sự thị xã đi Nhà máy may Chiến Thắng, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử, văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ, trụ sở UBND thị xã, trên các tuyến đường và một số cơ quan công sở... đều đã trắng cả góc trời".
Chị Phạm Minh Quý ở tổ 4, phường Tân An không nhớ nổi đã bao nhiêu lần chụp ảnh với hoa ban, chỉ biết rằng cứ mỗi mùa hoa ban nở chị lại đến những tuyến đường hoa ban ghi lại những khoảng khắc đẹp. "Thật tuyệt vời khi được sống trên mảnh đất Nghĩa Lộ xinh đẹp với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và xòe Thái bất tận, đặc biệt là hoa ban. Chính vì vậy, khi hoa ban nở, tôi và nhiều chị em trong tổ thường đến các tuyến đường hoa ban để ngắm và chụp ảnh lưu làm kỷ niệm cũng như đăng Facebook để quảng bá giới thiệu cho du khách gần xa”, chị Quý nói.
Cũng như chị Quý, cứ vào dịp này, gia đình anh Hoàng Xuân Tuấn ở thành phố Yên Bái thường dành những ngày cuối tuần để vào Nghĩa Lộ nghỉ dưỡng ngắm hoa ban. "Nghĩa Lộ mùa này hoa ban nở đẹp. Nhìn thấy hoa ban, ai cũng cảm thấy nao lòng, thấy yêu quê hương mình hơn” - anh Tuấn chia sẻ.
Không xao xuyến sao được khi những cánh hoa ban nở bung, kết thành chùm đung đưa trong gió; xa xa những cô gái Thái thắt đáy lưng ong trong áo cóm, váy đen và chiếc khăn piêu tạo dáng bên những cành hoa ban làm cảnh sắc thiên nhiên vô cùng lãng mạn, xao xuyến.
Trước vẻ đẹp của hoa ban, có nhà thơ phải thốt lên: "Nay ai về mang nắng về theo/ Để mùa Ban ngọt ngào khoe sắc/ Nghĩa Lộ mùa hoa như thầm nhắc/ Hãy trở về Tây Bắc yêu thương/ Để hôm nay dạo khắp phố phường/ Gieo yêu thương hàng Ban thắm nở/ Dù mai sau đi khắp xứ sở/ Vẫn vẹn tròn nỗi nhớ quê hương”.
Hiện thị xã Nghĩa Lộ có nhiều tuyến đường hoa ban nở rực rỡ
Trong tiếng Thái, ban có nghĩa là ngọt, hoa ban nghĩa là hoa ngọt. Sự tích hoa ban của dân tộc Thái gợi nhớ truyền thuyết xa xưa về mối tình thủy chung son sắt của nàng Ban, chàng Khum: "Hoa ban trắng nở thành người con gái Thái. Áng mây bay trong thau nước gội đầu”. "Trăm năm ngắm hoa ban nở còn mãi mãi. Mỗi mùa ban lại thêm trẻ ra, không già”.
Hoa ban bắt đầu nở vào đầu mùa Xuân, rộ nhất vào tháng 3 và tháng 4. Sự tích về loài hoa Ban của dân tộc Thái kể về tình yêu của đôi trai gái bị cha mẹ ngăn cấm nhưng vẫn một lòng chung thủy, son sắt. Hoa ban biểu trưng cho sự thuần khiết, trong sáng của người phụ nữ, cũng là biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc, tình yêu và cả sự no ấm, tấm lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, sự tôn kính các vị thần linh. Hoa ban cũng hiện hữu trong nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người Thái như: hội hái hoa Ban, Xên bản xên mường…
Nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng, xã Nghĩa An chia sẻ: "Hoa ban rất thân thiết, gần gửi với con người, nhất là với người dân tộc Thái mình; không chỉ tượng trưng cho tình yêu trong trắng thủy chung, giờ đây hoa, lá, thân, rễ của cây ban cũng đều có giá trị kinh tế cao cho người dân Nghĩa Lộ”.
Bao đời nay, hoa ban đã đi vào đời sống văn hoá, tâm linh của đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ cũng nhưu đồng bào vùng Tây Bắc. Chính vì vậy, thị xã Nghĩa Lộ đã quy hoạch trồng cây hoa ban bản địa tại các tuyến đường, cơ quan công sở, khu di tích lịch sử… nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của hoa ban và phát triển du lịch trên địa bàn.
Giờ đây, hoa ban không chỉ hiện hữu trong những câu hát giao duyên, điệu múa mà vào cả trong ẩm thực với món nộm hoa ban ăn một lần nhớ mãi. Với lợi thế đó, thời gian qua, trong chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng thì hoa ban cũng là một món ăn ngon và bổ, trở thành một trong những nét ẩm thực độc đáo riêng có của đồng bào Thái. Đặc biệt, cứ mỗi dịp tháng Ba, hoa ban nở đã trở thành hình ảnh mang tinh biểu tượng về mùa xuân Tây Bắc nói chung, mảnh đất Nghĩa Lộ thanh bình, thân thiện và mến khách nói riêng.
Văn Tuấn