Người
Khơ Mú tại Yên Bái sống tập trung tại huyện Văn Chấn. Bản sắc
văn hóa của người Khơ Mú được thể hiện trong trang phục, lễ hội truyền thống và các vũ điệu dân gian. Trong trang phục của phụ nữ Khơ Mú có cách phối màu độc đáo với những hàng khuy lấp lánh ánh bạc.
Khăn đội đầu màu thẫm, trên đó thêu nhiều hoa văn với màu đỏ chủ đạo như những đốm lửa, gợi cảm giác ấm áp. Người Khơ Mú ở Văn Chấn luôn tự hào về kho tàng dân ca, dân vũ của mình. Đó là các làn điệu hát giao duyên, các điệu múa khăn, múa cá lượn. múa đuổi chim, múa mừng mùa măng mọc, múa mừng xuân mới… Các làn điệu dân ca, dân vũ thể hiện sự hồn nhiên, yêu cuộc sống của người Khơ Mú.
Trong đó, làn điệu dân ca quen thuộc là Tơm, mang đậm tính sử thi, trữ tình, cách hát theo kiểu đối đáp. Hát Tơm sử dụng nhiều trong các lễ hội, cưới xin, các việc trọng đại của làng bản, dòng họ và của gia đình. Hay múa Cá lượn - một vũ điệu độc đáo, giàu ngôn ngữ hình thể, rộn ràng tươi vui thể hiện niềm lạc quan cùng những mong ước tốt đẹp về tình yêu và cuộc sống.
Múa Cá lượn là vũ điệu mô phỏng hoạt động bơi lội tung tăng của đàn cá trong mùa tìm đôi kết bạn. Điệu múa thường đông người hoặc múa đôi trai gái với các động tác đánh vai, lắc hông, vẩy tay vừa uyển chuyển mềm mại vừa khoẻ khoắn, trữ tình và giàu biểu cảm.
Động tác vừa nồng nàn, thân mật, tràn đầy khát vọng tình yêu và tình cảm ấm áp gắn bó cộng đồng. Âm thanh vui nhộn của các nhạc cụ và bóng dáng các thiếu nữ trong vũ điệu cá lượn vừa hồn nhiên vừa mê đắm, là biểu hiện sinh động của khát vọng, tình yêu, niềm tin ở đôi tay và sự sôi trào của cuộc sống con người giữa thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ.
Cùng với vũ điệu độc đáo, đồng bào Khơ Mú ở Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn còn có các lễ hội truyền thống thể hiện sự gắn kết cộng đồng và mong ước cuộc sống tốt đẹp. Lễ hội Cầu mùa phản ánh niềm tin, sự biết ơn của người Khơ Mú với tổ tiên, thiên nhiên, trời đất và nương rẫy… đồng thời thể hiện ước mong về mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
Hát mừng Mẹ Lúa về nhà trong Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú Nghĩa Sơn
Lễ hội
Cầu mùa của người Khơ Mú gồm 5 phần: lễ tôn vinh thần lúa, thần hoa màu, cây khoai sọ; lễ chọc lỗ, tra hạt; lễ cầu mưa; lễ đón mẹ lúa; lễ hội đón xuân. Trong đó, lễ tôn vinh thần lúa, thần hoa màu, cây khoai sọ là nghi thức để tỏ lòng nhớ ơn người xưa đã tìm ra cây lúa, cây hoa màu; đồng thời, thể hiện quan niệm của người Khơ Mú về cỏ cây, hoa màu... đều có hồn, có thần. Vì vậy, họ dâng lễ vật bao gồm các sọt lúa, khoai sọ, các loại hoa màu, một khóm cây bông lau, một khóm cây chè vè... được các nam, nữ thanh niên trẻ khỏe, mặc trang phục dân tộc rước kiệu lễ.
Lễ chọc lỗ, tra hạt mong cho cây lúa nẩy mầm, cho hạt chắc bông dài.
Lễ chọc lỗ, tra hạt được tiến hành trên nương rẫy, sau khi nương rẫy đã được dọn sạch cỏ. Sau khi cúng ma nhà, tại lều nương, chủ nhà sẽ dùng giẻ đốt, hoặc cành cây tươi cúng khấn, xua đuổi "ma xúi”, "ma ăn bám” thóc giống. Tiếp sau đó, chủ hộ chọc ba lỗ tra hạt trước, rồi tất cả mọi người sẽ cùng thực hiện theo.
Các thành viên vừa chọc lỗ, tra hạt, thỉnh thoảng múa theo tiếng nhạc cụ gắn theo cây chọc lỗ để quên đi cái mệt nhọc, vừa là để động viên nhau làm việc hăng say hơn. Khi đã chọc lỗ, tra hạt xong, tất cả mọi người lấy nước rửa tay, rửa gậy chọ lỗ; chủ nhà đứng trước lán nương lúa, tưới nước ra xung quanh, vừa làm, vừa cầu khấn năm nay mùa màng sẽ tươi tốt. Còn lễ Cầu mưa là nghi lễ chính của lễ hội, với mục đích cầu mong mưa thuận, gió hòa.
Trong lễ Cầu mưa không thể thiếu các dụng cụ như cây chuối hoa đỏ tượng trưng cho mào con thuồng luồng; cây chuối rừng, cây ráy ngứa làm cho đất ẩm ướt; chày cối giã gạo mong cuộc sống được sung túc, no ấm; thần sấm sét, búa rìu (đã có sấm sét là có mưa); còn thuồng luồng là thần làm mưa, con rồng là thần chi phối mưa. Ngoài ra, trong buổi lễ còn cả đánh trống chiêng, múa sạp, với mục đích làm cho rung trời, lở đất, động đến thần sấm, thần sét, thần thuồng luồng, thần rồng để thông báo cho các thần ấy là đã đến mùa sản xuất, làm ăn trong năm; hãy phù hộ cho bà con được mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...
Trong sản xuất, người Khơ Mú thường canh tác ở xa nhà nên họ phải làm kho thóc ở trên nương để tích trữ lương thực; sau khi thu hoạch xong, họ sẽ chuyển thóc lúa về kho chính ở nhà. Vì vậy, người Khơ Mú đã có "Lễ đón mẹ lúa” để đón rước mẹ lúa về nhà. Khi thu hoạch xong, họ để lại một cụm thóc tại kho ở trên nương (tượng trưng cho Mẹ Lúa). Đến sáng sớm, gia đình sẽ cử bốn người đi rước mẹ lúa về. Họ mang theo bồ đựng thóc lúa, bầu bí, thuổng đào khoai sọ, hai thanh niên (là người chưa lập gia đình) sẽ mang kiệu để rước. Sau khi rước được mẹ lúa về, mọi người trong gia đình chuẩn bị lễ vật để cúng. Sau phần lễ là các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, múa ngửa người chui dây, thi tài nhảy dây có hình chữ thập... tạo không khí lễ hội thêm phần vui nhộn, gắn kết cộng đồng.
Xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các nhà trường và tổ chức Đoàn Thanh niên xây dựng các mô hình, các câu lạc bộ thường xuyên duy trì, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để duy trì và truyền dạy cho các thế hệ và quảng bá những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Khơ Mú đến du khách gần xa.
Thanh Vy