Thú chơi quay của người Mông Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngạn ngữ Mông có câu: "Có rượu cùng đổ, có thịt cùng ăn". Sự ăn uống của đồng bào Mông ngày tết cũng đơn giản, không có nhiều món cầu kỳ như dân tộc khác. Mổ con lợn nuôi vài tuổi, nặng cả tạ, thịt mỡ thì tẩm gia vị ướp sấy và làm thịt chua để ăn quanh năm; lòng già được làm sạch, nhồi thịt mỡ và riềng giã nhỏ cùng các gia vị khác, sau đó đem phơi sương (giống lạp xường của người Kinh) để làm thức ăn dần.
Thanh niên người Mông (Mù Cang Chải) trong hội chơi xuân.
|
Những thửa ruộng bậc thang rộng sau mùa gặt còn trơ gốc rạ, những đám đất trống giữa bản trở thành điểm chơi tết của thanh niên, trẻ mới lớn. Dập dìu trong tiếng khèn môi, khèn lá gọi bạn ở hội "Gầu tào" còn có các trò như đua ngựa, ném pao, đẩy gậy và chơi quay.
Theo tiếng Mông, đánh quay là "Tầu tù lu". Tù lu (con quay) được làm từ một loại gỗ cây rất cứng trên rừng như: sồi, lim, nghiến, gốc táo mèo... có đường kính từ 7 - 10cm, đầu nhọn có tác dụng điểm chạm của quay; đầu kia gọt bằng, khi chơi thường là tiêu điểm đánh của các con quay khác. Dây đánh quay gọi là "cua" được se bằng lanh, dài độ một mét, được nối với một đoạn "pảng" (gậy) làm bằng một đoạn trúc rừng nhỏ cỡ ngón tay cái, dài khoảng 40cm. Sân chơi thường được chọn là bãi đất rộng, phía đối diện có taluy cao nhằm tránh con quay khi chơi văng xuống núi để không gây thương tích cho người chơi.
Khi chơi, từng cặp thanh niên dùng dây cuốn con quay theo chiều thuận tay chơi tùy thuộc theo tay trái hay phải. Khi có tiếng hô: "Tầu lâu" (đánh đi) thì từng cặp hai người xuống quay để so tài, ai có quay "sống" lâu hơn thì được quyền đánh tiếp, người kia phải để quay chết làm điểm chọi cho người chơi. Ở cự ly khoảng 5 mét, người chơi dùng sức phải chọi trúng quay của đối phương mà không bị chết thì tiếp tục được vào vòng sau. Lần lượt trò chơi sẽ chọn được một người chiến thắng. Trò chơi sẽ tiếp tục với việc các con quay chết được đưa lên độ cao khoảng một mét, rồi hai mét (các taluy đối diện có các bậc đào sẵn), người chơi phải dùng quay của mình chọi trúng các con quay chết và rơi xuống thì được tính điểm cao hơn...
Thú chơi quay rèn người chơi phải có sức khỏe, độ khéo léo, tinh nhanh và phán đoán tốt. Điều quan trọng là người chơi được sự cổ vũ rất nhiệt tình của những thiếu nữ Mông đứng xem bên ngoài. Không ít thiếu nữ đã chọn được bạn tình của mình là những người chiến thắng, trong số ấy nhiều đôi trở thành vợ chồng sống hạnh phúc trên các triền núi cao vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Có dịp chơi tết khi xuân về ở vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải và hòa mình trong cảm giác lâng lâng của rượu, sự mênh mang của đất trời, trong cái rét ngọt và tiếng khèn Mông dập dìu, hẳn bạn càng đắm say và thêm yêu mảnh đất vùng cao này.
Thanh Sơn
Các tin khác
"Tết nhảy" chỉ ở làng Dao Ba Vì mới có. Ðó là Tết nhảy, là điệu múa chuông, múa rùa, múa kiếm làm nên vũ điệu độc đáo của người Dao trong những dịp Tết đến xuân về.
YBĐT - Cũng như người Kinh, đồng bào Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái)ăn tết cổ truyền “Mạz chiêng” theo Tết Nguyên đán.
YBĐT - Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng trời, ấy là dấu hiệu của một mùa xuân mới đã về với các bản, làng ở vùng cao.
YBĐT - Người Khơ Mú ở Yên Bái sống tại 2 huyện Văn Chấn và Trạm Tấu, nhưng chủ yếu tập trung tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn. Cộng đồng người Khơ Mú tại Yên Bái tuy ít, sống rải rác và chịu ảnh hưởng nhiều của người Thái song đời sống văn hoá của người Khơ Mú vẫn là một kho tàng lớn cần được bảo tồn và phát huy.