Cánh còn xuân
- Cập nhật: Chủ nhật, 10/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mường Lò, mảnh đất phía Tây tỉnh Yên Bái có 16 dân tộc chung sống từ lâu đời. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa dân gian cổ truyền riêng biệt, phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc và làm đẹp, làm giàu cho kho tàng văn hóa Việt Nam.
Vui ném còn. (Ảnh: Pa-ri)
|
Cứ mỗi độ xuân về, khi những cánh rừng đại ngàn điểm xuyết tôn vinh màu trắng tinh khiết của hoa ban, cũng là lúc cộng đồng dân tộc Thái trên đất Mường Lò tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: tó mắc lẹ, bắn nỏ, đua ngựa, ném còn... Xin giới thiệu một trò chơi dân gian độc đáo và tiêu biểu của dân tộc Thái, đó là trò chơi ném còn (nhưng chỉ là "còn vòng" vì ném còn có nhiều hình thức chơi như: "còn sai", "còn xổm").
Để trò chơi diễn ra đúng ngày đã được định trước thì công việc chuẩn bị phải làm từ rất sớm trước đó nhiều ngày. Trước tiên là tìm một khoảng đất rộng, bằng phẳng ở trung tâm bản mường để làm sân chơi, sau đó tìm một cây tre thẳng, cao từ 20m trở lên để làm cây còn, "công việc này do các chàng trai trong bản làm". Khi đã chọn được cây còn ưng ý, họ làm một vòng tròn có đường kính khoảng 40cm, phủ một lớp giấy đỏ, xung quanh vòng còn quấn tua xanh, đỏ sau đó buộc vào đầu cây còn rồi đem dựng ở giữa khoảng đất đã chọn.
Công việc tiếp theo là làm quả còn "do các thiếu nữ đảm nhiệm". Quả còn được làm từ nguyên liệu sẵn có như hạt quả muối hoặc hạt quả muồng, vải vụn và những miếng vải. Khi đã bắt đầu chuẩn bị đủ nguyên liệu, các thiếu nữ bắt tay vào làm quả còn. Trước tiên, họ khâu những miếng vải thành từng túi, sau đó cho hạt quả muối hoặc quả muồng vào trong rồi khâu kín lại; bốn góc quả còn đính những tua xanh đỏ, ở chính giữa quả còn đính một sợi dây bằng vải để làm dây còn. Đến đây, công việc hoàn tất, chờ ngày khai hội.
Ngày khai hội, khi những giọt sương còn đọng trên chồi non lộc biếc cũng là lúc từ khắp các nẻo đường của bản mường, từng đoàn người trong trang phục truyền thống dân tộc háo hức đổ về sân chơi chuẩn bị tham gia hội.
Lúc này, tại sân chơi, "ông quản", tức là người liên lạc đem trống, chiêng treo giữa sân chơi. Khi mọi người đã tụ tập đầy đủ, một hồi trống khai hội vang lên, trò chơi bắt đầu. Mọi người nhanh chóng tách làm hai đội đứng đối diện nhau bên cây còn và bắt đầu tung còn.
Với cộng đồng dân tộc Thái thì quan niệm rằng, "vòng còn" là biểu hiện của sự giao hòa giữa trời và đất, cho khí thiêng của vạn vật, của âm và dương nên ai ném còn trúng vòng còn sẽ may mắn, mùa màng sẽ tươi tốt. Từ những quan niệm như vậy mà khi tung còn, họ đã gắn rất nhiều tình cảm cũng như ước muốn của mình, bởi vậy mà hội còn xuân không dành riêng cho lứa tuổi nào mà cho cả cộng đồng. Những người lớn tuổi, họ tung còn với ý nghĩ, với mong muốn sức khỏe, may mắn. Với các chàng trai cô gái, không chỉ cầu sức khỏe mà họ còn gửi gắm ước muốn lời thương lời nhớ và những niềm vui của họ vào đó. Cứ như vậy, trò chơi tiếp diễn với sự háo hức, say sưa của người chơi và sự cổ vũ nhiệt tình của mọi người tưởng chừng như không bao giờ dứt.
Và cũng bởi vậy, hội còn xuân là nơi người dân gặp gỡ, được khẳng định mình và bày tỏ lòng mình với những cánh còn xuân, trao thương gửi nhớ bên những nhành ban trắng. Ai là người tham gia góp vui cho ngày hội thật xứng đáng với những lời chúc mừng tốt đẹp, sự cổ vũ nhiệt tình của tất cả mọi người.
Hứa Thúy Vinh
Các tin khác
Một giọng hát then trong trẻo hòa cùng nhịp đàn tính tẩu khoan thai, du dương hòa quyện với thanh âm dìu dặt của đất trời:
YBĐT - Sau khi hoàn tất các nghi thức bên nhà gái là lễ đón dâu về nhà chồng. Trước giờ đón cô dâu về nhà chồng là nghi thức cho con gái của hồi môn và nghi thức hát "Tơm" xin dâu. Của hồi môn cho con gái gồm 12 chiếc gối, 7 bộ chăn đệm, 1 đôi chiếu, 1 đệm ngồi, 1 bộ riđô màn cưới, 40 bát ăn cơm, 2 mâm, 1 tủ đứng, 1 hòm… Sau khi đã chuẩn bị của hồi môn, bà Mờ bên nhà trai hát "Tơm" xin dâu đối đáp với bên nhà gái.
Nhiếp ảnh gia người Anh Tim Hetherington đã đoạt giải thưởng cao nhất - giải Ảnh báo chí của năm với tác phẩm “Sự mệt mỏi của một người đàn ông và sự mệt mỏi của một quốc gia” với khoản tiền thưởng 10.000 euro (14.500 USD).
YBĐT - Lễ cưới truyền thống của người Khơ Mú có nhiều lễ thức khác nhau như: Lễ thức tự do yêu đương tìm hiểu, dạm hỏi, đặt mối, nghi thức xin ở rể, lễ cưới và lễ lại mặt. Người Khơ Mú có tục cưới rể từ một năm trở lên tuỳ thuộc vào điều kiện của từng nhà. Khi gia đình nhà gái cho phép thì nhà trai sẽ tổ chức lễ cưới đón con dâu và con trai về nhà.