Lanh - biểu tượng tình yêu và khát vọng của phụ nữ Mông
- Cập nhật: Thứ ba, 1/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nói đến người Mông, đặc biệt là phụ nữ, mọi người thường nghĩ đến chiếc váy bằng vải lanh với những đường nét, màu sắc hoa văn đặc trưng không thể lẫn với một loại trang phục nào, với một dân tộc nào khác.
|
Vải lanh làm bằng sợi cây lanh. Tiếng Mông là chaoz mang, thuộc họ gai mèo. Đồng bào trồng lanh trên nương hoặc gần nhà để tiện chăm sóc. Lanh trồng vào tháng 2 âm lịch, sau 3 tháng là được thu hoạch. Lanh là loại cây lấy sợi nên người Mông coi đây là nguyên liệu cơ bản để dệt vải, phục vụ nhu cầu may mặc trong đời sống. Điều đáng nói với phụ nữ Mông, từ xa xưa đến bây giờ, cây lanh, sợi lanh đã đi vào thế giới tình cảm, thậm chí trong cả thế giới tâm linh, trở thành một thứ biểu tượng cho sự bền chắc của cả đời người, cho cả lứa đôi, của tình yêu và khát vọng.
Dệt lanh cũng như dệt vải bông, nghĩa là phải qua khâu dàn sợi, lên go, mắc cửi - những công đoạn phức tạp, mất nhiều thời gian. Tùy theo tấm vải dài, ngắn mà người ta dàn sợi ít hay nhiều. Thường thường, một khổ vải lanh có kích thước từ 45cm đến 50cm. Để có sợi, phụ nữ Mông luôn đem theo mình những bó lanh như một vật bất ly thân. Trên đường đi nương, xuống chợ hay gặp bạn tình, họ luôn tay xe lanh, nối sợi. Nới được bao nhiêu, họ quấn vào lòng bàn tay cho đến khi đầy thì buộc lại thành cuộn (to, nhỏ theo ý).
Hình ảnh này ta thường gặp và điều đó càng cho thấy cây lanh là một phần hình ảnh của người phụ nữ Mông. Đối với họ, cuộn lanh là tính cách, sợi lanh là số phận. Con dâu về nhà chồng có nghĩa vụ biếu tặng bố mẹ chồng mỗi người một bộ trang phục bằng vải lanh. Bố mẹ sẽ cất giữ, đợi đến lúc sang thế giới bên kia mới mặc (họ quan niệm, mặc áo quần bằng vải lanh mới được lên tầng trời, mới được tổ tiên, ông bà công nhận là con, cháu...).
Người Mông ở mọi nơi (dù là Mông lềnh hay Mông đơ) cho rằng, họ cùng chung một giống lanh. Từ đó, giữa họ (nhất là phụ nữ) đưa ra những cách ứng xử gần giống nhau. Ví dụ:
"Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu
Trai khỏe không giỏi làm nương cũng hèn..."
Trong quan hệ gia đình:
-"Anh em nhiều dễ bàn việc nhà
Chị em nhiều dễ xe lanh".
-"Cha mẹ không khoe nhà lắm gà, nhiều lợn
Chỉ khoe con gái giỏi dệt vải, xe lanh..."
Hay hạnh phúc lứa đôi:
"Cuối nhà là nơi em dệt lanh, thêu váy
Đầu nhà là nơi anh thổi sáo, nhảy khèn..."
Thậm chí khi tình yêu có “vấn đề” thì:
"Cây lanh đổ hắt vào cây thông lớn
Cây thông ngã nhào trên mặt đường
Còn đôi ta đã là bạn tình
Chỉ một đường, không có lối cách chia..."
Cứ vậy, sợi lanh tuôn chảy, lan tỏa, bồng bềnh. Từ "sợi yêu, sợi thương" mà dồn nén lên đôi bàn tay lao động không mệt mỏi, tạo nên những tấm vải hoa văn thấm đẫm hương sắc đại ngàn.
Bây giờ, trong nền kinh tế thị trường, nhiều ngành nghề truyền thống đã và đang bị mai một. Nhưng ở tỉnh Yên Bái, phụ nữ Mông vẫn trồng lanh, dệt vải. Cây lanh trở thành và mãi mãi là biểu tượng của tình yêu, của khát vọng nơi rẻo cao. Lanh góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bùi Huy Mai
Các tin khác
Ở khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, đại đa số đàn ông các dân tộc thiểu số tại chỗ mặc khố. Hiện tại rất nhiều người Ê đê, Mnông ở độ tuổi từ 40 trở lên chỉ khi đi đâu mới mặc quần dài chứ về nhà là mặc khố, người ta còn có khố để dành riêng đi đám tiệc.
Liên bộ Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư hướng dẫn mức chi và quản lý kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006- 2010, có tổng vốn đầu tư hơn 4,5 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương góp khoảng 55% (2,5 ngàn tỷ đồng), còn lại là vốn từ ngân sách địa phương và vốn huy động khác.
Bộ phim tài liệu truyền hình dài 20 tập do Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Thái Lan phối hợp sản xuất khởi chiếu đồng loạt tại 6 nước vào đầu tháng 4. Sau khi ra mắt khán giả trong nước, phim sẽ phát trên toàn thế giới bằng tiếng Anh.
YBĐT - Mô hình gia đình phổ biến của các dân tộc thiểu số Yên Bái là đại gia đình. Ở đó gồm nhiều thế hệ cùng sống chung. Thiết chế phụ hệ, quan hệ ông bà cha mẹ, vợ chồng con cái bình đẳng, tôn trọng, thương yêu nhau.