Tranh Việt trên thị trường Đông Nam Á
- Cập nhật: Thứ năm, 17/4/2008 | 12:00:00 AM
Mỗi năm hai lần, hai nhà đấu giá quan trọng nhất hành tinh là Sotheby’s và Christie’s đều tổ chức đấu giá tranh của các tác giả Đông Nam Á tại Singapore và Hồng Kông. Đó cũng là thị trường lớn nhất của hội họa Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nơi các kỷ lục về giá tranh được thiết lập.
Tranh Lê Phổ hiện có giá cao nhất
|
Các số liệu nhiều năm trở lại đây cho thấy hội họa Indonesia đang dẫn đầu Đông Nam Á tính về mặt thị trường (tổng số tranh bán được và giá tranh cũng cao nhất tại khu vực các nước ASEAN). Trong số các tác phẩm được ưa chuộng và tìm mua của hội họa Indonesia, có nhiều tranh của các họa sĩ châu Âu và Hà Lan, những người đã đến sống và sáng tác tại Indonesia, đặc biệt là tại đảo Bali, từ cuối thế kỷ XIX, đem hội họa phương Tây hiện đại đến xứ sở này, giống như các họa sĩ Pháp đến Việt Nam xây dựng trường Mỹ thuật Đông Dương, khơi mở hội họa Việt Nam hiện đại. Không chỉ tranh của các bậc thầy bản địa như Affandi mới được săn lùng và có giá cao mà các họa sĩ trẻ Indonesia nay cũng có chỗ đứng trên thị trường nghệ thuật châu Á.
Điều đáng nói là ngay tại Indonesia cũng đã hình thành một thị trường tranh rất sôi động, từ đó, các nhà sưu tập bản địa cũng như nước ngoài thường xuyên đưa tranh của các tác giả Indonesia đến với các phòng đấu giá quốc tế. Có lẽ đó là điểm khác biệt cơ bản giữa hoạt động tạo hình Indonesia và Việt Nam. Cho tới nay, sau hơn 20 năm mở cửa, vẫn chưa có một thị trường nghệ thuật tích cực và sôi động tại Việt Nam dù mỹ thuật Việt Nam đã đón ngọn gió lành Đổi mới thật sớm sủa.
Dù vậy, trên bảng xếp hạng của thị trường tranh Đông Nam Á, sau Indonesia là Việt Nam. Và điều này, như vừa đề cập, không phải bởi vì Việt Nam đã có một thị trường nghệ thuật nội địa mà do các nhà sưu tập cũng như nhà buôn tác phẩm nghệ thuật đến từ nước ngoài. Rất hiếm hoi các nhà sưu tập người Việt đến với các phiên đấu giá tranh ở Singapore hay Hong Kong.
Và tại các phiên đấu giá đó, người mua cũng có thể tìm thấy tác phẩm của các họa sĩ Pháp đã sống, dạy học và sáng tác tại Đông Dương như Victor Tardieu hay Imguimberty, tranh của các tác giả lớn đang có giá cao như Lê Phổ (tác phẩm Tình mẫu tử của ông đã bán được tại nhà Christie’s ở Singapore vào tháng 9-2007 với giá 364.469 USD - giá tranh Việt Nam cao nhất trên thị trường từ trước tới nay), Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Gia Trí... Đặc biệt là tranh Bùi Xuân Phái được đem đấu giá ở Hong Kong và Singapore với số lượng rất lớn (1).
Tranh của các họa sĩ đương đại như Nguyễn Trung, Phạm Luận, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Lê Vượng... cũng đang được giới sưu tập ở châu Á ưa chuộng, được bán với mức phổ biến là vài ngàn USD. Trẻ hơn có Đinh Quân, Trịnh Tuân và trẻ hơn nữa có Lim Khim Katy... Nguyễn Trung có lẽ đang dẫn đầu các tác giả Việt Nam được thị trường “chăm sóc” kỹ nhất. Theo một số liệu của gallery Thavibu, cập nhật vào cuối năm 2007, trong tổng số 29 tranh của ông được lên list của gallery này, có tới 21 bức đã được mua. Từ Thavibu, tranh Nguyễn Trung cũng như các tác giả Việt Nam khác lại đến với các nhà đấu giá quốc tế.
Làng hoa bên hồ Tây - tranh sơn dầu Phạm Luận
Thật ra, dù tranh Việt được ưa chuộng hơn ở thị trường Đông Nam Á so với tranh Thái Lan hoặc Myanmar nhưng điều đó không có nghĩa hội họa Việt Nam “xuất sắc” hơn, “hay” hơn hội họa Thái hoặc Myanmar, mà vấn đề là “khẩu vị” của thị trường. Ở Đông Nam Á chẳng hạn, thường thì tranh “đẹp” - theo nghĩa đen của từ này, đặc biệt là tranh có phụ nữ, hoa cỏ, cảnh đẹp óng ả, mộng mơ, lãng mạn được người mua ưa chuộng.
Trong khi đó, tranh có khuynh hướng chính trị - xã hội, thể hiện những vấn đề nóng bỏng, bức bối của cuộc sống hiện đại của các tác giả đương đại Thái Lan, khó mà được lòng những nhà sưu tập hay nhà kinh doanh chỉ tìm những tác phẩm “mát mắt”. Có thể nói, tại Đông Nam Á hiện nay, hội họa Thái Lan là đa dạng nhất, “phức tạp” nhất, nghệ thuật tạo hình Thái đương đại đầy tính truyền thông và nặng biểu hiện hơn bất kỳ nước nào khác ở khu vực. Và các họa sĩ Thái hôm nay vẫn trung thành với sự chọn lựa khuynh hướng chính trị - xã hội của mình cho dù thị trường không chuộng (2).
Điều mà hội họa Đông Nam Á đang phải đối mặt, cũng giống như nạn mua bán độ trong bóng đá khu vực này, là tình trạng làm hàng giả, hàng nhái. Tranh giả không còn giới hạn trong phạm vi tác phẩm của các bậc thầy mà cả với tranh đương đại; điều này đặc biệt nghiêm trọng tại Việt Nam. Tranh giả Việt Nam đã xuất hiện không ít trong các phiên đấu giá và tình hình này chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc!
(Theo TTO)
Các tin khác
Một vài hoạ phẩm nổi tiếng nhất thế giới sẽ được trưng bày tại một bảo tàng ở London, Anh vào thứ 6 tới đây. Điều đáng nói là những hoạ phẩm này đều được làm bằng... sôcôla và các loại thực phẩm.
Sáng 15/4 (mồng 10 tháng 3 năm Mậu Tý), tại Đền Thượng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.
Ông Ngô Hùng - Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết: ngày 14.4, Tổ chức Newopenworld đã tạm thời loại vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách bầu chọn các kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Nguyên nhân được xác định là một số trang web của Việt Nam đã vi phạm bản quyền của tổ chức trên như sử dụng logo New7wonders; sử dụng hình ảnh và sao chép nội dung của website http://www.New7wonders.com vào mục đích thương mại mà chưa được sự đồng ý của họ.
Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ hôm qua (14-4) cho biết họ quyết định nhường bước cho buổi lễ nhậm chức tổng thống mới của nước này, bằng cách lùi thời điểm công bố đề cử giải Oscar 2009 hai ngày so với thông lệ.