"Nắng sân trường" bật dậy những mầm xanh
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hy vọng rằng, “Nắng sân trường” cũng như tất cả các em sẽ học hỏi được thêm nhiều điều, cùng rút kinh nghiệm để chuyên mục “ngày càng phong phú, thiết thực, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ” như tác giả bài viết mong muốn.
Quà của tác giả nắng sân trường gửi tòa soạn Báo Yên Bái.
|
Đọc Báo Yên Bái, sau những vấn đề chính trị xã hội, tôi rất chú ý một chuyên mục mà vừa nhắc tới đã thấy đẹp, hấp dẫn: "Nắng sân trường", mục dành cho các em học sinh yêu văn học và có ít nhiều năng khiếu. Ở đó, các em có thể được chọn đăng những bài văn, bài thơ như một sáng tác vào "cái thuở ban đầu" của đời mình.
Qua đó, những người có trách nhiệm có thể phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển những tài năng. Mở chuyên mục này, Báo Yên Bái đã giữ vai trò của một thầy giáo tầm xa và một "người mẹ hiền" khả kính, ghi một dấu ấn không phai mờ cho các thế hệ trẻ.
Gần đây, tôi đã đọc chừng trên dưới 30 số Báo Yên Bái (kể từ số 1961 ngày 1/11/2007 đến khi viết bài này, số 2053 ngày 10/4/2008) với 55 (có thể sai số vài đơn vị) bài, trong đó có 4 bài thơ của các em học sinh từ cấp tiểu học đến THPT. Nhìn vào địa chỉ của các tác giả bài viết, thấy nổi lên ba trường: Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Nghĩa Lộ - thị xã Nghĩa Lộ và Trường THPT Nguyễn Huệ.
Một vài trường THPT và THCS khác cũng có bài nhưng rất ít. Đặc biệt, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị xã Nghĩa Lộ) có bài của một học sinh lớp 5 và một học sinh lớp 3. Tác giả có nhiều bài nhất là Đào Thu Hương, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Nghĩa Lộ (9 bài, trong đó có 3 bài thơ) và tác giả ít nhất cũng một bài.
Đề tài viết của các em khá phong phú: về chính mình và những người thân như cha mẹ, anh trai, em trai, em gái, rồi đến những người bạn gần gũi hàng ngày trong học tập, sinh hoạt, có cả những người bạn cùng trang lứa đang sống trong những hoàn cảnh thương tâm. Các em viết về thiên nhiên và quê hương mình, một bông hoa, một ngày nắng, ngày mưa, mặt trăng, mặt trời, mùa xuân xanh, mùa hè cháy đỏ...
Điều duy nhất quan trọng là các em đã thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình như thế nào và bằng cách nào qua các đề tài muôn thuở ấy? Thông thường, người đọc chờ đợi ở các em sự hồn nhiên, hồn hậu, thơ ngây, trong sáng. Trong đó, có được nét độc đáo, sâu sắc, lớn lao có khi người đọc lớn tuổi, tri thức uyên thâm cũng phải bất ngờ.
Với sáng tác văn học của tuổi trăng non nói chung là thế. Bài viết của các em thực sự là tiếng nói chân chất thốt ra từ đáy lòng, từ những nghĩ suy, trăn trở trước cuộc sống muôn màu. Thấy một em bé đi bán bánh trong đêm đông rét buốt để đổi lấy bát cháo cho bà buổi sáng thì xót xa, đau đớn! Không còn thấy một em nhỏ bơ vơ, còi cọc, rách rưới, thường ngày vẫn nép mình dưới mái hiên của ngôi nhà lớn thì hốt hoảng, lo lắng, ân hận tự trách mình lạnh lùng, quá vô tâm.
Có em thật sự hạnh phúc, ngây ngất trước "Hương đất quê mình". Rồi, xao xuyến trước một tình bạn trẻ trung, thuần phác. Rồi, có cả những "Ước mơ bay"... Tất cả đã được các em viết thành bài với một kết cấu dụng công và ngôn ngữ ít nhiều mang tính nghệ thuật.
Tuy nhiên, đọc chừng ấy bài, tôi cứ bị ám ảnh bởi một cảm nhận là các em quá già dặn trong cảm xúc và suy nghĩ. Có em vừa đặt bút đã cao giọng: "Chắc hẳn trên thế gian này, ai cũng đã từng khóc... Đó là tiếng khóc trong những hoàn cảnh khác nhau và đều ẩn chứa biết bao cảm xúc..." (một học sinh lớp 5). Hay một học sinh lớp 10 viết: "Sống ở trên đời, không ai là không ước mơ về những điều tốt đẹp, mơ ước về một thế giới hạnh phúc tràn ngập tình yêu thương...".
Đặc biệt, một học sinh lớp 3 viết về người mẹ thế này: "Nếu bây giờ ai bảo tôi nói một câu ngắn gọn nhất về mẹ thì tôi sẽ nói rằng: Mẹ là người tuyệt vời nhất trong trái tim tôi!" - vừa cầu kỳ, vừa văn hoa và người ta vẫn gọi cách nói ấy là đại ngôn. Chẳng ai nghi ngờ về lòng yêu quê hương tha thiết của các em, nhưng khi viết rằng: "Dù cho cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng cũng không thể cản được chúng tôi ước mơ và phấn đấu hết mình cho một ngày mai tươi sáng của quê hương" thì người đọc lại nghĩ đây là một cách nói rất sách vở, mòn sáo!
Chắc chẳng mấy ai hài lòng khi nhận ra rằng, văn các em viết rất ít sắc thái riêng biệt, mang dấu ấn cá nhân. Phần lớn các em bắt chước người lớn trong ý tứ cũng như cách viết (gần là thầy cô, nhất là các thầy cô có viết văn viết báo, xa là tác giả, tác phẩm học trong trường và sách vở nói chung). Sự bắt chước đó rất có hại cho sáng tạo! Cũng có em khi đi bằng "đôi chân" của chính mình thì lại bộc lộ sự dễ dãi và non kém.
Vì khuôn khổ một bài báo, tôi mạnh dạn nêu một vài nhận xét chắc chắn còn sơ lược, rất mong có dịp trở lại vấn đề này. Tôi tin rằng, chuyên mục "Nắng sân trường" sẽ ngày càng phong phú, thiết thực, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ... "Nắng sân trường" bật dậy những mầm xanh.
Hán Trung Châu
Các tin khác
Qua bao đời nay, người Triêng vẫn lưu giữ nhiều vốn văn hóa quý, trong đó có âm nhạc truyền thống và đặc biệt giá trị của loại sáo đinh tút, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần.
Trung tâm do Cty Thủ công mỹ nghệ Hoa Lư đầu tư với 500 m vuông diện tích trưng bày tại 2 tầng nhà số 13, phố Hàng Gai, Hà Nội, sẽ ra mắt vào ngày 28-4. Tại đây, nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế sẽ được giới thiệu tấm bản đồ Hà Nội cổ từ năm 1890, những bức ảnh về các phố nghề, cửa hiệu, công xưởng, tòa lãnh sự Pháp... ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19.
Quan điểm vì môi trường ngày càng được các ca sĩ quan tâm và Hãng Billboard đã chọn Ngày Trái đất 22-4 để công bố top các nghệ sĩ có hành động “xanh” nhất 12 tháng qua, trong đó dẫn đầu danh sách năm 2008 là ca sĩJack Johnson.
Đợt thi tuyển gương mặt đại diện của nước chủ nhà tham gia tranh tài tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, lần đầu do Việt Nam đăng cai tổ chức, năm 2008, vừa được khởi động. Trị giá của giải thưởng lên đến 210 triệu đồng.